Phương hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra VKSNDTC

15/04/2017 05:49

(kiemsat.vn)
Trên cơ sở chủ trương, định hướng cải cách tư pháp và tổng kết thực tiễn hoạt động của CQĐT trong thời gian qua, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của CQĐT VKSNDTC trong thời gian tới cần có phương hướng, định hướng rõ ràng, cụ thể.

1. Quan điểm chỉ đạo đổi mới tổ chức và hoạt động của CQĐT VKSNDTC

Thứ nhất, việc đổi mới phải dựa trên quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước ta về cải cách tư pháp, với mục tiêu tăng cường sự phối hợp, phân công và kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp; đồng thời đổi mới tổ chức, hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân cần đặt trong tổng thể của quá trình cải cách tư pháp, bảo đảm các điều kiện để Viện kiểm sát nhân dân thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; đảm bảo mọi hành vi vi phạm, tội phạm phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh; hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án… tuân thủ đúng quy định pháp luật, các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân được tôn trọng và bảo vệ.

Thứ hai, việc đổi mới trên cơ sở tổng kết lý luận, thực tiễn và quy định pháp luật về địa vị pháp lý, thẩm quyền điều tra và mối quan hệ giữa hoạt động điều tra của CQĐT VKSNDTC với chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; kế thừa những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập; đồng thời, tham khảo tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng mô hình, thẩm quyền điều tra của CQĐT VKSNDTC phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp và đặc thù của Việt Nam, từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Thứ ba, việc đổi mới nhằm xây dựng CQĐT ngày càng hoàn thiện về tổ chức, chuyên nghiệp trong hoạt động, trở thành công cụ sắc bén trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân, góp phần củng cố, nâng cao uy tín và bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh của các cơ quan tư pháp, đảm bảo hoạt động của các cơ quan tư pháp tuân thủ đúng quy định và tôn trọng pháp luật, cán bộ các cơ quan tư pháp chuẩn mực về phẩm chất đạo đức, khách quan, trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Thứ tư, việc đổi mới phải đáp ứng được tính chất đặc thù đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp ở nước ta và xu hướng, diễn biến của tội phạm này trong thời gian tới; với phương châm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi có dấu hiệu tội phạm, làm rõ các nguyên nhân điều kiện làm phát sinh tội phạm để kiến nghị các giải pháp phòng ngừa, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Thứ năm, đổi mới tổ chức và hoạt động của CQĐT Viện kiểm sát theo nguyên tắc bảo đảm tăng cường sự phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng các cấp trong đó có hệ thống CQĐT khác (trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân). Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống Viện kiểm sát nhân dân, trong đó CQĐT VKSNDTC giữ vai trò nòng cốt, Viện kiểm sát nhân dân các cấp phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ đắc lực từ việc phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm thuộc thẩm quyền.

Thứ sáu, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của CQĐT Viện kiểm sát phải bảo đảm lộ trình hợp lý để vừa tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, vừa củng cố, tăng cường về tổ chức, đảm bảo về nguồn lực, từng bước nâng cao chất lượng điều tra, xử lý tội phạm, khẳng định vị thế của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng.

2. Đổi mới về tổ chức, bộ máy hoạt động của CQĐT VKSND

2.1. Về tổ chức, bộ máy

Kể từ năm 2003, CQĐT VKSND chỉ được tổ chức ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ cấu gồm 05 phòng nghiệp vụ với 02 Đại diện thường trực tại miền Trung – Tây nguyên và miền Nam. Mô hình tổ chức này tuy có sự tập trung, thống nhất nhưng do không có đầu mối, hệ thống “chân rết” ở địa phương nên việc nắm, xử lý thông tin về tội phạm chưa đầy đủ, kịp thời. Việc một Phòng nghiệp vụ phải tiến hành điều tra tội phạm trải rộng trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, nhiều nơi địa hình đi lại khó khăn, hiểm trở, đặc biệt có nơi cách trụ sở Cơ quan điều tra gần 1.000 km, dẫn đến hoạt động điều tra gặp rất nhiều khó khăn.

Sau khi BLTTHS năm 2015, Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Luật Tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 quy định mở rộng về thẩm quyền điều tra, chủ thể tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra đến cán bộ cấp xã, phường và quy định thêm các chức năng, nhiệm vụ mới cho CQĐT như: Áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; tổ chức trực ban hình sự; thực hiện các quyền tiến bộ đối với bị can… thì việc thành lập thêm một số phòng nghiệp vụ theo hướng kết hợp giữa điều tra chuyên sâu với điều tra gắn với địa bàn là hết sức cần thiết.

