Nội dung cơ bản của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017

29/03/2018 16:08

(kiemsat.vn)
Người thi hành công vụ gây ra thiệt hại thì phải hoàn trả. Người có lỗi cố ý gây ra thiệt hại thì phải hoàn trả tiền bồi thường nhiều hơn người có lỗi vô ý, là nội dung được sửa đổi, bổ sung trong Luật TNBT của nhà nước năm 2017.

 

Luật TNBTCNN năm 2017 gồm 9 chương và 73 điều luật. So với Luật TNBTCNN năm 2009 thì đã sửa đổi, bổ sung 54 /67 điều, bỏ 13 điều và quy định mới 24 điều.

Ảnh minh họa

Những nội dung mới sửa đổi, bổ sung bao gồm:

Về phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 1):

Luật TNBTCNN năm 2017 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh từ 5 nhóm vấn đề  được quy định tại Điều 1 của Luật TNBTCNN năm 2009 (người được bồi thường, thủ tục giải quyết bồi thường, quyền nghĩa vụ của người bị thiệt hại, kinh phí bồi thường, trách nhiệm hoàn trả của người gây ra thiệt hại) đã được bổ sung thêm 02 vấn đề đó là: Cơ quan giải quyết bồi thường và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.

Về đối tượng được bồi thường:

Tại Điều 2 của Luật TNBTCNN năm 2009 quy định: “Cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần (sau đây gọi chung là người bị thiệt hại) trong các trường hợp quy định tại Luật này, thì được nhà nước bồi thường”. Nội dung điều luật này đã được sửa đổi và quy định tại Điều 2 của Luật TNBTCNN năm 2017 như sau: “Cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Luật này” (các từ được gạch chân là nội dung sửa đổi).

Về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước:

Kịp thời, công khai, đúng pháp luật.

- Được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường với người bị thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của họ;

- Được trả một lần bằng tiền, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Theo quy định của Điều 4 của Luật TNBTCNN năm 2017  thì có 5 nguyên tắc bồi thường của nhà nước (tăng 02 nguyên tắc so với Luật TNBTCNN năm 2009), đó là: (1) Việc bồi thường của Nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật này; (2) Việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này. Việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại theo quy định tại Mục 1 Chương V của Luật này; (3) Người yêu cầu bồi thường đã yêu cầu một trong các cơ quan giải quyết bồi thường quy định tại khoản 7 Điều 3 của Luật này giải quyết yêu cầu bồi thường và đã được cơ quan đó thụ lý giải quyết thì không được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 52 của Luật này; (4) Nhà nước giải quyết yêu cầu bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường hoặc kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án đối với yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự theo quy định của Luật này; (5) Trường hợp người bị thiệt hại có một phần lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì Nhà nước chỉ bồi thường phần thiệt hại sau khi trừ đi phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người bị thiệt hại.

Về thời hiệu yêu cầu bồi thường:

Tại Điều 5 của Luật TNBTCNN năm 2009 quy định thời hiệu yêu cầu bồi thường là 02 năm, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường.

Tuy nhiên, thực tế giải quyết bồi thường đã chỉ ra rằng, thời hiệu này đã hạn chế thời hạn yêu cầu của người bị thiệt hại. Bởi lẽ, từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường đến ngày người bị thiệt hại nhận được văn bản nói trên cũng mất một khoảng thời gian nhất định. Mặt khác, có nhiều trường hợp, người bị thiệt hại bị ốm đau hoặc vì một lý do chính đáng khác mà họ không thể thực hiện được quyền yêu cầu bồi thường của mình trong thời hiệu yêu cầu. Quy định của pháp luật đã không tính khoảng thời gian mà họ đã không thể thực hiện quyền yêu cầu của mình là không đảm bảo cho quyền lợi của  người bị thiệt hại. Khắc phục điểm bất hợp lý này, Điều 6 của Luật TNBTCNN năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung thời hiệu yêu cầu bồi thường như sau: Tăng thời hiệu yêu cầu bồi thường từ hai năm lên ba năm, sửa đổi thời điểm bắt đầu tính thời hiệu là kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường và bổ sung thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường là thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan hoặc chưa có người đại diện theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm hoàn trả:

