75 năm ngày ra đời bản Hiến pháp 1946, 8 năm ngày Pháp luật Việt Nam: Khẳng định quyền lực thuộc về nhân dân

09/11/2021 08:31

(kiemsat.vn)
Cách đây tròn 75 năm, ngày 9/11/1946, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa với 240 phiếu thuận, 2 phiếu chống. Hiến pháp 1946 được thông qua. Từ năm 2013, ngày 9/11 chính thức là Ngày Pháp luật Việt Nam.

Kỳ họp Quốc hội khoá 1 năm 1946.

Bản Hiến pháp đã đánh dấu sự cáo chung của nền thống trị ngoại bang, tuyên bố nước Việt Nam độc lập, thống nhất từ Bắc đến Nam theo chế độ dân chủ nhân dân, thực hiện chủ quyền nhân dân, quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo; các quyền tự do dân chủ được bảo đảm…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới dân tộc Việt Nam đã có mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: Phụ nữ Việt Nam đã đứng ngang quyền với đàn ông để hưởng chung một quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa cấp dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết công bình của các giai cấp”.

Hiến pháp Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946 ra đời là một bản hiến văn ngắn gọn và súc tích, bao gồm lời nói đầu và 7 chương, 70 điều. Lời nói đầu khẳng định ba nguyên tắc cơ bản của bản Hiến pháp này: 1) Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo; 2) Bảo đảm các quyền tự do dân chủ; 3) Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Chương I quy định chính thể của Việt Nam là Dân chủ cộng hòa. 

Trong lịch sử lập hiến nói chung, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người được xem là sứ mệnh của hiến pháp, là cốt lõi của nội dung hiến pháp. Với Hiến pháp 1946, tiếng gọi thiêng liêng “công dân” đã được ghi nhận trong văn bản pháp lý cao nhất của quốc gia. Mặc dù không xuất hiện cụm từ “quyền con người” nhưng những quy định trong Hiến pháp 1946 đã thấm đẫm tư tưởng về độc lập dân tộc và các quyền, tự do cơ bản của con người đã được thể hiện rõ ràng trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945. Công dân Việt Nam ngang quyền về mọi phương diện: Chính trị, kinh tế, văn hóa và đều bình đẳng trước pháp luật.

Cùng với sự bình đẳng về quyền lợi, Hiến pháp 1946 còn quan tâm đến các đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, như: Người dân là đồng bào dân tộc thiểu số được Nhà nước giúp đỡ về mọi phương diện để nhanh chóng tiến kịp trình độ chung; quyền bình đẳng của phụ nữ Việt Nam trên mọi phương diện; công dân già cả hoặc tàn tật được Nhà nước giúp đỡ và trẻ em được săn sóc về mặt giáo dưỡng; trẻ em học sơ học là bắt buộc và không phải đóng học phí, đồng bào dân tộc thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình, học trò nghèo được Chính phủ giúp đỡ…

Tính đến nay, theo từng giai đoạn lịch sử, Hiến pháp đã sửa đổi 5 lần nhưng những giá trị cơ bản của Hiến pháp 1946 vẫn được kế thừa, đặc biệt là xây dựng nhà nước pháp quyền và quyền lực của nhân dân.

Ngày 9/11, ngày ban hành Hiến pháp 1946 đã được xác định là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngày Pháp luật) đã được chính thức luật hóa trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (có hiệu lực từ ngày 1/1/2013). Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định: “Ngày 9 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.

Việc Quốc hội thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó quy định ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nhằm nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ Hiến pháp, pháp luật; để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, cán bộ công chức trong thực thi pháp luật vì tương lai của mỗi người và tiền đồ của đất nước là vô cùng cần thiết.

Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài hình ảnh của một nước Việt Nam đang đổi mới và xây dựng một đất nước thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.

Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn. Đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân nói chung và cán bộ, công chức, viên chức nói riêng trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội.

Đồng thời, đây còn là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Thủ tướng Phạm Minh Chính định hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm

(Kiemsat.vn) - Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần quản lý rủi ro và đẩy mạnh phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội…

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ rất quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả

(Kiemsat.vn) - Các ý kiến của đại biểu Quốc hội khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch với những cách làm sáng tạo, linh hoạt, thực hiện mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết; gắn liền với đó là duy trì hiệu quả các hoạt động phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống nhân dân.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang