Nhờ mua thẻ cào điện thoại: Chiêu trò cũ, vẫn bị lừa

06/12/2017 09:18

(kiemsat.vn)
– Nhắn tin qua điện thoại, facebook hoặc zalo giả là người thân quen nhờ nạp thẻ card điện thoại để chiếm đoạt tiền… là thủ đoạn không mới nhưng vẫn không ít người bị mắc lừa và rước bực vào mình.

Cuối tháng 9 vừa qua, anh N.Đ.C (phố Chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội ) nhân viên lái xe của một chi nhánh du lịch trên đường Phạm Văn Đồng đã bị lừa nạp thẻ card điện thoại mất 1 triệu đồng. Anh C kể, hôm đó khi đang lái xe thì nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ, nội dung tự xưng là anh trưởng phòng khách hàng công ty nhắn “anh đang làm việc với khách hàng thì tài khoản điện thoại hết tiền. Em mua giúp anh thẻ Vina, 2 cái loại 500k (năm trăm ngàn đồng) nhé. Lát về anh gửi lại. Cảm ơn em”. Do mới vào làm, không muốn phiền lòng “sếp” nên anh Cường tức tốc đi mua thẻ, cào mã số rồi gửi cho anh trưởng phòng…

Nhờ mua thẻ cào điện thoại: Chiêu trò cũ, vẫn bị lừa Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Hôm sau, rồi nhiều ngày sau nữa mỗi lần đến chỗ làm đều gặp anh trưởng phòng, nhưng anh C khá ngạc nhiên vì không thấy anh ấy đả động gì về việc trả tiền nhờ nạp thẻ card điện thoại. Nghe đồng nghiệp nói có thể đã bị lừa, nên dù rất ngại nhưng anh C vẫn mạnh dạn hỏi và anh trưởng phòng khẳng định chưa bao giờ nhờ nạp thẻ card, bởi lâu nay anh dùng thuê bao trả sau.

Bắt kẻ ‘đột nhập’ facebook chiếm đoạt hàng trăm triệu

Báo congan.nhandan đưa tin, ngày 24/2, Thượng tá Nguyễn Văn Thương, Trưởng phòng An ninh kinh tế CATP Cần Thơ cho biết, đơn vị vừa triệt phá thành công vụ đối tượng Nguyễn Hùng Dương (22 tuổi trú tại tỉnh Quảng Trị; tạm trú tại quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản ”.

Nhờ mua thẻ cào điện thoại: Chiêu trò cũ, vẫn bị lừa Đối tượng dương tại cơ quan điều tra (nguồn internet)

Theo điều tra, vào tháng 10/2015, Phòng An ninh kinh tế Công an TP Cần Thơ, nhận được đơn tố cáo của bà P.T.H (ngụ tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) về việc bị một đối tượng giả danh, đột nhập vào facebook của em gái bà đang định cư tại Canada, để lừa đảo chiếm đoạt 50 triệu đồng bằng cách mua các thẻ cào điện thoại. Quá trình điều tra, Công an TP Cần Thơ xác định, Dương chính là “tác giả” của phi vụ lừa đảo. Dương đã dùng mạng internet xâm nhập vào tài khoản facebook của hàng chục người để thực hiện hành vi lừa đảo với số tiền chiếm đoạt gần 300 triệu đồng. Trong đó, trường hợp của bà P.T.H với số tiền bị chiếm đoạt nhiều nhất là 50 triệu đồng; số tiền còn lại là của những bị hại ở TP Hồ Chí Minh, Cà Mau, Bến Tre, Hà Nội…

Làm gì để khỏi phải mất tiền oan…

Hiện nay nhiều hacker rất giỏi “hack” hoạt động xâm nhập vào hệ thống trái phép nhằm chiếm tài khoản của người khác để thay đổi thông số, tính năng… trên mạng xã hội. Qua đó, họ gửi các đường link có chứa mã độc để chiếm quyền đăng nhập tài khoản facebook, zalo của người dùng rồi “chat” với bạn bè của nickname này trên danh nghĩa chủ tài khoản, sau đó nhờ nạp tiền điện thoại hoặc nhờ chuyển tiền cho mượn. Nhiều người không biết, nghĩ đó là người thân, bạn bè nên đã mua thẻ card, thậm chí mau chóng chuyển tiền theo yêu cầu.

Nhờ mua thẻ cào điện thoại: Chiêu trò cũ, vẫn bị lừa Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Vì vậy, mọi người nên cũng nên lưu ý khi nhận được đường link lạ với gợi ý vào xem bằng cách điền địa chỉ email và mật khẩu thì người nhận không nên “tò mò” mở xem đường link này.

Riêng vấn đề kẻ xấu “chiếm dụng” được số điện thoại di động của ai đó rồi nhắn tin nhờ nạp card chuyển tiền, đến nay những nhà mạng cũng chưa ngăn chặn được. Vì thế, để khỏi bị lừa khi nhận được tin nhắn yêu cầu chuyển tiền hoặc nạp card điện thoại, cách tốt nhất hãy gọi lại cho người đã nhắn tin để xác minh; hoặc từ chối yêu cầu của người đó khi thấy tin nhắn hoặc cuộc gọi có dấu hiệu khả nghi.

Khi bị lừa cũng đừng tặc lưỡi “của đi thay người’ …

Theo Điều 101 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác.

Nhờ mua thẻ cào điện thoại: Chiêu trò cũ, vẫn bị lừa

Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Do vậy, khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, bạn có thể tố cáo hành vi này đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận, huyện, nơi người đó cư trú. Nếu không xác định được nơi cư trú của người đó, bạn có thể làm đơn tố cáo gửi Công an quận, huyện, nơi bạn cư trú. Trong đơn tố cáo, bạn cần trình bày rõ nội dung sự việc và gửi kèm các bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo là có cơ sở (nội dung tin nhắn trên điện thoại, qua facebook, số điện thoại, địa chỉ facebook…).

Tùy tính chất, mức độ, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự hoặc xử lý hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Anh Nga
(tổng hợp)

Xem các tin có liên quan >>>>>

BLHS 2015: Điểm mới đáng chú ý của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Điểm mới về chứng cứ và thu thập chứng cứ trong BLTTHS 2015

Biên soạn lại giáo trình giảng dạy liên quan đến BLHS năm 2015

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang