Quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em

18/12/2018 10:23

(kiemsat.vn)
Trẻ em là thế hệ mầm non - tương lai của đất nước, cần được chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trong những điều kiện tốt nhất bởi gia đình, nhà trường và xã hội. Pháp luật Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến trẻ em, xem trẻ em là nguồn hạnh phúc của gia đình, là tương lai của dân tộc, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời trang bị hành lang pháp luật để bảo vệ trẻ em khỏi sự xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.

1. Luật trẻ em và các văn bản liên quan 

Luật trẻ em năm 2016, sửa đổi bổ sung năm 2018 đã đưa ra khái niệm xâm hại tình dục trẻ em tại Điều 4, điểm 8:

“ Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức”.

Xâm hại tình dục trẻ em là một trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại mục 3 Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm: 

“3. Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em”.

Điều 25. Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục quy định rõ:

“Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục”.

Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em, trong đó nêu rõ tại:

“Điều 13. Trẻ em bị xâm hại tình dục

1. Trẻ em bị hiếp dâm.

2. Trẻ em bị cưỡng dâm.

3. Trẻ em bị giao cấu.

4. Trẻ em bị dâm ô.

5. Trẻ em bị sử dụng vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức”.

Các trường hợp trẻ em nêu trên “được tham gia vào các vấn đề về trẻ em và được bảo vệ”.

Chỉ thị số 18/CT-TTg, ngày 16/5/2017, của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em đã chỉ đạo tại điểm 8:

“8. Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao

a) Chỉ đạo Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp tiếp nhận, giải quyết kịp thời, xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; rà soát hồ sơ, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em để xử lý dứt điểm, không để tồn đọng, kéo dài;

b) Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật đối với các điều của Bộ luật Hình sự quy định về xâm hại tình dục trẻ em để giải quyết vướng mắc trong công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với loại tội phạm này”.

 - Ngày 15/6/2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 856/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về trẻ em. Trong các ủy viên của Ủy ban có lãnh đạo Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao.  Trong đó, Ủy ban có nhiệm vụ: giải quyết các vấn đề về trẻ em, thực hiện quyền trẻ em; thực hiện các vấn đề liên quan đến trẻ em và thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. 

Ngày 21/92018 Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 02 quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên, tại khoản 2 Điều 4 quy định “Vụ án hình sự có bị cáo từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm một trong các tội đặc biệt nghiêm trong quy định tại các điều … 142, 144…BLHS. Các vụ án này được thực hiện theo thủ tục xử kín, thân thiện với trẻ em.

Các quy định trên thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, yêu cầu xử lý nghiêm minh đối với các hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

Ảnh minh họa

2. Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

Các tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 tại Chương XIV: Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người) gồm 5 điều luật cụ thể sau:

- Điều 142 - Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi;

- Điều 144 - Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;

- Điều 145 - Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi;

- Điều 146 - Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi;

- Điều 147 - Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.

Trong đó, người phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi  và tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể phải chịu mức án cao nhất là chung thân hoặc tử hình.

BLHS năm 2015 so với BLHS năm 2003 đã cụ thể hoá một số khái niệm: “Người đã thành niên” được thay bằng “người đủ 18 tuổi trở lên”; “nhiều người” được thay bằng “từ 02 người trở lên”; “nhiều lần” được thay bằng “từ 02 lần trở lên”; “gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật..” được thay bằng “gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật...”.

Trong BLHS năm 2015, khái niệm “hiếp dâm trẻ em” được thay bằng “dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ” hoặc “giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi”. Theo đó, khái niệm “cưỡng dâm trẻ em”, “giao cấu với trẻ em”, “dâm ô với trẻ em” cũng được đưa ra khái niệm cụ thể để đảm bảo tính thống nhất trong cách hiểu và quá trình áp dụng của các cơ quan có thẩm quyền.

- Nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự được thể hiện qua việc cụ thể hoá ở mức tối đa các tình tiết định khung của từng tội phạm trong nhóm tội. Cụ thể:

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45% (Điều 142, 144,145,146);

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 46% trở lên (Điều 142, 144,145,146);

+ Phạm tội đối với người dưới 10 tuổi (Điều 142);

+ Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh (Điều 145);

+ Làm nạn nhân tự sát (Điều 146).

- Về khung hình phạt và hình phạt bổ sung. Cụ thể như sau:

+ Khoản 3, Điều 143, BLHS 2015 tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi quy định mức hình phạt tù là 10 năm đến 18 năm thay cho mức phạt từ 7 năm đến 18 năm tại khoản 3, Điều 113, BLHS 1999.

+ So với Điều 155, BLHS 1999, Điều 145, BLHS 2015 bổ sung thêm khoản 4 quy định về hình phạt bổ sung là người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm. Sự thay đổi này thể hiện mức độ nguy hiểm của hành vi đã tăng lên dẫn đến quy định mức răn đe đối với hành vi phạm tội cũng phải có sự tăng tiến tương xứng.

- Điều 147 (BLHS 2003 không quy định): Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm...”).

Xem thêm>>>

Thầy giáo dâm ô học sinh: Hình phạt nào đền bù được nỗi đau trẻ thơ?

Giải quyết kịp thời, xử lý nghiêm các vụ xâm hại trẻ em

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang