Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về quyền con người
(kiemsat.vn) Sáng ngày 7/8, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về quyền con người cho phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến từ các cơ quan báo chí.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Hội nghị tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật về quyền con người năm 2024 được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kỹ năng viết bài cho báo cáo viên, phóng viên, biên tập viên về quyền con người và chính sách, pháp luật về quyền con người ở Việt Nam hiện nay.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế BộThông tin và Truyền thông cho biết, để thúc đẩy sự hiểu biết và tôn trọng quyền con người trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, báo chí và nhân quyền có mối quan hệ mật thiết với nhau, báo chí không chỉ là công cụ truyền tải thông tin mà còn là tiếng nói bảo vệ quyền lợi, tự do của con người. Một trong những nhiệm vụ vô cùng cấp thiết trong giai đoạn hiện nay là cung cấp, nâng cao kiến thức, kỹ năng của các phóng viên, biên tập viên - những người làm công tác truyền tải chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với Nhân dân. Vai trò của truyền thông, báo chí là vô cùng quan trọng bởi truyền thông và báo chí không chỉ là cầu nối đưa thông tin đến công chúng, mà còn là công cụ mạnh mẽ giúp nâng cao nhận thức, giáo dục về nhân quyền và phản ánh tình hình thực tế về việc thực thi các quyền này.
Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế BộThông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Sự tham gia tích cực của truyền thông và báo chí sẽ giúp tăng cường sự minh bạch, thúc đẩy sự hiểu biết và ủng hộ từ cộng đồng, đồng thời tạo tương tác để các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả hơn. Trong thời đại số, truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội trở thành những nền tảng quan trọng, giúp thông tin về nhân quyền được lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi. Điều này không chỉ giúp người dân nắm bắt kịp thời các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền con người, mà còn tạo điều kiện để họ tham gia vào các hoạt động bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế BộThông tin và Truyền thông nhấn mạnh Hội nghị này không chỉ là dịp để nhìn lại những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực nhân quyền, mà còn là cơ hội để cùng nhau học hỏi, trao đổi thảo luận; đồng thời, cùng nhau trau dồi những kiến thức, kỹ năng mới về quyền con người trong bối cảnh hiện nay.
PGS.TS. Tường Duy Kiên trình bày chuyên đề tại Hội nghị. |
Tại Hội nghị, PGS.TS. Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trình bày chuyên đề: “Thành tựu bảo đảm quyền con người trong thời kỳ đổi mới và phát huy vai trò của truyền thông, báo chí trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam”.
Nội dung chuyên đề giới thiệu khái quát về quyền con người và kết quả bảo đảm, bảo vệ quyền con người qua gần 40 năm đổi mới; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp bảo đảm quyền con người trong tình hình mới; phát huy vai trò của truyền thông, báo chí trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam. Đối với phóng viên, biên tập viên, phải thường xuyên tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về quyền con người; thực thi các nghĩa vụ quốc gia đối với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia; luôn phát hiện, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân.
Đặc biệt, nhà báo cần tăng cường định hướng dư luận, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc về quyền con người tại Việt Nam.
Bài viết chưa có bình luận nào.