Để kịp thời đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ theo các quy định mới của pháp luật, trong thời gian qua, VKSNDTC đã từng bước kiện toàn bộ máy tổ chức của CQĐT VKSNDTC. Đã thành lập được 02 phòng nghiệp vụ theo hướng chuyên sâu, đó là Phòng điều tra tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (Phòng 6) nhằm đáp ứng yêu cầu điều tra chuyên sâu đối với loại tội phạm mà CQĐT VKSNDTC mới được giao thẩm quyền. Cùng với đó, CQĐT được thành lập Phòng kỹ thuật hình sự (Phòng 7) nhằm đáp ứng yêu cầu của việc tiến hành các biện pháp điều tra đặc biệt; thực hiện các hoạt động kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của các đạo luật mới về tư pháp như cho bị can đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa khi kết thúc điều tra, ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can tại trụ sở CQĐT VKSNDTC, thực hiện nhiệm vụ khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi…

Ngày 22/02/2017, Viện trưởng VKSNDTC đã chỉ đạo thành lập các Phòng nghiệp vụ thuộc CQĐT theo hướng gắn với địa bàn nhằm đảm bảo việc nắm bắt, xử lý thông tin và thực thi công vụ được kịp thời. Theo đó, thành lập 03 phòng nghiệp vụ gồm: Phòng điều tra tội phạm xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc (gồm 09 tỉnh), trụ sở tại tỉnh Yên Bái; Phòng điều tra tội phạm xảy ra tại các tỉnh Tây Nguyên (gồm 05 tỉnh), trụ sở tại tỉnh Đắk Lắk và Phòng điều tra tội phạm xảy ra tại các tỉnh miền Tây Nam bộ (gồm 09 tỉnh, thành phố), trụ sở tại thành phố Cần Thơ. Khi có đủ điều kiện thì sẽ xem xét, thành lập các Đại diện thường trực Cơ quan điều tra tại các khu vực này. Đồng thời, để đảm bảo cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn nghiệp vụ cũng như để phù hợp với quy định của Luật Tổ chức CQĐT hình sự, khi có đủ điều kiện đề xuất đổi tên Phòng tham mưu – Tổng hợp thành Văn phòng CQĐT VKSNDTC để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặc thù của CQĐT.

2.2. Về lực lượng điều tra

Cùng với việc thành lập thêm các phòng nghiệp vụ mới, CQĐT VKSNDTC cần thực hiện việc xây dựng lực lượng điều tra bảo đảm về số lượng và chất lượng. Trong đó, cần tuyển dụng đủ chỉ tiêu biên chế được giao để đảm bảo việc thực hiện các hoạt động của các phòng mới thành lập. Việc tuyển dụng công chức cần đảm bảo năng lực cán bộ được tuyển dụng, quan tâm đến tác phong, sở trường, kinh nghiệm công tác, đặc biệt là tố chất của cán bộ làm công tác điều tra. Việc tuyển dụng cần xem xét nguồn cán bộ theo từng địa bàn để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặc thù của CQĐT VKSNDTC, hạn chế việc tuyển chọn người ở khu vực này nhưng bố trí công tác ở khu vực khác làm ảnh hưởng tới kết quả công tác; trong đó, đặc biệt ưu tiên tuyển dụng cán bộ trẻ, được đào tạo chính quy về nghiệp vụ điều tra hình sự.

Thực hiện tốt việc rà soát, đánh giá cán bộ để có kế hoạch bố trí, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ hợp lý, phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn. Xây dựng quy hoạch cán bộ ngắn hạn và dài hạn, đảm bảo chủ động nguồn bổ sung cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Đội ngũ lãnh đạo CQĐT phải được tăng cường, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành với đặc thù hoạt động tập trung, nêu cao tính phục tùng, chỉ huy trong hoạt động điều tra, gắn liền với tổng thể việc điều chỉnh quy mô, biên chế phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm thuộc thẩm quyền.

Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp có đặc thù phức tạp, đòi hỏi đội ngũ Điều tra viên được bổ sung đủ về số lượng, đồng thời phải có sự nhận thức đầy đủ, đúng đắn các quy định pháp luật ở nhiều lĩnh vực, có phẩm chất tốt, bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ vững vàng, có kinh nghiệm điều tra mới đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm này.

