Dự thảo Luật hành chính công: Thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính

02/08/2018 14:11

(kiemsat.vn)
Quyết định công bố thủ tục hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải được ban hành chậm nhất trước 05 ngày tính đến ngày văn bản quy phạm pháp luật có thủ tục hành chính có hiệu lực thi hành; được niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và đăng tải trên hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh.

Đây là một trong những quy định được đưa vào Dự thảo Luật hành chính công. Dự thảo Luật lần đầu trình lấy ý kiến Chính phủ (ngày 17/7/2017) quy định phạm vi điều chỉnh gồm 7 vấn đề: Nguyên tắc chung của hành chính công, thủ tục hành chính, quản lý dịch vụ công và cung ứng dịch vụ hành chính công (trong đó có hợp đồng hành chính), chính phủ điện tử trong hành chính công, kiểm soát hành chính công, mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện hành chính công.

Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban pháp luật tại phiên họp ngày 18/8/2017 và ý kiến của Chính phủ (theo Công văn số số 9445/VPCP-PL ngày 06/9/2017 và Công văn số 383/VPCP-PL ngày 13/9/2017 của Văn phòng Chính phủ), Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công thu hẹp phạm vi điều chỉnh, đến nay chỉ quy định 3 vấn đề : “1. Luật này quy định về thủ tục hành chính; dịch vụ công; trách nhiệm, mối quan hệ của cơ quan, tổ chức, cá nhân  khi thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công. 2. Các vấn đề khác của hành chính công được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành”.

Công khai thủ tục hành chính 

Điều 9 Dự thảo Luật hành chính công, quy định : "1. Thủ tục hành chính mới hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ phải được công bố, công khai đầy đủ, chính xác, kịp thời trước khi văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành, bao gồm: Quyết định công bố thủ tục hành chính của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải được ban hành chậm nhất trước 20 ngày văn bản quy phạm pháp luật có thủ tục hành chính có hiệu lực thi hành; chậm nhất 03 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Quyết định công bố thủ tục hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải được ban hành chậm nhất trước 05 ngày tính đến ngày văn bản quy phạm pháp luật có thủ tục hành chính có hiệu lực thi hành. 

2. Thủ tục hành chính được niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và đăng tải trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cập nhật, đăng tải trên hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) theo nhóm ngành, lĩnh vực, thẩm quyền giải quyết  nhằm tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận, khai thác, sử dụng".

Việc xây dựng, ban hành Luật hành chính công nhằm mục đích thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quản lý hành chính nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính; xác định rõ hơn mối quan hệ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, công khai, minh bạch, có hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ sở pháp lý từng bước thực hiện “Chính phủ điện tử”, “Chính phủ số”, tăng cơ hội, giảm thách thứ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Xem chi tiết Tờ trình và dự thảo Luật hành chính công tại đây.

Xem thêm >>>

Văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước phải được gửi ngay trong ngày ký ban hành

Hà Nội: Phát 8.000 phiếu khảo sát mức độ hài lòng về thủ tục hành chính

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang