Bảo vệ trẻ em: Đừng chỉ hô khẩu hiệu

27/05/2020 17:24

(kiemsat.vn)
Chiều 27/5, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội tiếp tục phiên giám sát tối cao, thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đây là lần đầu tiên, Quốc hội dành trọn một ngày bàn về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Cần chung tay thay đổi nhận thức về bảo vệ trẻ em

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) bắt đầu bài phát biểu của mình bằng việc điểm lại một số vụ việc gây chấn động dư luận, như vụ cháu bé ở Kiên Giang bị chính cha đẻ tra tấn dã man, không được đi học, không được ăn uống tử tế, dẫn đến ốm yếu, suy kiệt, vụ việc đến cuối năm 2017 mới bị phát giác. Vụ cháu bé ở Nghĩa Đô, Hà Nội bị bố đẻ và mẹ kế đánh đập đến gãy sương sườn, rạn sọ não. Vụ bé trai một tuổi bị mẹ ruột bạo hành dã man rồi bỏ rơi tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội). Nghiêm trọng hơn nữa, vụ cháu bé ở Bình Phước thường xuyên bị nhân tình của mẹ chửi bới và đánh đập. Hậu quả là cháu bị tra tấn đến tím tái, hôn mê và tử vong. Cái chết của cháu đã thêm một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực đối với trẻ em.

Dẫn ra hàng loạt câu chuyện đau lòng, ĐB Mai Thị Phương Hoa nêu rõ, “đây là nỗi đau nhức nhối của toàn xã hội”. Bạo lực đối với trẻ em sẽ để lại di chứng suốt cuộc đời của một con người. Trẻ thường mang tâm lý mặc cảm, tự ti hoặc thù hận đối với xã hội. Hành vi của trẻ trong tương lai cũng dễ bị lệch lạc. Trên đây chỉ là những vụ việc được phát hiện và bị xử lý. Các chuyên gia cho rằng con số này trên thực tế phải cao hơn bởi nhiều nạn nhân không thể phản kháng, chọn cách im lặng vì lo sợ hoặc ngại tố cáo.

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định)

Cho rằng những số liệu được thống kê về số vụ bạo lực trẻ em trong Báo cáo Chính phủ chỉ là những “phần chìm của tảng băng nổi” vì không thống kê được số vụ bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và các hành vi khác gây tổn hại về thể chất và tinh thần. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song trước hết, theo ĐB Mai Thị Phương Hoa, phải kể đến “nhận thức của một số cá nhân trong cộng đồng”. Quan niệm về giáo dục trẻ bằng đòn roi với lối suy nghĩ “thương cho roi cho vọt”, “con hư thì phải dạy” đã ăn sâu khiến một số người lớn coi chuyện đánh đập, đối xử hung bạo với con trẻ là bình thường. Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) thì kỷ luật mang tính bạo lực vẫn còn phổ biến ở Việt Nam với 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 cho biết đã từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình.

ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng, về mặt pháp luật, Việt Nam có hệ thống văn bản pháp luật tương đối hoàn chỉnh về bảo vệ trẻ em, trong đó có những chế tài nghiêm khắc về hình sự và hành chính. Tuy nhiên, “vấn đề là chỉ cần thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành thì công tác phòng, chống bạo lực trẻ em đã có thể tốt hơn rất nhiều”, bà Hoa trăn trở.

Bên cạnh đó, theo ĐB Mai Thị Phương Hoa, công tác tuyên truyền, giáo dục, làm thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng là vô cùng quan trọng. Cần tạo làn sóng dư luận xã hội mạnh mẽ thông qua mạng Internet, mạng xã hội để thúc đẩy cộng đồng và các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội cùng vào cuộc bảo vệ trẻ em. Đẩy mạnh tuyên truyền để chính các em có nhận thức là mình có quyền được bảo vệ khỏi nạn bạo hành bất kể dưới hình thức, mức độ nào và bất cứ ai.

Để câu nói “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” không còn chỉ là khẩu hiệu, ĐB Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh: “Từng cá nhân và cả cộng đồng cần chung tay thay đổi nhận thức và hành động một cách mạnh mẽ và thực chất hơn để trẻ em được sống trong tình yêu thương của gia đình và toàn xã hội”.

Cần quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương

Qua thực tế, ĐBQH Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) nhận thấy, chính quyền ở một số địa phương còn thờ ơ, chưa đặt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em lên hàng đầu, chưa quan tâm đúng mức đến công tác trẻ em. 25 quyền của trẻ em được quy định tại Chương II trong Luật Trẻ em chưa được triển khai thực hiện quyết liệt. Vì thế, nhiều quyền lợi về vật chất lẫn tinh thần, các em chưa được tiếp cận. Trong 3 cấp độ bảo vệ trẻ em được quy định tại Chương IV trong Luật Trẻ em, trong đó cấp độ phòng ngừa được quy định tại Điều 48 là rất quan trọng. Phòng là chính nhưng việc triển khai thực hiện chưa tốt. Việc điều tra trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ yếu thế có nguy cơ bị xâm hại, việc đến địa bàn đến hộ gia đình tư vấn để ngăn ngừa xâm hại trẻ em thì các địa phương chưa làm tốt quy định này nên đã để xảy ra nhiều vụ việc trẻ bị ngược đãi, xâm hại, hậu quả rất đau lòng.

ĐBQH Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long): chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác trẻ em

Trước thực tế này, ĐB Lưu Thành Công đề nghị trong các giải pháp tới đây cần có những quy định cụ thể trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi những quyền lợi của trẻ em không được triển khai thực hiện, thiếu quan tâm để xảy ra những vụ xâm hại nghiêm trọng đối với trẻ em.

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và chỉ ra tại Phiên thảo luận, đó là số cán bộ đang làm công tác trẻ em còn thiếu, kiêm nhiệm nhiều, thường xuyên thay đổi, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Những hạn chế bất cập này diễn ra trong một thời gian dài nhưng chưa khắc phục được. Đây là một trong những nguyên nhân gây yếu kém trong công tác trẻ em hiện nay mà Báo cáo giám sát đã nêu.

“Tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu thêm về công tác cán bộ trẻ em các cấp. Kiểm tra, rà soát lại để có chỉ đạo thống nhất trong các địa phương trên toàn quốc, yêu cầu huyện phải có cán bộ làm chuyên trách trẻ em, không kiêm nhiệm như hiện nay, nhất thiết mỗi sở phải có cán bộ chăm sóc trẻ em, có thể là cán bộ chuyên trách hoặc không chuyên trách nhưng nhiệm vụ chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ chính sau đó mới kiêm nhiệm những nhiệm vụ khác”, ĐBQH đoàn Vĩnh Long kiến nghị.

Cần chế tài bảo vệ có hiệu quả trẻ em trên môi trường mạng

Trong phiên thảo luận sáng nay, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) đã phản ánh tình trạng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, đại biểu cho biết những tác động xấu, mặt trái của môi trường mạng đã đặt ra nhiều nguy cơ, rủi ro đối với trẻ em. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy chỉ rõ, mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng với hầu hết là clip bạo lực, xâm hại tình dục. Kết quả khảo sát cho thấy 1/3 số trẻ cho biết từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng và số em gái cao gấp 3 lần số trẻ em nam. Qua nghiên cứu các vụ án thấy rằng, với công nghệ mạng thì chưa bao giờ việc tiếp cận với trẻ em và xâm hại trẻ em lại dễ dàng như hiện nay. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng hậu quả xảy ra đối với trẻ em xảy ra trên môi trường mạng để lại hậu quả lớn và rất nghiêm trọng so với các vụ xâm hại ở ngoài xã hội. Nếu các vụ xâm hại ở ngoài xã hội chỉ vài người chứng kiến thì xâm hại đưa lên mạng thì hình ảnh xâm hại có thể theo các em suốt cả đời. Trong khi đó, đối với công tác điều tra tội phạm mạng, đối tượng tội phạm xuyên biên giới, các đối tượng phạm tội hầu hết đều thành thạo công nghệ. Thông tin về kẻ phạm tội đều là ảo, mạo danh. Do đó, các nước đều phản ánh gặp khó khăn trong điều tra tội phạm này và còn nhiều kẻ phạm tội trẻ em còn đang nhởn nhơ trên mạng xã hội.

Nhấn mạnh trong thời đại công nghệ số việc cấm trẻ em tham gia không gian mạng là đã hạn chế cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức của trẻ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng cần phải hướng dẫn trẻ kiến thức, kỹ năng cho trẻ để khai thác thông tin mạng an toàn. Đại biểu kiến nghị các bậc phụ huynh dành quan tâm thỏa đáng hướng dẫn cho con sử dụng mạng an toàn và hướng cho con trở thành công dân có trách nhiệm trên mạng xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giảng dạy về an toàn trên môi trường mạng vào giờ học tin học; và Bộ Công an thông tin đầy đủ về thủ đoạn của loại tội phạm này để trẻ em và gia đình đề cao cảnh giác, đồng thời tăng cường biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn hiệu quả hành vi phạm tội.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy: hậu quả xảy ra đối với trẻ em xảy ra trên môi trường mạng để lại hậu quả lớn và rất nghiêm trọng

Đồng tình với ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Thủy, chiều nay, ĐBQH Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) cũng cho rằng, nhiều trẻ em vì quá đam mê công nghệ thông tin mà dẫn tới bỏ học, nghiện game, thay đổi tâm sinh lý và tệ hại hơn là đã có trẻ em bị trầm cảm, bị dụ dỗ, tham gia cờ bạc trực tuyến, bị quấy rối tình dục, bị lôi cuốn vào các trò chơi bạo lực, dẫn đến phải tự tử hoặc vi phạm pháp luật. “Đây là tình trạng đáng báo động và là “tảng băng chìm” rất khó xác định về số lượng trẻ em bị xâm hại trong thực tế”, bà Mẫn nhấn mạnh.

Trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ĐB Cầm Thị Mẫn cho rằng, “có nguyên nhân từ sự quản lý nhà nước”, trong đó có các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng “vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ”. Thiếu các văn bản quy định việc nhận dạng dẫn đến khó khăn trong quản lý đối tượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng. Quy định về trách nhiệm, quyền hạn cũng như sự phối hợp của các ngành, các cấp và gia đình trong phòng ngừa, tiếp cận thông tin, can thiệp sớm, bảo vệ khẩn cấp, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em bị xâm hại, bị bóc lột, trẻ em bị mua bán trên môi trường mạng còn chưa cụ thể. Việc can thiệp, xử lý của cơ quan quản lý về truyền thông, cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin mạng và các cá nhân sử dụng mạng để thực hiện hành vi xấu đối với trẻ em chưa thực sự hiệu quả. Có vụ việc vi phạm pháp luật trên môi trường mạng, xâm phạm quyền, lợi ích trẻ em trên môi trường mạng mà chưa được cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật kịp thời phát hiện và xử lý.

Để bảo vệ có hiệu quả quyền trẻ em trên môi trường mạng, ĐB Cầm Thị Mẫn đề nghị khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên và tổ chức thi hành nghiêm túc các giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Trong đó có nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chế tài kiểm soát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Nhà nước cũng cần bố trí đầy đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói chung, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng nói riêng.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trong phiên thảo luận trực tuyến hôm nay, đã có 47 vị đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến; 2 vị đại biểu Quốc hội tranh luận; còn 6 đại biểu Quốc hội đã đăng ký nhưng do thời gian không đủ; đề nghị các vị đại biểu Quốc hội vui lòng gửi ý kiến bằng văn bản cho Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp báo cáo Quốc hội. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã báo cáo, giải trình làm rõ thêm một số vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biêu kết thúc phiên thảo luận

“Các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi chép, ghi âm đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để báo cáo lại Quốc hội và hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua”, Phó Chủ tịch Quốc hội kết luận.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang