Bà neo đơn nuôi cháu có được hưởng trợ cấp không?

12/03/2018 08:16

(kiemsat.vn)
Gia đình anh T và chị H có một con là cháu M sinh năm 2010. Đến năm 2014 anh T và chị H ly hôn, anh T nhận nuôi con và về nhập hộ khẩu với mẹ đẻ là bà K từ đó. Đến năm 2017 anh T bị bệnh hiểm nghèo chết. Năm 2018 gia đình bà K được xếp vào hộ nghèo vì bà cao tuổi và không có công ăn việc làm ổn định lại phải nuôi cháu nội. Như vậy, bà K có thể được hưởng chế độ giống như chế độ “đơn thân nuôi con nhỏ không”?

Ảnh minh họa

Trường hợp bạn hỏi, Kiemsat.vn trả lời như sau:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, một trong số các đối tượng được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng là: “Người thuộc hộ nghèo không có chồng hoặc không có vợ; có chồng hoặc vợ đã chết; có chồng hoặc vợ mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 tuổi đến 22 tuổi nhưng người con đó đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất (sau đây gọi chung là người đơn thân nghèo đang nuôi con).”. Như vậy, chế độ trợ cấp xã hội dành cho người đơn thân nghèo nuôi con chỉ được áp dụng đối với cha/mẹ là người thuộc hộ nghèo đang nuôi con đáp ứng các điều kiện trên đây, không áp dụng đối với trường hợp ông/bà nuôi cháu nên bà K trong trường hợp bạn hỏi không được hưởng chế độ này.

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 23 Nghị định này quy định một trong số các trường hợp được hưởng chế độ đối với người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em như sau: “Trường hợp ông, bà nội ngoại, cô, dì, chú, bác, anh, chị ruột nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này không bảo đảm điều kiện quy định tại các điểm a, c và d Khoản 1 Điều này vẫn được xem xét hưởng chính sách quy định tại Điều 20 Nghị định này.”

Trẻ em là đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 5 bao gồm:

“1. Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây:

a) Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi;

b) Mồ côi cả cha và mẹ;

c) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật;

d) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;

đ) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;…”

Như vậy, nếu cháu M thuộc một trong các trường hợp trên đây thì bà K được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định tại Điều 20 Nghị định 136/2013/NĐ-CP như sau:

“1. Hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất cho mỗi đối tượng bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này nhân với hệ số tương ứng theo quy định sau đây:

…b) Hệ số 1,5 đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em từ 04 tuổi đến dưới 16 tuổi là đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này, đối tượng quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều 5 Nghị định này;…

2. Hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng;

3. Ưu tiên vay vốn, dạy nghề tạo việc làm, phát triển kinh tế hộ và chế độ ưu đãi khác theo quy định của pháp luật liên quan;”

(2) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang