Vụ án gián điệp và những bài học cảnh giác (kỳ 1) - “Minh Vương 2” âm mưu xây dựng “Mật khu kháng chiến”
(kiemsat.vn) Cuối thập kỷ những năm 70 và đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, loại tội phạm hoạt động lật đổ, gián điệp, tổ chức trốn đi nước ngoài, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc xảy ra nhiều. Đấu tranh với loại tội phạm này là một cuộc chiến cam go, những kinh nghiệm trong công tác kiểm sát vụ án đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố trong vụ án “siêu lừa” Huyền Như
Xét xử Huyền Như: VKS đề nghị tuyên 'siêu lừa' mức án chung thân
Người nhắn tin đe doạ Chủ tịch UBND Đà Nẵng bị tuyên 18 tháng tù
Kiemsat.vn trân trọng giới thiệu đến bạn đọc "Vụ án gián điệp và những bài học cảnh giác", trích từ cuốn sách: "Theo dòng công lý" của Nhà văn, Tiến sĩ Luật học Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao.
Với lối viết giản dị, trung thực và chuẩn xác, tác giả - một chiến sĩ, nhà văn, người Kiểm sát viên ngành Kiểm sát nhân dân, qua những trang viết về những vụ án vụ án nổi tiếng một thời, những công trình khoa học nghiệp vụ đã cho thế hệ sau những bài học kinh nghiệm từ cuộc chiến cam go đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Đúng vào dịp chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ, Đất nước ta cực kỳ khó khăn về kinh tế, miếng ăn cái mặc trở thành nỗi lo đau đáu của hầu hết các gia đình. Một Đất nước có khoảng 3000 cây số biển mà đến muối cũng không đủ dùng, đồng bằng châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long vốn được mệnh danh là hai vựa thóc ở hai đầu Đất nước cũng không làm no được những cái dạ dày lép kẹp của dân. Từng chiếc áo may ô, lốp xe đạp cũng phải phân phối, bắt thăm. Thế mới có câu giễu nhại truyền tụng trong dân chúng: Người Việt gốc tre mặc áo chuyên da đi xe cố vấn.
Cuối thập kỷ những năm 70 và đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Đất nước ta vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh lâu dài, khốc liệt được mấy năm thì bị các thế lực thù địch thi hành chính sách bao vây cấm vận. Bọn chúng cấu kết với nhau tiến hành chiến tranh phá hoại nhiều mặt chống nhân dân ta trên tất cả các lĩnh vực. Bọn phản động nước ngoài móc nối với các phần tử cơ hội trong nước tiến hành nhiều hành vi xâm phạm an ninh Quốc gia.
Xuất phát từ yêu cầu của công tác kiểm sát phục vụ nhiệm vụ bảo vệ an ninh Quốc gia trong tình hình mới, ngày 23/10/1981, Viện trưởng VKSND tối cao đã ký quyết định số 158/V9 thành lập Vụ Kiểm sát điều tra án an ninh chính trị, viết tắt Vụ KSĐT án an ninh, ký hiệu Vụ 2C. Vụ 2C được tách ra từ Vụ 2B. Vụ 2C được biên chế 9 người. Vụ trưởng là đồng chí Nguyễn Gia Thụy, Phó Vụ trưởng là Lê Mai. Cán bộ có các đồng chí Dương Thanh Biểu, Hoàng Trọng Lãm, Lại Đức Cửu, Đào Phong Nhị, Hồ Đắc Quang, Hoàng Thanh Đạm và Phạm Hà Nhân. Sau bổ sung thêm các đồng chí Bùi Toản, Trần Chí Thiện, Lê Đình Quyền…
Thời gian này, loại tội phạm hoạt động lật đổ, gián điệp, tổ chức trốn đi nước ngoài, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc… xảy ra rất nhiều, trong khi cán bộ ít nên anh em chúng tôi phải phân công nhau về công tác tại các Viện kiểm sát địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam và các tỉnh biên giới phía Bắc để giúp giải quyết án. Tôi được giao nhiệm vụ làm cán bộ tổng hợp của Vụ. Trong rất nhiều vụ án an ninh, đáng chú ý nhất là vụ án gián điệp sau đây mà Vụ 2C chúng tôi đã phối hợp với Cơ quan an ninh kết thúc việc điều tra, truy tố trước pháp luật.
