Vụ án gián điệp và những bài học cảnh giác (kỳ 4) - Những kinh nghiệm quý báu

19/02/2018 09:32

(kiemsat.vn)
Muốn giải quyết tốt vụ án, nhất là các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, quá trình điều tra, truy tố và xét xử phải nắm vững quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo ngành Kiểm sát. Đây là cơ sở để xác định đường lối truy tố chính xác, xác định đúng đắn mục đích, yêu cầu của công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Thứ nhất: Đây là vụ án nghiêm trọng và phức tạp, không chỉ đặt ra mối quan tâm của nhân dân trong nước mà dư luận thế giới và khu vực cũng hết sức đặc biệt quan tâm.  Kết quả truy tố, xét xử vụ án đã đạt mục đích, yêu cầu đề ra, nhất là việc vận dụng đường lối truy tố, kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách trừng trị và chính sách khoan hồng. Từ đây có thể rút ra nhận xét: Muốn giải quyết tốt vụ án, nhất là các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, quá trình điều tra, truy tố và xét xử phải nắm vững quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo ngành Kiểm sát. Đây là cơ sở để xác định đường lối truy tố chính xác, xác định đúng đắn mục đích, yêu cầu của công tác điều tra, truy tố, xét xử. Có như vậy vụ án mới được xử lý triệt để, các yêu cầu, mục đích đề ra mới được đảm bảo thực hiện.

Các đồng chí trong Ban chỉ đạo KHCM12 tại “Tổng hành dinh” dã chiến, chỉ đạo triển khai kế hoạch đón bắt bọn phản động lưu vong, năm 1983 tại huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Ảnh sưu tầm: K.Hà  (nguồn trang Đại biểu nhân dân của Quốc hội)

Thứ hai: Trong bối cảnh phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực, các thế lực trong và ngoài nước ra sức lợi dụng vụ án này để mở chiến dịch xuyên tạc, bôi nhọ các cơ quan pháp luật Việt Nam. Xuất phát từ tình hình như vậy, đòi hỏi các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử phải phối hợp chặt chẽ nhằm thu thập đầy đủ các chứng cứ buộc tội, khách quan; các thủ tục pháp lý phải chặt chẽ, rõ ràng; đường lối truy tố phải có lý, có tình, phù hợp với mục đích, yêu cầu của việc xét xử đặt ra. Đặc biệt, để tuyên truyền kết quả xét xử vụ án, các cơ quan pháp luật không chỉ phối hợp tốt với nhau mà còn phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tuyên truyền của Đảng và Nhà nước. Sự phối hợp này nhằm phục vụ tốt nhất công tác đối nội và đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Như vậy, sự phối hợp giữa các ngành trong giải quyết vụ án này cũng là bài học rất đáng trân trọng và phát huy.

Thứ ba: Với yêu cầu và mục đích của việc giải quyết vụ án, vấn đề đặt ra là tổ làm án phải là một tập thể bao gồm các đồng chí không những phải nắm chắc nghiệp vụ kiểm sát mà còn phải có tinh thần đoàn kết, nhất trí, dân chủ, tập trung tư tuởng, nghiên cứu kỹ càng, phát hiện đề xuất chính xác.

Điều đáng chú ý là tính chất dân chủ trong việc xây dựng các văn bản pháp lý (cáo trạng, luận tội) được vận dụng rất sâu sắc. Bản cáo trạng, luận tội sau khi được xây dựng, anh em trong tổ đã tham gia rất kỹ. Đặc biệt, mặc dù bản cáo trạng và luận tội đã tiếp thu các ý kiến của các ngành nhưng với trách nhiệm là cơ quan truy tố, tập thể lãnh đạo VKSND tối cao đã cho ý kiến rất cụ thể. Như vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, muốn cho vụ án được truy tố, xét xử có chất lượng, không chỉ cán bộ, Kiểm sát viên phải nêu cao trách nhiệm nắm chắc hồ sơ vụ án, chuẩn bị kỹ càng các tài liệu chứng cứ, mà đối với Lãnh đạo Viện cũng phải sâu sát tỉ mỉ, chỉ đạo kịp thời và phát huy cao tính dân chủ trong công tác nghiệp vụ.

Đã gần 26 năm trôi qua, khi hồi tưởng và suy nghĩ về vụ án này trong tôi dâng đầy nỗi nhớ, niềm thương, bùi ngùi xúc động trước cảnh người mất người còn. Một số các bác tham gia giải quyết vụ án bây giờ đã về cõi vĩnh hằng. Họ đã bay vào mây trắng trời xanh, đã lẫn vào cỏ cây xứ sở. Ngồi gõ vào bàn phím mà con tim tôi cứ thổn thức, xao xuyến, như đang sống lại với những ngày không bao giờ quên ấy, với những đồng chí đồng nghiệp thân thương ấy. Bao khuôn mặt, dáng hình, bao giọng nói, nụ cười quen thuộc của các đồng nghiệp cứ hiện rõ trong tôi. Ngỡ như các bác vẫn còn sống và làm việc đâu đây và cõi vĩnh hằng thăm thẳm bao la ấy chưa phải là nơi họ trở về yên nghỉ. Các bác, các anh vẫn đang cùng chúng tôi sát cánh bên nhau trên chặng đường đây gian nan phức tạp phía trước. Những kinh nghiệm, bài học mà các bác để lại là tài sản quý giá của ngành Kiểm sát; nó sẽ đồng hành với thế hệ hôm nay và mai sau trong sứ mệnh cao cả là góp phần làm cho xã hội ta ngày càng trong sạch, tốt đẹp hơn. Một xã hội thực sự ngăn nắp, trong lành, chan hòa, cởi mở, tôn vinh cái thiện, loại bỏ cái ác với tinh thần thượng tôn pháp luật./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang