Bình Dương: Năm 2024 quyết tâm vượt khó kinh tế đặt mục tiêu phát triển bền vững theo hướng thông minh, hiện đại, nghĩa tình
(kiemsat.vn) Sáng ngày 27-12, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Hội nhà báo tỉnh tổ chức Họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2023. Tại buổi họp báo UBND tỉnh Bình Dương đã thông tin đến các cơ quan báo chí tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024.
Bình Dương: Xây dựng lực lượng trọng tài Yoga hướng tới nhiều sự kiện sôi động sắp tới
Bình Dương: Tưng bừng khai mạc Giải Bóng đá Thiếu niên Quốc tế U13 Việt Nam - Nhật Bản năm 2023
Bình Dương: Tháo gỡ khó khăn để Nhà ở xã hội trở thành điểm sáng của ngành bất động sản
Bức tranh kinh tế - xã hội 2023 có nhiều nét khả quan
Trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh Bình Dương đã triển khai quyết liệt các Nghị quyết, văn bản của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương và của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo từng tháng, từng quý nên hoạt động sản xuất, kinh doanh từng bước phục hồi tích cực. Nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội đạt kết quả khả quan, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Trên cơ sở kết quả 11 tháng, ước cả năm 2023 đạt hầu hết các chỉ tiêu xã hội, môi trường và đô thị thông minh; các chỉ tiêu chưa đạt so với kế hoạch nhưng vẫn có tăng trưởng so với năm 2022.
Chủ trì buổi họp báo có ông Nguyễn Lộc Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, bà Trương Thị Bích Hạnh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Bình Dương và ông Đỗ Văn Thông - Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo tỉnh Bình Dương. |
Theo báo cáo: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 5,97%; GRDP bình quân đầu người đạt 172 triệu đồng; cơ cấu kinh tế: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỉ trọng tương ứng là 66,26% - 23,71% - 2,64% - 7,39%; Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 303.853 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm trước; Xuất khẩu - nhập khẩu: Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,8 tỷ đô la Mỹ, giảm 7,3% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 23,1 tỷ đô la Mỹ, giảm 7%. Tuy nhiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng phải thu hẹp quy mô, thậm chí ngừng hoạt động nên chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước chỉ tăng 5,95%.
Cạnh đó, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 164.300 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022; Tổng giá trị giải ngân 15.536 tỷ đồng, đạt 69,55% kế hoạch tỉnh và đạt 123,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; Đầu tư trong nước đã thu hút 85.498 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh; Đầu tư nước ngoài đã thu hút 01 tỷ 495 triệu đô la Mỹ; Thu ngân sách nhà nước cơ bản đảm bảo dự toán; chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả.
Song song với việc phát triển kinh tế, UBND tỉnh Bình Dương luôn chú trọng thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, lao động có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công trong dịp Tết, các ngày lễ, kỷ niệm; thường xuyên nắm tình hình và tổ chức kết nối cung – cầu lao động cũng như hỗ trợ người lao động gặp khó khăn và chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được nâng lên. Nổi bật là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã lan tỏa sâu rộng đến từng khu dân cư, hộ gia đình và được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng được thường xuyên tổ chức; thể thao thành tích cao đạt thứ hạng cao trong các giải thi đấu quốc gia và quốc tế. Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định.
Nổi bật hơn cả, trong năm qua Đề án thành phố thông minh, Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương được vinh danh là cộng đồng có chiến lược phát triển Thành phố Thông minh tiêu biểu năm 2023 (Top 1 ICF 2023). Cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Tuy nhiên, cùng với những diễn biến bất lợi, khó lường của tình hình kinh tế, chính trị thế giới ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu và thu hút đầu tư. Một số doanh nghiệp vừa phục hồi sau đại dịch Covid-19 nay gặp khó khăn mới: đơn hàng giảm mạnh, tồn kho tăng, khó tiếp cận vốn, chi phí lãi vay cao, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, thanh lý tài sản để giảm bớt khó khăn về dòng tiền. Hiệu quả không cao và thị trường thiếu ổn định nên một số người dân, doanh nghiệp hạn chế đầu tư mở rộng, tái đầu tư một số sản phẩm nông nghiệp.
Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng
Khắc phục những khó khăn còn tồn tại, sang năm 2023 UBND tỉnh Bình Dương xác định 36 chỉ tiêu chủ yếu năm 2024. Trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8-8,5% so với năm 2023. Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng trên nền tảng năng lực nội sinh, chuyển đổi số, và hợp tác quốc tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), cơ cấu thực chất lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đêm. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc liên quan cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực. Thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước theo chiến lược và định hướng thu hút FDI.
Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển công nghiệp gắn với phát triển hạ tầng đô thị và hội nhập quốc tế, giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế. Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao, công nghệ chíp bán dẫn, vi mạch điện tử, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo. Quy hoạch và từng bước hình thành vành đai công nghiệp thế hệ mới dọc theo các trục giao thông. Trước mắt, khẩn trương phát triển tổ hợp công nghiệp - khoa học công nghệ tại huyện Bàu Bàng và đầu tư cụm công nghiệp khoảng 1.500 ha phục vụ thí điểm di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất từ địa phương phía Nam lên địa phương phía Bắc.
Phát biểu tại buổi họp bà Trương Thị Bích Hạnh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Bình Dương ghi nhận và cảm ơn những đóng góp của các cơ quan báo chí trong thời gian qua, đồng thời luôn lắng nghe và tạo mọi điều kiện để các phóng viên được tác nghiệp một cách thuận lợi nhất trên địa bàn tỉnh trong những năm tới. |
Cùng với đó, chú trọng cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân. Xây dựng quy chế, bộ tiêu chí thu hút đầu tư đối với lĩnh vực công nghiệp, đô thị, dịch vụ theo hướng: công nghiệp công nghệ cao, xanh, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Lồng ghép các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ Đề án Thành phố thông minh Bình Dương. Khuyến khích phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân; thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài nhất là trong những ngành, lĩnh vực mới nổi, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong nước, tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.
Đồng thời, tập trung phát triển đô thị theo hướng toàn diện, bền vững, xanh, sạch, nâng cao chất lượng đô thị. Triển khai Đề án cây xanh đô thị, cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ. Khẩn trương di dời các cơ quan, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh vào thành phố mới để cải tạo, chỉnh trang đô thị Thủ Dầu Một. Tái thiết lại đô thị Thuận An và Dĩ An thành vùng đô thị cửa ngõ đáng sống. Tiếp tục phát triển các đô thị mới dọc theo các trục giao thông trên địa bàn Tân Uyên, Bến Cát, Bàu Bàng trở thành vùng động lực phát triển mới. Đặc biệt là tăng đầu tư, phát triển Trung tâm sáng tạo Việt Nam - Singapore, Trung tâm sáng kiến cộng đồng, hình thành vùng đổi mới sáng tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Tập trung triển khai đề án thành phố thông minh trong giai đoạn mới.
Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách mang tính bao trùm, bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, đảm bảo cho mọi người dân được hưởng thụ đầy đủ những thành quả phát triển của tỉnh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề phù hợp, nâng cao thu nhập của người lao động; tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là an ninh công nhân, an ninh kinh tế trong và ngoài tỉnh.
Toàn cảnh buổi họp báo. |
Xác định những nhiệm vụ trọng tâm đó, UBND tỉnh Bình Dương bày tỏ quyết tâm cao tổ chức triển khai, thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2024. Từ đó tăng cường thu hút đầu tư toàn xã hội, hợp tác công – tư phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị - dịch vụ, để chất lượng đời sống nhân dân trên địa bàn ngày càng nâng cao hơn. Lấy đó làm tiền đề xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Cạnh đó, tại buổi họp báo, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã ghi nhận và trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí về các vấn đề nóng xảy ra trên địa tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời tiếp thu ý kiến góp ý của các phóng viên về công tác tạo điều kiện tác nghiệp, phỏng vấn, quay phim,...nhất là các sự kiện “nóng” tại Bình Dương, góp phần tuyên truyền thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và thuận lợi cho sự phát triển của tỉnh Bình Dương, từ đó tạo sự an tâm tư tưởng của nhân dân trong thời gian tới.
Bài viết chưa có bình luận nào.