Các đồng chí trong Ban chỉ đạo KHCM12 tại “Tổng hành dinh” dã chiến, chỉ đạo triển khai kế hoạch đón bắt bọn phản động lưu vong, năm 1983 tại huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Ảnh sưu tầm: K.Hà (nguồn trang Đại biểu nhân dân của Quốc hội) |
Trong những năm 1979 -1980, Cơ quan an ninh Việt Nam đã phát hiện kịp thời tổ chức gián điệp do tình báo nước ngoài tổ chức huấn luyện, tài trợ nhằm tiến hành các hoạt động xâm nhập, phá hoại nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.
Ngày 08/01/1981, các đơn vị quân đội tỉnh Kiên Giang phát hiện và bắn chết 1 tên gián điệp từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam. Sau đó, được quần chúng nhân dân hỗ trợ, Công an Kiên Giang đã thu giữ một số súng AK, lựu đạn, một số bộ phận của máy phát điện dùng cho điện đài, quân tư trang và một số phù hiệu đề là “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam”. Cũng vào thời gian này, cơ quan an ninh nước bạn cung cấp cho ta nguồn tin quan trọng: Vào trung tuần tháng 11 năm 1981, một tên lính Khơmer Đỏ đầu thú đã khai báo về việc y đã trực tiếp dẫn đường một toán gián điệp người Việt Nam mang vũ khí, điện đài xâm nhập từ nước ngoài qua Cămphuchia vào Việt Nam để phá hoại. Từ lời khai của tên lính Khơmer Đỏ và việc tiêu diệt tên gián điệp ở Kiên Giang, thu giữ một số phương tiện hoạt động gián điệp, bước đầu Cơ quan an ninh nhận định, đây là đầu mối của một tổ chức phản cách mạng từ nước ngoài xâm nhập vào vào Việt Nam, nên đã báo cáo lên cấp trên.
Cũng vào thời gian này, cơ quan an ninh ta đã tóm gọn tên Trần Minh Hiến và sau đó y đã khai nhận: Hiếu là một trong số 23 tên gián điệp đã xâm nhập vào Việt Nam quan con đường Cămphuchia. Trần Văn Hiếu khai rằng đây là số gián điệp của tổ chức “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Lời khai của Hiếu phù hợp với lời khai của tên Khơ me Đỏ đầu thú và các trang thiết bị do Công an Kiên Giang thu được. Đặc biệt, qua lời khai của Hiếu, ta xác định toán gián diệp này do Lê Hồng Ngự làm toán trưởng đang ẩn náu ở Cần Thơ. Công an Kiên Giang và Công an Hậu Giang đã phối hợp tổ chức bắt giữ Lê Hồng Dự tại Cần Thơ. Qua các buổi xét hỏi, Lê Hồng Dự khai báo quá trình xâm nhập về Việt Nam và những hiểu biết của y về tổ chức phản cách mạng của Lê Quốc Túy - Mai Văn Hạnh. Những lời khai này khớp với lời khai của Trần Minh Hiếu. Từ lời khai của các tên gián điệp bị bắt, cơ quan an ninh ta đã nhận định, đây là toán gián điệp “Minh Vương 1” của tổ chức phản động do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu, được thành lập và huấn luyện ở nước ngoài và đang xâm nhập và Việt Nam để hoạt động phá hoại, lật đổ chế độ CHXHCN Việt Nam.
Toán gián điệp biệt kích bị bắt khi xâm phạm vùng giải phóng, Thị xã Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, năm 1973. Ảnh sưu tầm minh họa (nguồn trang Đại biểu nhân dân của Quốc hội) |
Từ lời khai của các tên gián điệp bị bắt, cơ quan an ninh ta đã lập chuyên án án đấu tranh với Kế hoạch CM-12. Chuyên án này do đồng chí Cao Đăng Chiếm, Thứ trưởng Bộ Công an trực tiếp chỉ huy. CM là hai chữ cái đầu của Cà Mâu. Còn 12 là ngày 12/5/1981, ngày xâm nhập vào Việt Nam của bọn gián điệp. Với tinh thần dũng cảm trong chiến đấu, mưu trí và khôn khéo trong vận dụng phương pháp đấu tranh, lực lượng an ninh Việt Nam đã tiến hành kế hoạch CM12 bằng cách sử dụng “trò chơi nghiệp vụ”, cử người ngụy trang khôn khéo, dũng cảm, mưu trí, xâm nhập sâu vào tổ chức của Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh.
Sau khi chuyến xâm nhập của “Minh Vương 1” bằng đường bộ thất bại, Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh quyết định tung toán gián điệp “Minh Vương 2” vào Việt Nam bằng đường biển. Âm mưu của chúng là chuyến này sẽ chở vào Việt Nam 10 tấn vũ khí cùng với thiết bị bị quân sự và 1 toán gián điệp bằng đường biển để về xây dựng “Mật khu kháng chiến” tại rừng U Minh. Toán gián điệp này do Nguyễn Văn Thanh mang bí số K44 làm toán trưởng, có nhiệm vụ: Sau khi đã xâm nhập Việt Nam thì tổ chức tiếp nhận người và vũ khí từ nước ngoài chuyển về các chuyến sau, đưa khối lượng vũ khí đó về các địa bàn hoạt động phá hoại các cơ sở chính trị, kinh tế ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 12/5/1981, chiếc tàu khởi hành từ nước ngoài chở 16 tên gián điệp biệt kích xâm nhập vào Việt Nam. Đúng 21 giờ ngày 15/5/1981, chiếc tàu của bọn gián điệp biệt kích cập bờ biển khu vực Bãi Ghe gần sông Ông Đốc, Minh Hải. Khi cập bờ, bọn gián điệp lội bì bõm, nặng nề trong đêm theo hướng vào U Minh nhưng sau đó Nguyễn Văn Thanh đã ra lệnh phân tán và hẹn nơi tập kết.
Diễn biến vụ án đến đây bước sang điểm ngoặt. Trong số tên xâm nhập lần này có một người với mật danh K64 quyết định ra đầu thú với cơ quan an ninh. K64 đã khai tòan bộ hoạt động xâm nhập của toán “Minh Vương 2” và âm mưu của “Mặt trận thống nhát các lực lượng yêu nước giải phóng Nam Việt Nam”. Từ lời khai của K64, lực lượng an ninh ta đã bao vây tóm gọn toàn bộ bọn xâm nhập, riêng tên Nguyễn Văn Thanh ngoan cố chống trả nên đã bị các chiến sĩ an ninh tiêu diệt. Sau đó, lực lượng an ninh đã thực hiện kế hoạch “tương kế, tựu kế”, tiến hành giáo dục, cảm hóa và khéo léo sử dụng những tên bị bắt hoặc ra đầu thú để thành lập tổ “đặc biệt” theo chỉ đạo của Lê Quốc Túy. Tổ “đặc biệt” này dưới dự chỉ đạo chặt chẽ của lực lượng an ninh ta, tiến hành liên lạc với Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh về thực hiện các đợt xâm nhập. Từ đó, việc liên lạc giữa trung tâm địch và ta, dưới danh nghĩa là "Tổ đặc biệt" được tiến hành theo lịch trình. Nhờ vậy, mọi âm mưu, kế hoạch xâm nhập của chúng bị ta theo dõi ngay từ khi xuất phát xâm nhập.
Trên cơ sở những tin tức nắm được, lực lượng an ninh ta đã nắm chắc các chuyến xâm nhập của địch và đã tổ chức đón lỏng và bắt giữ toàn bộ bọn gián điệp và phương tiện chiến tranh khi xâm nhập vào vùng Hòn Đá Bạc ở Cà Mâu, Việt Nam. Với cách đánh khôn khéo này, chúng ta đã tóm gọn 18 chuyến xâm nhập, tiêu diệt và bắt sống 119 tên, thu trên 100 tấn vũ khí các loại gồm: 2 tàu thuỷ, 2000 khẩu súng các loại, hơn 1 triệu viên đạn các loại, 11 máy thông tin vô tuyến, nhiều thuốc men và 300 triệu đồng tiền Việt Nam giả.
Đặc biệt, thông qua chuyên án này chúng ta đã bóc gỡ hàng ngàn tên phản động nội địa được cài lại theo kế hoạch “hậu chiến” của các thế lực thù địch. Sau khi mai phục, bắt giữ toàn bộ bọn gián điệp xâm nhập trên đây, chúng ta đã tiến hành phá án, bắt nhiều tên cầm đầu các nhóm phản động trong nước.
Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh đều là sĩ quan không quân thuộc chính quyền Sài Gòn cũ, sống lưu vong ở nước ngoài, sau ngày giải phóng miền Nam đã trở về Nước với hình thức đi du lịch nhưng chủ yếu để móc nối với những tên phản động còn ở lại, xây dựng lực lượng, nhằm chống phá cách mạng nước ta. Tháng 2 - 1976, Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh tổ chức họp báo tại khách sạn Meridien ở Paris công khai giới thiệu về Tuyên ngôn, Điều lệ của cái gọi là tổ chức Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam. Sau đó, Lê Quốc Tuý, Mai Văn Hạnh đã liên lạc với các phần tử trong nước như Hồ Tấn Khoa, Lê Chơn Tình, Huỳnh Vĩnh Sanh và Lê Quốc Quân để động viên, thúc đẩy đồng bọn phát triển lực lượng. Cũng trong thời gian này, Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh đã ra sức móc nối với bọn phản động nước ngoài, vạch kế hoạch hành động, xin tài trợ kinh phí, tạo điều kiện cho chúng hoạt động lôi kéo tay chân, tổ chức huấn luyện phương pháp chống phá cách mạng Việt Nam. Bọn phản động nước ngoài đã cung cấp cho Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh hàng trăm tấn vũ khí, hàng trăm triệu đồng tiền Việt Nam giả. Bọn chúng còn vạch kế hoạch phối hợp vận chuyển vũ khí, đưa tay sai về nước để phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta.
Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh đã thành lập Tổng hành dinh ở nước ngoài để tuyển mộ bọn tay chân, huấn luyện các phương thức hoạt động gián điệp, hoạt động phá hoại, khủng bố. Một số tổ chức tình báo nước ngoài cũng đổ công của ra sức huấn luyện cho bọn gián điệp về kỹ thuật sử dụng vũ khí, chất nổ, kỹ thuật phá hoại, kỹ thuật sử dụng điện đài, phương pháp tuyên truyền lôi kéo lực lượng…Sau khi đã hoàn thành huấn luyện gián điệp, bọn chúng tiến hành tổ chức xâm nhập vào Việt Nam.
Âm mưu của chúng là tiến hành đánh phá, khủng bố các cơ quan lãnh sự quán đóng tại thành phố Hồ Chí Minh; đánh phá các khách sạn, rạp hát, kho xăng dầu, nhà máy điện, các cơ quan quân sự, sân bay, cầu phà và đánh chiếm một số vùng quan trọng làm căn cứ. Lợi dụng tình cảnh khó khăn về kinh tế của Đất nước ta, bọn chúng còn âm mưu tung tiền Việt Nam giả nhằm làm rối loạn nền tài chính tiền tệ, mua chuộc làm tha hoá cán bộ…
Với kế hoạch trên đây, chúng hy vọng sẽ tiến hành hàng loạt cuộc phá hoại, bạo động, gây tiếng vang lớn trong và ngoài nước. Chúng nuôi ảo tưởng qua các cuộc bạo động đó sẽ tạo nên thế và lực mới, lôi kéo các nhóm phản động khác cùng phối hợp hành động để lật đổ chính quyền, chiếm một số vùng làm căn cứ. Đồng thời, bọn chúng còn âm mưu phối hợp với bọn phản động nước ngoài gây chiến tranh biên giới, hỗ trợ cho hoạt động bạo loạn và lật đổ chính quyền trong nước. Nếu thực hiện được ý đồ này, đài phát thanh của bọn chúng đặt ở nước ngoài sẽ chính thức công bố Cương lĩnh và phát lời Hiệu triệu nhằm tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, tạo điều kiện cho việc can thiệp quân sự của nước ngoài vào Việt Nam.
Từ ngày 08/01/1981 đến ngày 09/09/1984, bọn chúng đã tổ chức 18 lần xâm nhập vào Việt Nam, trong đó có một lần xâm nhập bằng đường bộ còn lại xâm nhập bằng đường biển. Chuyến xâm nhập đầu tiên bằng đường bộ qua Cămpuchia vào tỉnh An Giang, Kiên Giang. Trong chuyến xâm nhập này, Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh trực tiếp động viên và tiễn đưa đồng bọn ra tận biên giới và được lũ Pôn Pốt trang bị vũ khí, cung cấp lương thực, hướng dẫn xuyên rừng xâm nhập vào An Giang.
Sau đó bọn chúng đã sử dụng hai tàu để tổ chức liên tục 9 chuyến xâm nhập bằng đường biển vào nước ta. Chúng đã vận chuyển vào Việt Nam nhiều tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men, chất nổ, phương tiện thông tin liên lạc và rất nhiều tiền Việt Nam giả.
(Còn tiếp)
-
1Sơn La: VKSND huyện Mường La phối hợp tuyên truyền phòng, chống ma tuý và tác hại của thuốc lá điện tử trong học đường
-
2VKSND TP Hà Tĩnh phối hợp tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông
-
3VKSND quận Cầu Giấy: Kiến nghị phòng ngừa tội phạm gây rối trật tự công cộng do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn
-
4Quảng Nam: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giải quyết các vụ án liên quan đến đất đai
-
5VKSND tối cao tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
-
6VKSND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chủ tịch UBND TP. Hội An về vấn đề liên quan đến người nước ngoài thuê xe tự lái vi phạm pháp luật Việt Nam
-
7Những trường hợp áp dụng Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024
-
8VKSND quận Liên Chiểu phối hợp với Tòa án tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử vụ án ma túy
Bài viết chưa có bình luận nào.