Tăng cường kiểm sát việc áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện
Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì kể từ ngày 01/01/2014, việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân (TAND).
Ngày 20/01/2014, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014, quy định về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (gọi tắt là Pháp lệnh số 09). Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc… Trên cơ sở những quy định trên, các Thông tư hướng dẫn thi hành đã được ban hành, từng bước hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện các quy định về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Toà án nhân dân.
Theo quy định của pháp luật thì TAND có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là TAND cấp huyện nơi cơ quan đề nghị có trụ sở; tương ứng với TAND có thẩm quyền thì Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cùng cấp sẽ thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật; tham gia các phiên họp; tham gia việc xét hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Sau khi nhận được thông báo thụ lý hồ sơ của Tòa án cùng cấp, Viện kiểm sát có quyền nghiên cứu hồ sơ vụ việc tại Tòa án đã thụ lý vụ việc đó. Trường hợp vụ việc có khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị thì Phòng 10 VKSND cấp tỉnh có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật của TAND cấp tỉnh trong việc xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị. (Quyết định số 566/QĐ-VKSTC-V9 ngày 14/11/2014 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Hướng dẫn số 17/HD-VKSTC-V12 ngày 6/2/2015 của Vụ 12 (nay là Vụ 10) VKSND tối cao).
Về tình hình áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng từ năm 2014 đến nay:
Tệ nạn ma túy diễn ra trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ngày càng gia tăng và phức tạp. Ngày 20/8/2014, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị sôsố 37-CT/TU về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát tội phạm và tệ nạn ma tuý trên địa bàn thành phố; Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND ngày 06/9/2014 về việc ban hành quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các công văn số 11192 ngày 06/12/2014, số 704 ngày 28/01/2015 của Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng chỉ đạo thực hiện một số nội dung về công tác cai nghiện ma túy. Đà Nẵng đã chú trọng nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, nhân dân về tác hại của ma túy, xác định nhiệm vụ phòng, chống ma túy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục, lâu dài và phải có sự kiên trì, quyết tâm, sáng tạo, có nhiều cách làm mới; công tác chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm tại các địa bàn phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy. Tiếp tục làm tốt công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, theo dõi chặt chẽ di biến động của dân cư; tăng cường vai trò phối hợp giữa Tổ trưởng dân phố với Cảnh sát khu vực trong việc quản lý nhân khẩu, địa bàn; theo dõi, quản lý tốt các đối tượng có nguy cơ cao, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ; tạo ra các môi trường, sân chơi lành mạnh để thu hút các đối tượng này tham gia, nhằm giảm nguy cơ sa vào các tệ nạn xã hội; tăng cường quản lý chặt chẽ các điểm dễ phát sinh tệ nạn, như: Quán bar, vũ trường, karaoke, cà phê…; phát huy hiệu quả các mô hình hay, như: “Câu lạc bộ sau cai”, “Câu lạc bộ nhân ái”…; nâng cao trách nhiệm của địa phương, gia đình trong việc quản lý sau cai, không để tái nghiện; trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác đấu tranh, phòng ngừa, kiểm soát tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội.
Từ khi Pháp lệnh số 09 có hiệu lực thì số lượng việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ngày càng nhiều, chủ yếu là áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Công tác lập hồ sơ, xét duyệt, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhìn chung đã đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, đúng pháp luật, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật cho người bị đề nghị. Sau khi ra quyết định, các cơ quan hữu quan đã kịp thời đưa đối tượng chấp hành quyết định, góp phần thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự của chính quyền cơ sở và nhận được sự đồng tình của cộng đồng, quần chúng nhân dân cũng như người bị xử lý và thân nhân gia đình họ.
Mặt dù đây là khâu công tác mới của ngành nhưng tất cả các cán bộ, Kiểm sát viên VKSND hai cấp thành phố Đà Nẵng đã nắm vững các căn cứ pháp luật và việc triển khai thực hiện tốt một số quy định của địa phương cũng như sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Theo thống kê từ năm 2014 đến nay, VKSND hai cấp thành phố Đà Nẵng đã thụ lý kiểm sát giải quyết tổng số 628 việc (đưa vào trường giáo dưỡng 06; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc: 09; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: 613). Đến nay, đã giải quyết 623 việc (đình chỉ 13 việc; đã mở phiên họp 610 việc) trong đó đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 586 việc, còn lại 05 việc.
Số việc bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị 51 việc; đã giải quyết 51, trong đó: Giữ nguyên quyết định 44 việc, đình chỉ 02 việc (người khiếu nại rút đơn), sửa quyết định 04 việc, hủy quyết định 01 việc.
Những khó khăn, vướng mắc:
Hiện nay, việc áp dụng các quy định của pháp luật để đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập và nảy sinh nhiều vấn đề mới mà chưa có quy định pháp luật điều chỉnh. Các quy định của pháp luật về đưa người đi cai nghiện ma túy nằm rời rạc trong nhiều luật và các văn bản khác nhau, gây khó khăn cho việc tra cứu, áp dụng các quy định của pháp luật.
Việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong số các tài liệu có tại hồ sơ thì vướng mắc nhất hiện nay là tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người đó, vì theo các Quyết định số 5075 ngày 12/12/2007 và số 3556 ngày 10/9/2014 của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn xác định tình trạng nghiện của một người phải đủ cả hai điều kiện về lâm sàng và xét nghiệm là rất phức tạp và tốn kém cả về thời gian và vật chất. Như thế nào là người nghiện, hiện nay cũng chưa có văn bản hướng dẫn vì có những trường hợp do rủ rê, ham chơi với bạn nên có dùng thử ma túy (lần đầu) và bị phát hiện thử test dương tính thì có xác định là nghiện hay không?
Theo khoản 3 Điều 4 Pháp lệnh số 09 quy định về kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính: “Sau khi nhận được thông báo thụ lý hồ sơ của Tòa án cùng cấp, Viện kiểm sát có quyền nghiên cứu hồ sơ vụ việc tại Tòa án đã thụ lý vụ việc đó”. Quy định như vậy còn mang tính chất chung chung, chưa phù hợp với quy định tại Điều 124 Luật Tố tụng hành chính năm 2010: “Tòa án phải gửi hồ sơ vụ án cùng với việc gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án”.
Theo quy định tại Điều 12 của Luật Cư trú: “Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú” và tại khoản 2 Điều 30 Luật Cư trú quy định: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường”. Đối chiếu với quy định trên, để xác định một người không có nơi cư trú ổn định thì phải căn cứ vào khoản 2 Điều 30 Luật Cư trú. Có những trường hợp từ Quảng Trị, Quảng Nam đến Đà Nẵng vào ngày thứ 02 bị phát hiện dương tính với ma túy thì Công an xác định không có nơi cư trú ổn định là trái với quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật Cư trú. Đối với trường hợp là người của địa phương có hộ khẩu thường trú rõ ràng, nhưng khi xác minh không có mặt tại địa phương thì cũng được xem là không có nơi cư trú ổn định. Cách xác định như trên cũng trái với quy định tại Điều 12 Luật Cư trú, song chưa có văn bản quy định cụ thể nên dễ dẫn đến việc lạm dụng làm trái pháp luật.
Việc xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính diễn ra khá nhanh, trong khi đó Kiểm sát viên chỉ nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án mà không nghiên cứu trước đó, dẫn đến việc Kiểm sát viên không kiểm sát được quá trình từ khi bắt đầu lập hồ sơ các cơ quan chức năng có đảm bảo cho người bị đề nghị hiểu rõ các quyền của họ hay không.
Đối với trường hợp đối tượng bị áp dụng không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng xử lý hành chính thì Nghị định số 221/2013/NĐ-CP quy định tại Điều 14 là sẽ giao những người này cho tổ chức xã hội quản lý, tổ chức này phải đảm bảo những điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị; nhân sự chuyên môn về y tế. Thực tế các địa phương không có tổ chức xã hội nào vừa có điều kiện như quy định Điều 14, vừa có thể đảm bảo các đối tượng nghiện sẽ phối hợp chịu quản lý. Ở Đà Nẵng có cách làm sáng tạo là giao cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành lập Cơ sở quản lý người nghiện ma tuý không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở này có cùng địa điểm tại Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề 05 – 06 thành phố Đà Nẵng
Một số kiến nghị, đề xuất:
Một là, liên ngành Trung ương có văn bản hướng dẫn đối với những khó khăn, vướng mắc nêu trên nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xét đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nói riêng và việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân nói chung.
Hai là, cần có hướng dẫn thống nhất quy trình xác minh và phối hợp giữa các địa phương trong việc xác minh nơi cư trú của người bị đề nghị, đảm bảo thời gian lập hồ sơ ngắn nhưng vẫn đầy đủ, chính xác, đúng quy định của pháp luật.
Ba là, giai đoạn lập hồ sơ là giai đoạn người bị đề nghị cần người bảo vệ quyền và lợi ích của mình nhất. Do đó, pháp luật cần quy định cụ thể về quyền có người bảo vệ cho họ ngay từ thời điểm bị lập biên bản vi phạm hành chính.
Bốn là, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND cho người dân, quyền và nghĩa vụ của họ khi họ hay người thân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Năm là, VKSND tối cao đưa vào số liệu báo cáo thống kê chính thức của ngành đối với công tác kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.
Phan Trường Sơn – VKSND Đà Nẵng
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
Bài viết chưa có bình luận nào.