5 điều cần biết khi làm việc cùng đồng nghiệp lười biếng
(kiemsat.vn) Đồng nghiệp lười biếng không có nghĩa là chúng ta tự cho phép mình có quyền chỉ dạy hay giám sát họ mà việc chúng ta nên làm là đừng bao giờ để bị thói lười biếng của họ lây nhiễm. Hãy tập trung hoàn thành công việc của bản thân và nói không khi họ cố tình lôi kéo vào thói quen tiêu cực này của họ.
Ở bất kỳ môi trường nào chúng ta cũng có thể bắt gặp những con người cần cù chăm chỉ lẫn những người lười biếng, hay ỷ lại vào người khác. Nếu bạn đang được làm việc cùng những người luôn chủ động, nhiệt huyết với công việc thì quả là may mắn. Ngược lại nếu bạn khổ sở, khó chịu vì phải làm việc cùng những người lười biếng thì phải ứng phó thế nào để họ không làm ảnh hưởng đến thành tích của bạn? Hãy cùng tham khảo một số cách sau từ các Chuyên viên tuyển dụng của CareerLink - người có nhiều năm kinh nghiệm phỏng vấn và làm việc cùng nhiều ứng viên khác nhau nhé.
Tập trung vào công việc của bản thân
Bạn đang “vắt chân lên cổ” hoàn thành những công việc được giao còn đồng nghiệp thảnh thơi ngồi tám chuyện, lướt facebook, ăn uống... bạn nghĩ thật bất công vì cuối tháng họ vẫn lãnh lương đầy đủ còn mình thì cũng chẳng được thưởng thêm đồng nào. Nếu bạn nuôi suy nghĩ đó trong đầu lâu dần ý chí phấn đấu của bạn sẽ bị lung lay và rất có thể bạn sẽ trở thành một kẻ lười biếng y như họ.
Việc của bạn là hãy tập trung làm việc của mình và đừng bận tâm để ý xem họ đang làm những gì. Cũng đừng bận tâm xem liệu họ sẽ hoàn thành công việc được giao như thế nào nếu nó không liên quan đến bạn, bởi khi bạn dành thời gian quan sát và suy nghĩ về họ sẽ khiến bạn sao nhãng công việc của bản thân và dễ sinh đố kỵ.
Nói không khi liên tục bị nhờ vả
Giúp đỡ lẫn nhau trong công việc là điều bình thường và nên làm, tuy nhiên nếu đối tượng thường xuyên nhờ vả là người lười biếng, chuyên “ủ việc” để đợi người khác làm hộ thì cần dứt khoát từ chối thẳng thừng khi họ nhờ vả. Vì nếu bạn làm thay họ một lần, hai lần lâu dần chính bạn là người dung túng cho thói quen ỷ lại, dựa dẫm của họ và hành động làm thay họ thường xuyên cũng sẽ khiến tâm trạng bạn bực bội, khó chịu.
Không che đậy hay bao biện hộ
Người lười biếng, không dành thời gian, tâm huyết cho công việc sẽ thường xuyên tìm lý do bao biện về sự chậm trễ của mình khi bị cấp trên hối thúc và những lúc này rất có thể họ sẽ nhờ bạn làm đồng minh để tăng thêm độ tin cậy cho những biện hộ. Việc của bạn là không che đậy hay dung túng cho họ. Nếu vô tình bị lôi kéo vào cuộc khi họ bị sếp “chiếu tướng”, hãy thẳng thắn nói rằng bạn thật sự xin lỗi vì rất bận với công việc được giao nên không có thời gian để ý đến vấn đề họ đang đề cập.
Nói chuyện thẳng thắn với đồng nghiệp
Nếu vô tình bạn bị cấp trên giao làm việc cùng nhóm với người lười biếng, việc của bạn là hãy phân chia công việc, deadline cụ thể của từng người, đừng quên hỏi lại họ xem có hài lòng hay khúc mắc gì trong phần việc họ được giao. Bạn cũng cần kiểm tra tiến độ thường xuyên để đảm bảo họ không làm ảnh hưởng đến thành tích chung.
Nếu deadline đã sát nút mà họ vẫn thảnh thơi thả nổi công việc được giao thì bạn cần ngồi lại nói chuyện thẳng thắn với họ. Đầu tiên cần hỏi lại họ tại sao công việc đó vẫn chưa tiến triển? Có chỗ nào chưa hiểu hay đang gặp khó khăn gì? Nói cho họ biết hậu quả của sự chậm trễ đó gây ra như thế nào?... Nếu là gặp vấn đề họ không hiểu bạn hãy hướng dẫn các bước để họ tự thực hiện còn nếu vì tính lười biếng, ỷ lại đợi người khác làm hộ thì bạn cần nói rõ với họ rằng bạn đã chia việc đều cho cả mọi người và bạn cũng rất bận rộn để lo phần việc của mình, nếu họ cần thêm sự hỗ trợ thì có thể xin ý kiến và sự giúp đỡ từ cấp trên.
Nhờ cấp trên can thiệp
Bạn ức chế và muốn tố cáo thói ỷ lại, lười biếng của đồng nghiệp với cấp trên, tuy nhiên nếu bạn đùng đùng tới gặp sếp để làm việc đó sẽ khiến họ có cái nhìn không hay về bạn. Thay vào đó bạn hãy thường xuyên cập nhật tiến độ công việc của nhóm và từng thành viên trong nhóm cho cấp trên nắm được để đảm bảo việc chậm trễ của một vài người sẽ không khiến cả tập thể bị động. Đồng thời việc cập nhật này sẽ giúp cấp trên biết được năng lực và thái độ làm việc của từng cá nhân. Đây cũng là cơ hội để bạn chia sẻ cho cấp trên hiểu khúc mắc khiến nhóm không tiến triển công việc là từ khâu nào và nhờ họ giúp đỡ nếu bạn đã hết cách. Hãy chia sẻ theo hình thức góp ý chứ không nên than vãn hay nói xấu đồng nghiệp để mong cấp trên đánh giá cao năng lực bản thân mình./.
-
1Lưu ý về xây dựng quy chế tiền thưởng với công chức, viên chức theo Nghị định số 73/2024
-
2 Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất
-
3THÔNG BÁO: Từ ngày 01/01/2025, VKSND TP. Hồ Chí Minh tiếp công dân tại trụ sở mới
-
4Quy định mới về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn
-
5Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật, 1 pháp lệnh
-
6Quyền của đoàn viên công đoàn được quy định như thế nào?
-
7Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật được thông qua Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
8Điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần từ 01/7/2025
Bài viết chưa có bình luận nào.