2.3. Phương hướng đổi mới hoạt động của CQĐT VKSNDTC

Trọng tâm đổi mới hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong thời gian tới cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Một là, nâng cao năng lực phát hiện, điều tra tội phạm, thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động điều tra tội phạm với các công tác kiểm sát nhằm bảo đảm thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND. Thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra, bảo đảm việc khởi tố, điều tra, xử lý các tội phạm thuộc thẩm quyền có căn cứ, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

Hai là, đổi mới phương pháp thu thập, quản lý thông tin về tội phạm; tập trung xây dựng mạng lưới cơ sở cung cấp thông tin, cộng tác viên để chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp xảy ra trên toàn quốc; nâng cao trách nhiệm cung cấp thông tin về tội phạm trong nội bộ ngành Kiểm sát nhân dân và có cơ chế khuyến khích, động viên, mua thông tin về tội phạm từ các nguồn khác; phát huy sức mạnh của nhân dân và các nguồn thông tin đại chúng trong việc tố giác, phát hiện tội phạm; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng để trao đổi thông tin. Bên cạnh việc duy trì hòm thư tố giác tội phạm ở các trụ sở CQĐT, Viện kiểm sát các cấp, cần xây dựng trang web, hộp thư điện tử, số điện thoại đường dây nóng… để tiếp nhận các thông tin về tội phạm.

Ba là, tiếp tục triển khai thực hiện kịp thời, chặt chẽ, thống nhất các đạo luật về tư pháp; nhất là những nội dung có liên quan đến hoạt động của CQĐT VKSNDTC; chủ động nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan hướng dẫn, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức triển khai thực hiện các đạo luật mới về tư pháp được thông qua và có hiệu lực thi hành trong thời gian tới như: BLHS, BLTTHS, Luật Tổ chức CQĐT hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam…

Bốn là, chú trọng công tác phòng ngừa tội phạm, tích cực phát hiện nguyên nhân, điều kiện phạm tội, những sơ hở thiếu sót trong công tác quản lý để kiến nghị với các cơ quan tư pháp xử lý và phòng ngừa vi phạm, tội phạm. Hoạt động phòng ngừa không chỉ dừng ở những vụ, việc cụ thể mà cần tổng hợp để có những kiến nghị chung về những vi phạm, thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý nhà nước có tính hệ thống, tính phổ biến, chú trọng phát hiện và kiến nghị hoàn thiện pháp luật, sửa đổi, bổ sung những cơ chế quản lý không còn phù hợp…

Năm là, tăng cường phối hợp, chế ước, ký kết và ban hành quy định phối hợp công tác giữa giữa CQĐT VKSNDTC với đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSNDTC. Bảo đảm việc phát hiện, khởi tố, điều tra các vụ án của CQĐT có sự phối hợp tích cực; đồng thời có sự kiểm sát chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

Sáu là, chủ động phối hợp với Vụ tổ chức cán bộ VKSNDTC, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Học viện Cảnh sát nhân dân – Bộ Công an và các cơ sở đào tạo khác mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm quán triệt các quy định mới của pháp luật về hoạt động của các cơ quan tư pháp, nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng cho Điều tra viên, công chức, nhất là lớp cán bộ trẻ mới được tuyển dụng.

Bảy là, tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị ngoài ngành Kiểm sát trong việc phối hợp trao đổi thông tin về tội phạm, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, thực hiện việc giám định, thu thập chứng cứ, tài liệu, giam giữ, quản lý đối tượng, bị can, nhất là việc áp dụng các quy định mới của pháp luật trong quá trình điều tra, xử lý vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của CQĐT VKSND.

Tám là, xây dựng Đề án “Tăng cường năng lực CQĐT VKSNDTC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015” và triển khai thực hiện trên thực tế nhằm hoàn thiện về tổ chức bộ máy, tăng cường biên chế, trang thiết bị, phương tiện, công cụ làm việc, chế độ đãi ngộ… cho CQĐT VKSNDTC, đáp ứng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với ngành Kiểm sát nhân dân nói chung, CQĐT VKSND nói riêng.

TS. Nguyễn Hải Phong

Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC

Trích bài “Đổi mới tổ chức, hoạt động của CQĐT VKSNDTC đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” của tác giả TS. Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC, TCKS số 8/2017.

Bài liên quan: Sự cần thiết phải đổi mới tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra VKSNDTC

Bài 1: Tổ chức bộ máy, hoạt động của CQĐT VKSND từ khi thành lập đến năm 2003

(Kiemsat.vn) - Ngày 18/4/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 12/L-CTN công bố Pháp lệnh quy định về bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao. Điều 5 của Pháp lệnh này quy định VKSND tối cao có 8 đơn vị, trong đó có Vụ điều tra thẩm cứu, đánh dấu sự ra đời của lực lượng điều tra trong VKSND.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang