Bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV

24/11/2017 08:43

(kiemsat.vn)
Chiều 24/11, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ tư đã bế mạc sau gần một tháng làm việc với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm. Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV

Sau 26 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc (từ ngày 23/10/2017 đến ngày 24/11/2017); với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao; với sự tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; với tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội và sự chuẩn bị công phu của Chính phủ, các cơ quan liên quan; với sự quan tâm, theo dõi, giám sát và chia sẻ của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước và sự tham gia, đưa tin kịp thời, đầy đủ, chính xác của các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.

Các luật được Quốc hội thông qua

Tại kỳ họp này Quốc hội đã thông qua 06 luật, gồm Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Lâm nghiệp; Luật Thủy sản; Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Các luật được thông qua có ý nghĩa quan trọng để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý nợ công; phát triển ngành lâm nghiệp, thủy sản; tạo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy hoạch từ Trung ương đến địa phương; thúc đẩy công tác đối ngoại trong tình hình mới…

Các dự án luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến, gồm 09 dự án luật, đó là: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Việc Quốc hội xem xét, cho ý kiến các dự án luật này nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về “xây dựng một số đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị”; tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tố cáo trong giai đoạn hiện nay; phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực thể dục, thể thao; khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về quốc phòng; tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; bảo đảm công tác bảo vệ an ninh quốc gia trên môi trường mạng, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra trong điều kiện công nghệ thông tin, trình độ Internet đang có sự phát triển không ngừng.


Toàn cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV ngày 24/11

Về công tác nhân sự

Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ tư đã tiến hành phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu; việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Nguyễn Văn Thể và Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Lê Minh Khái. Công tác nhân sự tại kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục luật định.

Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh

Quốc hội đã xem xét, cho ‎‎ý kiến và thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh trong thời hạn 05 năm, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, tạo điều kiện để Tp. Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là đầu tàu, động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách chung của cả nước. Theo đó, giao Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A sử dụng ngân sách Thành phố; ban hành một số khoản phí, lệ phí mới và tăng mức phí, lệ phí đối với các loại phí, lệ phí hiện hành. Thí điểm tăng mức thuế, thuế suất đối với thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt không quá 25% so với mức thuế, thuế suất hiện hành. Đồng thời, cho phép Thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm do thực hiện các chính sách thuế, phí, lệ phí thí điểm này; được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn Thành phố; được hưởng số thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban nhân dân Thành phố quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do Ủy ban nhân dân Thành phố làm đại diện chủ sở hữu, cùng một số cơ chế, chính sách khác.

Chất vấn và trả lời chất vấn trong kỳ họp

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã có 3.320 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 105 phiếu chất vấn, với 194 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành. Trong thời gian 3 ngày chất vấn, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trả lời chất vấn. Các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an tham gia báo cáo làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm.

Các phiên họp chất vấn diễn ra trong không khí thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng. Các vị đại biểu Quốc hội thể hiện sự tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, chất vấn ngắn gọn, bám sát nội dung, tham gia tranh luận không chỉ với các thành viên Chính phủ mà còn tranh luận làm rõ vấn đề. Tổng cộng đã có 191 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 37 lượt đại biểu tham gia tranh luận.

Qua hoạt động chất vấn cho thấy, những vấn đề được Quốc hội lựa chọn là những vấn đề bức xúc, được cử tri, dư luận xã hội cả nước quan tâm. Các thành viên Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, nghiêm túc trả lời đầy đủ, giải trình rõ, thẳng thắn và làm rõ trách nhiệm trong phạm vi phụ trách; đồng thời, cam kết khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và quyết thâm tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Sau phiên chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để Chính phủ, các Bộ, ngành tổ chức thực hiện, Quốc hội giám sát, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của Nhân dân.

Quốc hội yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm thi hành các luật, nghị quyết mới được thông qua; tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm những việc đã làm được và chưa làm được; đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động để tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.

Anh Nga

Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời 100% kiến nghị của cử tri

(Kiemsat.vn) - Chiều 16/5, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận cho ý kiến về Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Báo cáo ghi nhận Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời 100% ý kiến của cử tri.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang