Một người có thể bị áp dụng hai biện pháp ngăn chặn?

10/04/2018 15:08

(kiemsat.vn)
Thực tiễn hiện nay đặt ra vấn đề liệu một người thực hiện hành vi phạm tội có thể bị áp dụng hai biện pháp ngăn chặn cùng một lúc được hay không?

Ảnh minh họa

Để kịp thời ngăn chặn tội phạm và phòng ngừa khi người phạm tội có dấu hiệu sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc để đảm bảo thi hành án thì Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 đã quy định các biện pháp ngăn chặn cho phép người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng 08 biện pháp ngăn chặn: Giữ người trong trường hợp khẩn cấp; bắt; tạm giữ; tạm giam; bảo lĩnh; đặt tiền để bảo đảm; cấm đi khỏi nơi cư trú; tạm hoãn xuất cảnh.

Trong thực tiễn từ trước đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng thường chỉ  áp dụng một trong số các biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, mà không đồng thời áp dụng hai biện pháp ngăn chặn đối với một người. Nhiều ý kiến cho rằng, một người phạm tội không thể bị áp dụng cùng lúc hai biện pháp ngăn chặn. Ví dụ như: không thể vừa áp dụng biện pháp tạm giữ, vừa áp dụng biện pháp tạm giam, hoặc vừa áp dụng biện pháp tạm giam, vừa áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

Tuy nhiên, kể từ khi Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành đến nay đã phát sinh một số vấn đề cần phải được hướng dẫn. Trong đó có việc áp dụng hai biện pháp ngăn chặn cùng một lúc đối với một người phạm tội. Trường hợp sau đây là một ví dụ:

Ngày 12/9/2017, Lê Thị T, trú tại tỉnh KG đã cùng Đoàn Thanh H trú tại tỉnh ĐL mua bán và vận chuyển trái phép 28,129m3 gỗ từ nhóm III đến nhóm VIII của ông Đoàn Văn L. Khi vận chuyển đến địa phận huyện E, tỉnh ĐL thì bị lực lượng Công an tỉnh phát hiện, kiểm tra, thu giữ và chuyển cho Công an huyện E xử lý. Ngày 26/02/2018, Cơ quan CSĐT Công an huyện E ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng, theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 1999.

Ngày 16/3/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện E ra Quyết định khởi tố bị can đối với Lê Thị T và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú cùng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Cơ quan CSĐT Công an huyện E đã có văn bản đề nghị VKSND huyện E phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can và thông báo về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn cho VKSND huyện E.

Trong vụ án này, Lê Thị T phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, mặc dù không cư trú tại địa phương nhưng Lê Thị T có nơi cư trú rõ ràng tại tỉnh xã CD, huyện PG, tỉnh KG và không thuộc các trường hợp bị áp dụng biện pháp tạm giam theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Cơ quan CSĐT Công an huyện E đã ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và Quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với T.

Lý giải cho việc áp dụng cùng lúc hai biện pháp ngăn chặn đối với một người phạm tội là vì Lê Thị T không cư trú tại địa phương nên để đảm bảo công tác điều tra CQĐT đã ra Lệnh Cấm đi khỏi nơi cư trú đối với T, hạn chế tự do đi lại đối với T và thuận tiện trong quá trình làm việc với T. Bên cạnh đó, để phòng ngừa việc T vi phạm Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, bỏ trốn, xuất cảnh ra nước ngoài thì cần phải áp dụng thêm biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với T, vì tỉnh KG là tỉnh có đường biên giới trên đất liền và trên biển giáp với quốc gia khác nên việc xuất cảnh ra nước ngoài là không khó, hơn nữa huyện E, tỉnh ĐL và huyện PQ, tỉnh KG có khoảng cách địa lý rất xa nên việc quản lý, giám sát đối tượng rất khó khăn.

Từ vụ án trên có thể thấy một số bất cập trong quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 như sau:

Thứ nhất, là về căn cứ tạm giam, theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì để xác định như thế nào là không có nơi cư trú rõ ràng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn, mà theo Luật cư trú thì nơi cư trú của Công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống, là nơi công dân thường trú hoặc tạm trú. Vì vậy, như trường hợp trên thì Lê Thị T hoàn toàn có nơi cư trú hợp pháp. Nhưng nơi cư trú hợp pháp và nơi cư trú rõ ràng khác nhau như thế nào thì chưa có hướng dẫn và cũng không thể coi việc bị can không cư trú tại địa phương là không có nơi cư trú rõ ràng.

Thứ hai, là về việc áp dụng cùng lúc hai biện pháp ngăn chặn đối với một người thực hiện hành vi phạm tội. Xét các lý giải của Cơ quan CSĐT Công an huyện E trong trường hợp trên thì rõ ràng việc áp dụng hai biện pháp ngăn chặn đối với Lê Thị T là hoàn toàn không thừa và nhằm mục đích phòng ngừa để đảm bảo cho công tác điều tra, cũng không làm xấu hơn đến tình trạng của bị can. Tuy nhiên, không có quy định nào của pháp luật đề cập đến vấn đề này, và người có thẩm quyền có được thực hiện khi luật không quy định hay chỉ được thực hiện những gì pháp luật cho phép?. Điều 109 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định “…cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp…” Có thể thấy Luật không quy định “có thể áp dụng một trong số các biện pháp…” nhưng cũng không quy định “có thể áp dụng các biện pháp…” và hiện nay cũng không có văn bản nào hướng dẫn về việc này.

Thứ ba, về biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, đây là một biện pháp ngăn chặn hoàn toàn mới được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Tuy nhiên, khái niệm về tạm hoãn xuất cảnh lại chưa cụ thể. Hiện nay, chỉ mới có Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là giải thích về thuật ngữ “tạm hoãn xuất cảnh” nhưng đối tượng áp dụng thì lại chỉ là người nước ngoài tại Việt Nam, còn tạm hoãn xuất cảnh đối với người Việt Nam trong nước thì chưa có văn bản nào quy định.

Một vấn đề nữa là biện pháp tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp hạn chế quyền tự do đi lại của người phạm tội ra khỏi biên giới lãnh thổ Việt Nam chứ không hạn chế quyền tự do đi lại trong nước, vì vậy nếu chỉ áp dụng một biện pháp ngăn chặn này đối với người phạm tội thì sẽ có lúc dẫn đến khó khăn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Nên theo ý kiến tác giả thì cần có hướng dẫn về biện pháp này theo hướng tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp ngăn chặn được áp dụng kèm theo các biện pháp ngăn chặn khác gồm: bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Xem thêm>>>

Biện pháp ngăn chặn phải được hủy bỏ trong những trường hợp nào?

Có thể áp dụng 05 biện pháp ngăn chặn cho việc xem xét yêu cầu dẫn độ

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang