Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Có tình trạng nợ chuẩn giáo dục để đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới

06/06/2018 15:33

(kiemsat.vn)
Sáng 06/6, phiên chất vấn trực tiếp tiếp tục với phần đăng đàn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Nhiều vấn đề nổi cộm trong giáo dục như nợ chuẩn giáo dục; thất nghiệp; bạo hành trẻ mầm non; đạo đức giáo viên xuống cấp... đã được các đại biểu đặt ra với Tư lệnh ngành Giáo dục

Muốn công nhận nông thôn mới nên xin được "nợ chuẩn giáo dục"

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại. Ảnh QH 

Chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại hỏi hai vấn đề: Thứ nhất, vấn đề chuẩn giả trong giáo dục, trường đạt chuẩn, giáo viên đạt chuẩn nhưng thực chất thì không, các địa phương thì cứ công nhận rồi cho nợ tiêu chuẩn; vấn đề thứ hai là một hiện tượng không hiếm nhiều năm nay, để nhằm mục đích thi tốt nghiệp phổ thông và đại học, có rất nhiều các cháu bỏ không học các môn không thi mà chỉ học những môn thi thôi, nhưng để đủ điều kiện để được thi thì phụ huynh đến gặp thầy cô để nộp tiền để được công nhận đạt các môn không học. Theo Bộ trưởng làm thế nào để loại bỏ hiện tượng tiêu cực này.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Bộ trưởng Nhạ thừa nhận đây là hiện tượng có thật về việc nhiều địa phương muốn được công nhận nông thôn mới nên "xin được nợ chuẩn giáo dục". "Một số địa phương nói rằng đã có kế hoạch để khắc phục việc này. Với trách nhiệm người đứng đầu ngành, tôi kiên quyết không cho phép nợ chuẩn. Tới đây khi chương trình giáo dục được tích hợp sẽ không còn việc nợ chuẩn giáo dục để đạt tiêu chuẩn nông thôn mới", ông Nhạ hứa.

Giơ biển tranh luận với Bộ trưởng ngay sau đó, ông Cương nói "nợ chuẩn giáo dục" tại nhiều trường học ngay ở các đô thị lớn. Cụ thể như, trường trung học cơ sở nhưng bàn ghế lại tiểu học, đến lúc gia đình chịu không nổi bỏ tiền ra mua để thay thế, hỏng thì trường lại gọi phụ huynh đến sửa. "Việc này tôi đã kiến nghị Bộ Giáo dục nhưng chưa được khắc phục. Cách hội trường chúng ta đang ngồi vài trăm mét, trường đạt chuẩn quốc gia cũng chưa đạt chuẩn. Nếu trưa nay Bộ trưởng có thời gian tôi xin mời bộ trường cùng tôi qua khảo sát", ông Cương nói.

Trả lời phần tranh luận của đại biểu Cương, Bộ trưởng Nhạ nêu: Chuẩn nông thôn mới chỉ là một phần còn phải đạt nhiều chuẩn khác thì mới đạt chuẩn về trường như: sĩ số quá đông, sân chơi, bãi tập... nên ngay thành phố Hà Nội cũng có rất nhiều các trường chưa đạt chuẩn bởi vì sĩ số quá đông. Bộ trưởng Nhạ mong các địa phương lưu ý vấn đề này để chúng ta không chấp nhận trường hợp chuẩn cũng không bị bệnh thành tích để đạt công nhận về chuẩn nông thôn mới.

Ý kiến về một số học sinh bỏ không học các môn không thi để thi, theo Bộ trưởng Nhạ cũng là có thật. Tuy chưa thống kê nên cũng chưa biết là bao nhiêu nhưng có hiện tượng học tủ học lệch, nhất là các trường chuyên, bố mẹ cũng muốn tập trung thời gian cho con học những môn được thi, đỗ đạt, còn những môn khác xem nhẹ. Bộ không đồng ý với việc này và thậm chí cấm, vì giáo dục phổ thông là giáo dục toàn diện, đức, trí, thể, mỹ. Và phải chú trọng đến những môn liên quan đến phát triển con người, có nghĩa là dạy làm người, chứ không phải đi thuần túy kiến thức để thi. "Bộ Giáo dục cấm hiện tượng này. Chúng tôi kiên quyết phản đối và sẽ tiếp tục giám sát. Song cũng mong nhà trường thực hiện nghiêm quy định của Bộ để các cháu được học toàn diện, chứ không phải học để thi", ông Nhạ nói.

Chủ tịch Quốc hội “nhắc nhở” vấn đề sinh viên thất nghiệp 

Trong báo cáo gửi đến Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ Giáo dục Đào tạo thừa nhận, chất lượng đào tạo chưa cao, đặc biệt là đào tạo sau đại học, liên kết, liên thông… nên còn một lực lượng lao động trình độ đại học trong độ tuổi lao động. Cụ thể, số lao động trong độ tuổi lao động (15-60) có trình độ đại học không có việc làm là khoảng 200.000 người.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn sáng 06/6/2018

Bộ Giáo dục cho rằng, nếu tính trong tổng số hơn 5 triệu lao động trình độ đại học thuộc độ tuổi này thì tỷ lệ cử nhân thất nghiệp trên không quá lớn (năm 2017 tỷ lệ này khoảng từ gần 3% đến 4,5%), chủ yếu là làm việc không đúng ngành hoặc không muốn chấp nhận dịch chuyển đến nơi thiếu lao động. "Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các nước trên thế giới", Bộ Giáo dục trần tình.

Nhiều đại biểu đã đăng ký chất vấn nội dung này nhưng phần trả lời của Bộ trưởng chưa đi vào trọng tâm khiến Chủ tịch Quốc hội phải nhắc Bộ trưởng ngày hôm qua, trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động Thương Binh Xã hội, các báo cáo đã chỉ ra hiện nay chúng ta đang thiếu nhân lực trình độ cao. “Nhưng trong khi đó, hàng năm chúng ta có tới 200,000 cử nhân ra trường không có việc làm. Các đại biểu hỏi Bộ trưởng là: Sinh viên đại học có phải là nhân lực trình độ cao hay không? Nếu không thì là do lỗi của giáo dục Đại học”, Chủ tịch Quốc hội nói rõ. Xác nhận sau mỗi trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục lại có thêm hàng chục ý kiến tranh luận đăng ký mới, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi lại câu hỏi quan trọng này và trả lời đại biểu bằng văn bản.  

Giải pháp căn cơ giải quyết nạn bạo hành học sinh mầm non, tiểu học 

Nhiều ĐBQH đưa ra câu hỏi về những bất cập như bạo hành trẻ mầm non, cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, hoặc phải quỳ hàng tiếng trên bục giảng. Các đại biểu đều mong muốn Bộ trưởng Giáo dục nhìn nhận rõ thực trạng và đưa ra giải pháp căn cơ. 

Đối với hiện tượng xuống cấp đạo đức của một bộ phận thầy cô, Bộ trưởng nhấn mạnh: Các thầy cô nhìn chung đều yêu trường, mến trẻ, nhưng xuất hiện một số giáo viên không chỉ ảnh hưởng đến trường, mà còn ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục. Nguyên nhân có nhiều, từ xã hội, truyền thông..., trong đó có nguyên nhân đến từ ngành, vì tuyển chọn chưa sát sao nên có tuyển thầy cô kém năng lực, bộc phát. 

Cũng theo Bộ trưởng, sự lên án của xã hội, báo chí đối với hành vi phi nhân tính đã cảnh tỉnh với thầy cô này, là cảnh tỉnh trách nhiệm của trường. “Tất nhiên, một cô giáo cả kỳ không nói từ nào thì Hội đồng sư phạm, Hội đồng trường phải xem xét trách nhiệm của mình”. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ: “Chúng ta phải minh bạch, không vì thiểu số mà đánh đồng, cũng như phải kiên quyết không để “một con sâu làm rầu nồi canh”. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, giải pháp trước hết phải nằm trong khâu đào tạo. Chương trình đào tạo về giáo viên, trong đó chú trọng đến đạo đức và đồng thời đưa môn giáo dục đạo đức vào trong chương trình đào tạo phổ thông. Đặc biệt, trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ nhấn mạnh về giáo dục đạo đức, cả về thời lượng, nội dung và nhấn mạnh đến dạy làm người. Môn đạo đức và giáo dục công dân được coi trọng, đặc biệt là đào tạo đội ngũ giáo viên sư phạm. Theo Bộ trưởng Nhạ, bên cạnh đó, còn nhiều chính sách, chế độ của ngành cũng cần được quan tâm để các thầy cô yên tâm với nhiệm vụ của mình. Với tư cách tư lệnh ngành GD-ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng “xin nhận trách nhiệm đối với hạn chế trong đào tạo giáo viên, cả về chất lượng và kỹ năng”. 

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang