Thất thoát về đất: Lợi ích nhóm trong cổ phần hoá doanh nghiệp  

05/06/2018 13:51

(kiemsat.vn)
Sáng 05/6, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn theo phương pháp “hỏi nhanh, đáp gọn” với phần đăng đàn của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Nhiều vấn đề của cử tri phản ánh đã được ĐBQH truyền đạt như môi trường, chuyển nhượng đất, cổ phần hoá, rác thải công nghiệp…

Nói không với nhập khẩu rác thải công nghiệp

ĐBQH Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam), Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng

ĐBQH Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam), Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đặt câu hỏi: Bộ trưởng có quan điểm không cho nhập phế liệu, nhưng 3 tháng lại nhập hơn một triệu tấn sắt phế liệu về các nhà máy để tái chế. Hậu quả là hiện tại có nhiều nhà máy xử lý chất thải bị người dân phản đối, bao vây không cho sản xuất. Điển hình là tình trạng lộn xộn các nhà máy thép Dana Ý (Đà Nẵng), nhà máy thép Việt Pháp (Quảng Nam). "Bên cạnh nguy cơ biến nước ta thành bãi rác công nghiệp, phóng xạ còn tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về an ninh, trật tự tại các địa phương đặt nhà máy xử lý chất thải công nghiệp", ông Dũng lo lắng.

Trả lời việc này, Bộ trưởng Tài nguyên cho hay, phế liệu có nhiều loại nhưng trong đó có những loại ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, việc nói không với nhập khẩu phế liệu đã được nhiều quốc gia áp dụng. Bối cảnh hiện nay Việt Nam không đủ năng lực công nghệ xử lý chất thải thì việc nói không với nhập khẩu phế liệu, chất thải là cần thiết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hà nói thêm, với phế liệu sắt thép thì có thể kiểm soát được vấn đề môi trường nên chúng ta vẫn cho nhập. Vấn đề ở đây là lựa chọn vị trí đặt nhà máy, kiểm soát khí thải, nếu các nhà máy xây dựng tập trung ở khu đông dân cư cũng có thể phát sinh vấn đề ô nhiễm. Vì thế, ông cho rằng việc cấp phép, bố trí các dự án sản xuất, luyện thép phải thực hiện đúng quy hoạch, đảm bảo khoảng cách bán kính an toàn với người dân. Về tổng thể, chúng ta sẽ tổ chức rà soát lại toàn bộ danh mục nhập khẩu phế liệu, chất thải.

Chưa phát hiện người nước ngoài mua đất tại Việt Nam

ĐBQH Phùng Đức Tiến – Hà Nam đặt câu hỏi. Ảnh QH

ĐBQH Phùng Đức Tiến – Hà Nam đặt câu hỏi về vấn đề giao dịch mua bán đất đai rất phức tạp tại 3 nơi sắp thành đặc khu kinh tế (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc). “Có thông tin cho rằng có người nước ngoài đã mua nhà, đất tại khu vực này. Bộ trưởng cho biết thực trạng để đại biểu yên tâm trước khi bấm nút thông qua Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt", ông Tiến nói. 

"Theo quy định hiện hành thì người nước ngoài không thể mua được đất, chúng ta đã có luật quản lý, họ chỉ được mua căn hộ tại các chung cư ở đô thị", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói. "Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan kiểm tra, qua đó chúng tôi chưa phát hiện người nước ngoài mua đất, họ chỉ mua các căn hộ chung cư ở các đô thị", ông Hà khẳng định. Tư lệnh ngành tài nguyên cũng mong "đại biểu thấy ở đâu người nước ngoài mua đất thì báo cho Bộ, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, điều tra xem bằng cách nào họ mua được, vì như vậy là trái pháp luật Việt Nam", ông Hà nhấn mạnh. 

Thất thoát về đất: Lợi ích nhóm trong cổ phần hoá doanh nghiệp  

ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình)

ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) khẳng định có dấu hiệu lợi ích nhóm trong cổ phần hoá doanh nghiệp, đặc biệt là nguồn lợi quá lớn từ đất mang lại. “Nhiều nơi cổ phần hoá xong lập tức bán sang tay đất với giá trị gấp nhiều lần giá gốc”. Vậy thất thoát về đất đai ra sao, có khả năng thu hồi hay không? Chúng ta đã có giải pháp gì cho vấn đề này 

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết trước khi cổ phần hoá, doanh nghiệp đã sử dụng đất đai chưa đúng mục đích, cho thuê, cho mượn, kinh doanh chưa đúng. Sau khi cổ phần hoá tiếp tục sai phạm trong chuyển đổi mục đích sử dụng . Một trong những hình thức thất thoát là chuyển đổi từ giá thấp lên giá cao so với lúc định giá, Bộ cũng đã nắm được và hiểu rõ đây là nguồn thất thu rất lớn. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên Môi trường có kế hoạch kiểm soát đầu ra của đất là khâu định giá, đấu giá cho sát giá thị trường. Một trong những vấn đề ở đây là trước kia là giao đất cho doanh nghiệp nhà nước là không thu tiền đất, nay cổ phần hoá thì doanh nghiệp mới sẽ phải trả tiền đất, như vậy cũng giảm thiệt hại cho nhà nước. Chúng ta cũng phải có cơ chế quản lý sau khi cổ phần hoá có chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay không, có sai mục tiêu cổ phần hoá ngay từ đầu hay không? Một đơn vị nghệ thuật không thể chuyển ngay sang kinh doanh trung tâm thương mại, chung cư, khách sạn sau cổ phần hoá được. 

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn sáng 05/6/2018.

Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã khép lại với 59 câu hỏi trực tiếp của đại biểu, 27 đại biểu tranh luận, 24 câu hỏi bằng văn bản. Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn theo tinh thần đổi mới chất lượng các phiên chất vấn của Quốc hội. 

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang