Gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia ở Hà Giang: xử lý sai phạm thế nào?
(kiemsat.vn) Hành vi nâng điểm thi cho thí sinh khi chấm thi đã vi phạm nghiêm trọng Quy chế thi THPT Quốc gia. Ngày 17/7/18, Thủ tướng đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Thanh tra vụ bổ nhiệm gần 100 cán bộ trước khi nghỉ hưu trong 45 ngày
Cướp giật tại cửa hàng tiện ích: Nhận diện loại tội phạm mới
Những “kỷ lục” vô lý
Trường THPT Chuyên tỉnh Hà Giang (Ảnh: VTC News) |
Câu chuyện điểm thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang cao bất thường đang được dư luận quan tâm đặc biệt và chờ đợi kết luận cuối cùng. Như thông tin của Dân trí, trong kỳ thi quốc gia 2018, cả nước có hơn 925.000 thí sinh dự thi, trong đó Hà Giang có gần 5.500 thí sinh, tức là chỉ chiếm 5,9% số thí sinh của cả nước.
Tuy nhiên với số thí sinh ít ỏi như vậy, năm nay Hà Giang đã đạt được rất nhiều “kỷ lục”, vượt qua cả những địa phương có truyền thống dẫn đầu cả nước về số lượng thí sinh dự thi và kết quả thi.
Cả nước có 76 thí sinh có điểm thi khối A1 đạt từ 27 điểm trở lên, riêng tỉnh Hà Giang đã có 36 thí sinh đạt mức điểm này, chiếm 47,37%.
Số thí sinh đạt trên 27 điểm khối A (Toán - Lý - Hoá) của cả nước là 82, thì riêng Hà Giang có 29 (chiếm 35,3%). Đối với môn Vật lý, toàn tỉnh có 65 thí sinh đạt mức điểm từ 9 trở lên, trong khi số thí sinh đạt mức từ 8 đến dưới 9 chỉ 28.
Dù có nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay của Hà Giang lại chỉ đạt 89,35%, thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Và một điểm nữa, theo các chuyên gia, kết quả này trái quy luật, những thí sinh đạt mức từ 8 đến dưới 9 phải có tỷ lệ nhiều hơn từ 9 trở lên mới hợp lý.
Ngày 14/7, tổ công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên Hà Giang trực tiếp chỉ đạo, giám sát việc rà soát xác minh của hội đồng thi tại Hà Giang.
Buổi họp báo về kết quả rà soát sự việc điểm thi bất thường của các thí sinh (Ảnh: Zing.vn) |
13h30 ngày 17/7/2018, Bộ GD-ĐT phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức họp báo tại Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh công bố kết quả rà soát sự việc điểm thi bất thường của các thí sinh.
Báo Giáo dục Việt Nam đưa tin, kết quả xác minh ban đầu cho thấy ông Vũ Trọng Lương - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh. Ông Lương có rất nhiều tin nhắn liên quan tới hành vi sai phạm trong điện thoại cá nhân.
Ông Lương đã sử dụng máy quét máy tính của Sở Giáo dục tỉnh Hà Giang, ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả thì ông này tiến hành sửa điểm của thí sinh (chỉ mất 6 giây để xử lý một trường hợp). Trong khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ ông Lương đã mở khóa niêm phong, rút bài tẩy xóa theo đáp án cụ thể.
Cơ quan công an đang mở rộng điều tra, hiện tại chưa phát hiện thấy cá nhân, tổ chức nào hợp tác cùng ông Lương thực hiện hành vi sai phạm này. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang - ông Trần Đức Quý cho biết: “Đây là bài học xương máu cho Hà Giang. Việc công bố điểm thi thực hiện theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Hủy toàn bộ điểm trước đó với những trường hợp phát hiện sai phạm. Chuyện cha mẹ có mua điểm hay không cơ quan chức năng sẽ làm cụ thể”, dẫn theo Giáo dục Việt Nam.
Theo Vietnamnet cập nhật từ buổi họp báo, Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí Kiểm định Chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Có 102 bài thi Toán đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm).
Có 85 bài thi Vật lý đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm).
Có 56 bài thi Hóa đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 0,75; điểm đã công bố là 9,5 điểm).
Có 8 bài thi Sinh đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 4,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 4,75; điểm đã công bố là 9,0 điểm).
Có 9 bài thi Lịch sử đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 2,5; điểm đã công bố là 9,75 điểm).
Có 3 bài thi Địa lý đã chênh lên từ 1,25 điểm đến 3,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 6,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm).
Có 52 bài thi tiếng Anh đã chênh lên từ 1,4 điểm đến 7,8 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,2; điểm đã công bố là 9,0 điểm).
Có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Sẽ xử lý sai phạm như thế nào?
Ảnh minh họa (Nguồn: internet) |
Căn cứ quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT (ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT), người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi sẽ bị đình chỉ làm công tác thi và đề nghị cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định của pháp luật về công chức, viên chức để xử lý kỷ luật.
Điểm d, khoản 1, điều 48 Quy chế thi THPT quốc gia quy định:
"Buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có một trong các hành vi sai phạm sau đây:
- Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi;
- Làm lộ đề thi, mua, bán đề thi;
- Làm lộ số phách bài thi;
- Sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh;
- Cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm;
- Đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh;
- Gian dối trong việc sửa chữa học bạ, hồ sơ của thí sinh".
Ngoài các hình thức xử lý nêu trên, các cơ quan có thẩm quyền có thể cấm đảm nhiệm những công việc có liên quan đến thi từ 1 đến 5 năm đối với người thực hiện hành vi vi phạm.
Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ sai phạm, người có hành vi sửa điểm, nâng điểm có thể bị buộc thôi việc, bị đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, ngoài việc những cá nhân liên quan sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, kết quả thi của thí sinh có điểm cao bất thường cũng sẽ bị hủy. Nếu có việc người nhà thí sinh dùng tiền để mua chuộc người làm nhiệm vụ chấm thi sửa chữa đáp án, thêm vào bài làm của thí sinh, những cá nhân liên quan sẽ bị khép vào tội nhận hối lộ quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015, với khung hình phạt cao nhất cho người nhận hối lộ là 15 năm tù giam. Dẫn theo thông tin của Báo Lao động.
Quy trình xử lý bài thi trắc nghiệm
Theo quy định, quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm sẽ được thực hiện theo 4 pha sau:
Pha 1. Quét ảnh: Dùng máy quét ảnh (Scanner) tốc độ cao quét các bài thi theo từng lô đưa vào các thư Mục chứa ảnh.
Pha 2: Đọc ảnh (còn gọi là xử lý ảnh hay nhận dạng ảnh).
Xử lý ảnh để đọc các thông tin từ ảnh như số báo danh, mã đề và các phương án trả lời. Sau đó, xuất báo cáo Bộ GDĐT về trạng thái ban đầu của bài làm của thí sinh, chưa sửa lỗi (Đĩa CD1).
Chú ý: Sau khi xuất đĩa CD1, nội dung đã xuất này sẽ được giữ nguyên, kể cả trong trường hợp quét thêm dữ liệu thí sinh chưa quét, dữ liệu này vẫn không thay đổi. Dữ liệu quét mới sẽ được thể hiện ở đĩa CD2.
Pha 3: Sửa lỗi của thí sinh: Thực tế thống kê, có Khoảng 1% thí sinh mắc lỗi như:
Không tô số báo danh (SBD), tô nhầm SBD dẫn đến SBD trùng nhau, tô SBD không tồn tại hoặc tô không đúng quy cách dẫn đến không thể nhận biết được. Trường hợp xấu nhất là một thí sinh có dự thi tô nhầm thành SBD của thí sinh vắng thi.
Không tô mã đề thi, tô mã đề thi không có, hoặc tô sai quy cách khiến không thể nhận biết được thí sinh đã dùng mã đề thi nào.
-Phần trả lời bị tô quá mờ hay bị tẩy xóa đến mức không hiểu được thí sinh chọn phương án nào, hoặc tô vào vùng câu hỏi không tồn tại.
Có những lỗi do quét bài như để gấp Phiếu TLTN, sai mặt Phiếu, làm Phiếu bị biến dạng.
Những lỗi này (nếu có) sẽ dẫn đến bài thi không chấm được, ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh dù rằng có những lỗi do chính thí sinh gây ra. Phần mềm phải phát hiện tất cả các lỗi, cán bộ chấm thi phải sửa hết các lỗi để có thể chấm bài thi tự động. Kết quả sửa phải được lưu lại, cùng với biên bản sửa lỗi để báo cáo Bộ GDĐT.
Pha 4. Chấm bài thi: Sau khi thực hiện xong ba pha trên, Hội đồng thi mới được sử dụng đáp án do Bộ GD&ĐT cung cấp để chấm điểm. Kết quả chấm và phân tích được xuất ra Đĩa CD2 để báo cáo Bộ GDĐT. Nếu chưa thực hiện pha thứ 3, khi phát hiện còn lỗi chưa sửa thì Phần mềm sẽ chặn, không cho phép thực hiện pha thứ 4 này.
Xem thêm >>>
-
1VKSND TP Hà Tĩnh phối hợp tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông
-
2VKSND quận Cầu Giấy: Kiến nghị phòng ngừa tội phạm gây rối trật tự công cộng do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn
-
3VKSND quận Liên Chiểu phối hợp với Tòa án tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử vụ án ma túy
-
4Quảng Nam: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giải quyết các vụ án liên quan đến đất đai
-
5VKSND tối cao tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
-
6VKSND TP. Hải Dương kiểm sát việc tiêu hủy pháo nổ trong vụ án hình sự
-
7VKSND huyện Vân Canh ban hành kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn
-
8Những trường hợp áp dụng Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024
-
9VKSND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chủ tịch UBND TP. Hội An về vấn đề liên quan đến người nước ngoài thuê xe tự lái vi phạm pháp luật Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.