Bảo đảm cử tri cả nước được tham gia ứng cử, bầu cử một cách dân chủ, công bằng
(kiemsat.vn) – Từ nay đến ngày bầu cử không còn nhiều thời gian, công việc còn lại rất lớn, do đó cần rất khẩn trương, thận trọng, tạo cơ sở chắc chắn để triển khai công tác lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử trên phạm vi cả nước đạt được mục đích, yêu cầu, bảo đảm nhân dân, cử tri cả nước được tham gia ứng cử, bầu cử một cách dân chủ, công bằng theo đúng quy định của pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Chiều 3/3, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tiến hành Phiên họp thứ 3 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân.
Tham dự Phiên họp có: Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Trương Hòa Bình cùng các thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, từ nay đến ngày bầu cử không còn nhiều thời gian, công việc còn lại rất lớn, do đó cần rất khẩn trương, thận trọng, tạo cơ sở chắc chắn để triển khai công tác lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử trên phạm vi cả nước đạt được mục đích, yêu cầu, bảo đảm nhân dân, cử tri cả nước được tham gia ứng cử, bầu cử một cách dân chủ, công bằng theo đúng quy định của pháp luật.
Báo cáo tại Phiên họp, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Tiểu ban Nhân sự Trần Văn Túy cho biết, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở Trung ương, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã kiến nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ nguyên số lượng đại biểu khối MTTQ và các tổ chức thành viên như số lượng đại biểu Quốc hội của khóa XIV nhằm bảo đảm và phát huy vai trò đại diện của nhân dân trong Quốc hội, phù hợp với xu hướng ngày càng mở rộng về tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam; tăng thêm tỉ lệ đại biểu là người ngoài Đảng để bảo đảm sự phù hợp giữa số lượng đảng viên và người ngoài Đảng; quan tâm lãnh đạo để bảo đảm số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV có ít nhất hơn 35% trên tổng số người ứng cử và quan tâm đến cơ cấu đại biểu Quốc hội đại diện cho khối doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học, tăng số lượng đại biểu dân tộc thiểu số được ứng cử đại biểu Quốc hội...
Ở địa phương, tổng số người được Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 1.076 người (gồm cả Trung ương và địa phương), đạt tỉ lệ bình quân 2,15 lần so với tổng số đại biểu dự kiến được bầu nhưng tỉ lệ này không đồng đều giữa các tỉnh.
Về cơ cấu đại biểu HĐND các cấp, tổng số người được Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử là 7.656 người trên tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 3.715 đại biểu, đạt tỉ lệ 2,06 lần trên tổng số đại biểu được bầu, nhiều nơi tỉ lệ cao nhưng một số nơi, tỉ lệ này còn thấp.
Về cơ cấu kết hợp trong số 7.656 người được phân bổ giới thiệu ứng cử, theo ông Trần Văn Túy, phụ nữ có 1.690 người, chiếm tỉ lệ 22,1%; người dân tộc thiểu số có 748 người, chiếm tỉ lệ 9,8%; người trẻ tuổi có 814 người, chiếm tỉ lệ 10,6%; người ngoài Đảng có 555 người, chiếm tỉ lệ 7,2%; dự kiến có 20 người tự ứng cử.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Tại Phiên họp thứ 53 vừa qua, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết số 1226/NQ-UBTVQH14 điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
“Điều chỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu của các địa phương, trong đó xác định cơ cấu định hướng là cơ cấu khung để các tỉnh, thành phố làm căn cứ để giới thiệu người ứng cử gồm đại diện các ngành: khoa học–công nghệ, lao động, thương binh–xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa–nghệ thuật, đại diện chính quyền cơ sở... Trong cơ cấu này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhấn mạnh các địa phương cần quan tâm phân bổ hợp lý số người là phụ nữ, người ngoài Đảng, dân tộc, trẻ tuổi và tự ứng cử. Việc lựa chọn nhân sự bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện như quy định của Luật theo hướng nâng cao chất lượng đại biểu và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố”, ông Trần Văn Túy nêu rõ.
Hiện nay, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đang tích cực triển khai các bước của quy trình giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021–2026, thời hạn là ngày 11/3 tới. Trên cơ sở kết quả điều chỉnh sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, hầu hết Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố đã có văn bản thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi đến các cơ quan, tổ chức địa phương về thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ ứng cử, đồng thời báo cáo Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Báo cáo công việc từ sau phiên họp thứ hai của Hội đồng Bầu cử quốc gia đến nay và các công việc triển khai trong thời gian tới, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, theo tiến độ quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Hội đồng Bầu cử quốc gia và các cơ quan hữu quan cần tập trung chỉ đạo thực hiện các công việc sau: Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương giới thiệu người ứng cử và tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác đối với người ứng cử; thành lập Ban bầu cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử; thành lập Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã (chậm nhất là ngày 14/3/2021); thành lập Tổ bầu cử (chậm nhất là ngày 3/4/2021); tiếp nhận hồ sơ ứng cử (chậm nhất là 17h ngày 14/3/2021); dự kiến phân bổ ứng cử viên đại biểu Quốc hội ở Trung ương về ứng cử tại các địa phương bảo đảm đúng nguyên tắc và tiêu chí phân bổ; tiến hành hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử (chậm nhất là ngày 19/3/2021); tổ chức lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử; điều chỉnh lần thứ hai cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội (chậm nhất là ngày 29/3/2021).
Để kịp thời theo dõi, nắm chắc tình hình triển khai chuẩn bị công tác bầu cử ở địa phương, ông Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành kế hoạch tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra công tác bầu cử; tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn, trả lời các cơ quan, tổ chức và địa phương về công tác bầu cử; triển khai việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn cho cuộc bầu cử.
Tại phiên họp, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết quy định về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử trong cả nước. Theo đó, cả nước sẽ thành lập 184 đơn vị bầu cử. Nghị quyết sẽ được công bố trong ngày 4/3 theo đúng quy định của Luật.
Kết luận Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các Tiểu ban của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia và các cơ quan Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam rà soát lại các công việc theo chức năng, nhiệm vụ đã được phân công; khẩn trương chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ về công tác bầu cử; đôn đốc chỉ đạo công tác tiếp nhận hồ sơ, chuẩn bị cho Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử và báo cáo công việc thường xuyên về Hội đồng Bầu cử quốc gia. Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có công văn thông báo gửi đến tất cả các cơ quan Trung ương và địa phương để đôn đốc tiến độ công việc.
Hội đồng Bầu cử quốc gia biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết quy định về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử trong cả nước. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Chủ tịch Quốc hội đề nghị từng cơ quan chủ động lên kế hoạch để triển khai; Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử quốc gia phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan có liên quan chủ động tiến hành kế hoạch giám sát, kiểm tra công tác bầu cử. Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Ban Công tác đại biểu và Hội đồng Bầu cử quốc gia chuẩn bị danh sách người ứng cử thuộc diện Bộ Chính trị quản lý trình Bộ Chính trị, người ứng cử thuộc diện Ban Bí thư quản lý trình Ban Bí thư, những người thuộc diện Đảng đoàn Quốc hội quản lý thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chuẩn bị và báo cáo Ban Bí thư để ra thông báo về nhân sự được giới thiệu ứng cử, chuẩn bị cho hội nghị hiệp thương theo đúng quy định của luật. Tiểu ban Nhân sự tiếp nhận đơn xin ứng cử đại biểu Quốc hội của công dân, kịp thời xem xét, hướng dẫn theo đúng quy định của luật.
Cùng với đó, cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên cập nhật thông tin trên Trang thông tin điện tử của Hội đồng Bầu cử quốc gia để cử tri và nhân dân kịp thời nắm bắt các thông tin có liên quan đến công tác bầu cử.
Công tác bảo đảm an ninh trật tự, y tế phục vụ bầu cử cố gắng bảo đảm an toàn, chu đáo ngay từ bây giờ chứ không phải đợi đến ngày bầu cử.
Sau phiên họp này, Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia và các tổ giúp việc khẩn trương hoàn thiện các văn bản và nội dung công việc đã được phân công bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ./.
-
1Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn
-
2Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ 18
-
3Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
-
4Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
-
5VKSND tối cao thông qua dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Bài viết chưa có bình luận nào.