Mặc dù Luật TNBTCNN năm 2009 đã có quy định trách nhiệm hoàn trả, nhưng tại khoản 2 Điều 56 của Luật này quy định: “Người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại… không phải chịu trách nhiệm hoàn trả”, đồng thời, cũng không quy định về mức hoàn trả cụ thể. Thực tế đã cho thấy, nhà nước đã phải bồi thường rất nhiều trường hợp, nhưng nhà nước  thu được rất ít khoản tiền hoàn trả (Theo số liệu của báo cáo tổng kết 6 năm thi hành Luật TNBTCNN năm 2009 của Bộ Tư pháp thì, kể từ ngày Luật TNBTCNN năm 2017 có hiệu lực đến ngày 31/12/2015, các cơ quan có TNBT đã thụ lý, giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó, đã giải quyết được 204 vụ việc (đạt tỷ lệ 79%), với tổng số tiền nhà nước phải bồi thường là 111 tỷ 149 triệu 416 nghìn đồng. Cũng theo báo cáo này thì, số lượng vụ việc đã thực hiện trách nhiệm hoàn trả là 22 vụ việc, với tổng số tiền là 676 triệu 742 nghìn đồng. Cụ thể: Trong lĩnh vực quản lý hành chính có 09 vụ việc, với tổng số tiền hoàn trả là 388 triệu 213 nghìn đồng; trong lĩnh vực thi hành án dân sự có 12 vụ việc, với số tiền hoàn trả là 280 triệu đồng; trong ngành Tòa án có 01 vụ việc, với số tiền hoàn trả là 8 triệu 529 nghìn đồng.

Để khắc phục tình trạng trên, Luật TNBTCNN năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung và quy định từ Điều 64 đến Điều 72 với các nội dung cơ bản sau: Người thi hành công vụ gây ra thiệt hại thì phải hoàn trả. Người có lỗi cố ý gây ra thiệt hại thì phải hoàn trả tiền bồi thường nhiều hơn người có lỗi vô ý. Cụ thể là, mức hoàn trả của người có lỗi cố ý là từ 30 đến 50 tháng lương của người đó tại thời điểm có quyết định hoàn trả. Mức hoàn trả tối đa là 50% số tiền mà nhà nước đã bồi thường. Đối với người có lỗi vô ý thì tiền hoàn trả từ 03 đến 05 tháng lương và mức hoàn trả tối đa là 50% số tiền mà nhà nước đã bồi thường.

Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại và bị truy tố trước Tòa án và bản án của Tòa án tuyên bố người đó phạm tội thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

Quy định trách nhiệm hoàn trả đối với người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là để người thi hành công vụ đề cao trách nhiệm cá nhân về việc tuân theo pháp luật trong khi thi hành công vụ, hạn chế việc người thi hành công vụ gây ra thiệt hại cho cá nhân, tổ chức. Có như vậy mới đảm bảo nâng cao được uy tín của bộ máy nhà nước ta.

Nghiên cứu Luật TNBTCNN năm 2017 tác giả thấy ngoài những nội dung sửa đổi, bổ sung còn có một số quy định mới như sau: Quy định mới về văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong các hoạt động như: Hoạt động quản lý hành chính, hoạt động tố tụng hình sự, hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, hoạt động thi hành án hình sự, hoạt động thi hành án dân sự;

Quy định mới về giải quyết yêu cầu bồi thường: đó là: Hoãn  giải quyết yêu cầu bồi thường, Tạm đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường (Điều 50) Đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường (Điều 51); trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại chết; về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước, đó là: Trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước; trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Điều 74), trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Điều 75).

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang