103 tác phẩm vào chung khảo Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư
(kiemsat.vn) Qua tổ chức chấm bài độc lập và 2 buổi họp bình xét, đánh giá, Hội đồng sơ khảo đã tuyển chọn được 103 tác phẩm của 4 thể loại báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh vào chung khảo để Hội đồng Chung khảo xếp hạng.
Sáng 25/9, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023 tổ chức họp Hội đồng chung khảo.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo chủ trì cuộc họp.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo phát biểu tại cuộc họp. |
Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023 do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức được phát động từ ngày 13/11/2021 đến ngày 31/8/2023.
Tính đến hết ngày 31/8/2023, Ban Tổ chức Giải đã nhận được 1.078 tác phẩm dự thi hợp lệ của 4 thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình của trên 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương.
Qua tổ chức chấm bài độc lập và 2 buổi họp bình xét, đánh giá, Hội đồng sơ khảo đã tuyển chọn được 103 tác phẩm của 4 thể loại báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh vào chung khảo để Hội đồng Chung khảo xếp hạng: Đặc biệt, A, B, C và Khuyến khích.
Theo đánh giá của Hội đồng Sơ khảo, các tác phẩm tham dự giải năm nay đều được các tác giả đầu tư công phu, đề tài khá phong phú, sinh động, phản ánh sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí từ Trung ương đến các địa phương.
Nội dung, chủ đề phản ánh được thực tiễn các vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, những góc khuất cần được góp ý, phản biện, định hướng, được công luận, Quốc hội và Nhân dân quan tâm. Để có được các loạt bài công phu nhiều nhà báo đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, “dấn thân” bám sát đến cùng các vụ việc, giúp các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm minh nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực; được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Đã có nhiều tác phẩm viết về đề tài tiết kiệm, chống lãng phí, biểu dương, cổ vũ các gương đấu tranh với tham nhũng, lãng phí; về vấn đề trục lợi chính sách để tham nhũng, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội… Nhiều tác phẩm hay hiến kế, đề xuất những giải pháp, ý kiến tốt có hiệu quả nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và việc tổ chức thực hiện…
Tuy nhiên theo đánh giá của Hội đồng Sơ khảo, vẫn chưa có nhiều các tác phẩm viết về đề tài biểu dương, cổ vũ, bảo vệ các tấm gương dám dấn thân đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, phê phán những thói hư tật xấu tiêu cực trong xã hội hoặc đề tài tiết kiệm, chống lãng phí mà nhân dân đang quan tâm. Ngoài các đơn vị báo chí lớn và một số báo địa phương quan tâm đầu tư các tác phẩm lớn, cầu kỳ từ chủ đề, đề tài, đến nội dung, tổ chức dàn dựng công phu, vẫn còn một số tác phẩm chất lượng còn hạn chế. Vẫn còn có tình trạng gửi bài tham gia còn chưa nghiên cứu kỹ Thể lệ Giải nên đã gửi tác phẩm dự thi không phù hợp, không đúng Thể lệ Giải…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, qua 4 lần tổ chức, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ và ngày càng nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo các cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo và các tầng lớp Nhân dân.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị, từ 103 tác phẩm được lựa chọn vào Chung khảo, các thành viên trong Hội đồng cần bám sát các tiêu chí trong thể lệ Giải để lựa chọn được những tác phẩm hay, xuất sắc nhất là những tác phẩm có chất lượng tốt, mang tính phát hiện công phu, bám sát chủ đề và định hướng dư luận cao, có tác động tích cực phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ghi nhận ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng Chung khảo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà mong muốn trên cơ sở quy chế, thể lệ Giải, cơ cấu, số lượng, chất lượng tác phẩm, các thành viên Hội đồng Chung khảo phát huy tinh thần trách nhiệm, công tâm, khách quan để hoàn thành thời gian chấm tác phẩm theo đúng tiến độ đề ra.
Dự kiến, Lễ tổng kết, trao Giải sẽ được tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) vào đầu tháng 11/2023, nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2023)./.
-
1Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến gặp mặt các đồng chí nguyên Lãnh đạo VKSND tối cao qua các thời kỳ
-
2Bảo đảm thực thi đầy đủ, hiệu quả các chính sách nhân văn, tiến bộ của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên
-
3Đồng chí Lương Cường được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026
-
4Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8
-
5Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Cuba tại Việt Nam
-
6Việt Nam và Xinh-ga-po ký Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự
-
7Quy chế mới về bầu cử trong Đảng
-
8Phát biểu kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10, khoá XIII
-
9Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công
Bài viết chưa có bình luận nào.