Đạo tranh ở Việt Nam: Căn bệnh trầm kha

31/05/2018 17:47

(kiemsat.vn)
Tình trạng tranh giả, tranh nhái tràn lan trên thị trường trong nhiều năm qua đã làm xấu đi hình ảnh của mỹ thuật Việt Nam. Nếu tình trạng này không kiểm soát được thì rất khó nghĩ về một thị trường đích thực cho mỹ thuật Việt Nam, và còn khó hơn nữa là minh bạch thị trường ấy...

Ngang nhiên và nở rộ

Xuất phát từ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật với giá rẻ của đông đảo người dân, hiện tượng kinh doanh tranh chép đang diễn ra “tấp nập” tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội suốt hàng chục năm qua. Các phòng tranh nhận đơn đặt hàng của khách với bất cứ thể loại, đề tài nào, từ cổ điển cho đến đương đại; sẵn sàng vẽ lại những bức tranh của các họa sĩ đương thời mà không quan tâm đến việc có vi phạm bản quyền hay không… Chỉ cần bỏ ra từ 1 đến 2 triệu đồng, người mua có thể sở hữu ngay một bức tranh khổ lớn chép lại từ tranh của các họa sĩ tên tuổi: Bùi Xuân Phái, Lê Phổ, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân...

Nạn tranh giả, sao chép tranh, chuyển chất liệu tranh... tràn lan ở Việt Nam đã diễn ra từ rất lâu, nhưng chưa bao giờ là câu chuyện cũ. ( Ảnh: VOV)

Về bản chất, chép tranh là hoạt động chính đáng nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nhưng việc chép tranh và tranh chép chỉ được chấp nhận khi nó tôn trọng quyền của tác giả.

Sao chép hoặc đăng tải các tác phẩm đang trong thời hạn bảo hộ hoặc của nghệ sĩ còn sống phải có sự cho phép bằng văn bản và phải trả tiền cho tác giả. Không được kí tên tác giả vào tác phẩm sao chép, và phải có lời chú thích đi kèm bản tranh chép nói rõ rằng đây không phải là tác phẩm gốc… Chép tranh hoặc chép y nguyên phong cách của người khác mà ký tên mình là đạo tranh, một hành vi vi phạm pháp luật.

Như Báo Văn hóa đưa tin, trong vụ đạo tranh ở triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”, Họa sĩ Thành Chương đã viết đơn tố cáo khi phát hiện ra bức tranh của mình ký tên Tạ Tỵ. Nhân chứng, vật chứng đầy đủ. Hội đồng nghệ thuật cũng thẩm định và kết luận 100% tác phẩm là tranh dởm, mạo danh. Nhưng cuối cùng vụ việc vẫn bị chìm xuồng. Nhấn chìm theo đó là niềm tin của giới họa sĩ.

Họa sỹ Thành Chương lên tiếng tố tranh giả tại triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu"  (Ảnh: ANTĐ)

Vì đâu nên nỗi?

Việc chống nạn sao chép tranh ở nước ta khó vì nhiều nguyên nhân. Đặc biệt là do không có bên thứ ba độc lập thẩm định tác phẩm.

Phần lớn đều đánh giá tranh theo bút pháp - thứ thuần cảm tính và không định lượng được. Còn việc thẩm định một cách khách quan khoa học thì ở Việt Nam không có, chi phí gửi đi nước ngoài đánh giá lại đắt đỏ.

Một nguyên nhân nữa là sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng. Cho dù, các chế tài xử lý việc sao chép tranh có đầy đủ trong các văn bản quy định của Nhà nước và pháp luật nhưng công tác kiểm tra, xử lý, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực mỹ thuật của Việt Nam còn yếu. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết: “Một bức tranh nếu được khẳng định là sao chép, mức xử phạt có thể lên tới 50 đến 70 triệu đồng nhưng từ trước tới nay chưa xử được vụ nào. Phần lớn các vụ việc được phát hiện tại các cuộc thi mỹ thuật chỉ dừng lại ở việc thu hồi giải thưởng, tác phẩm. Vì thế, tính cương quyết và răn đe của pháp luật còn nhẹ”, dẫn lời theo báo An ninh Thủ đô.

Bức tranh "Phố cổ Hà Nội" được cho là nhái tranh họa sỹ Bùi Xuân Phái (Ảnh: ANTĐ)

Trước tình trạng lộn xộn của thị trường mỹ thuật Việt Nam, nhiều nghệ sĩ lại không trang bị kiến thức về pháp luật quyền tác giả nên chưa biết tự bảo vệ mình ra sao? Người mua thì dễ dãi, thờ ơ, thấy rẻ và hợp nhu cầu là được… Bởi vậy mà tranh giả cứ thế tràn lan trên thị trường. Do đó, cần có những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, triệt để mới chấm dứt được hiện trạng tai hại này.

Chống tranh giả bằng cách nào?

Phản ánh trên Tuổi trẻ, Họa sĩ Tào Linh cho rằng Việt Nam đã có Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản thi hành, bản thân nghệ sĩ cũng phải tìm hiểu về luật để có cách tự bảo vệ tác phẩm của mình chứ không nên thụ động chờ cơ quan chức năng giải quyết. Chẳng hạn sử dụng kỹ thuật riêng biệt, chi tiết ẩn, chứng chỉ tranh, hoặc chụp ảnh tác giả cùng tác phẩm, đặc biệt là sớm đăng ký bản quyền. Có thể chụp ảnh tranh, tác phẩm của mình rồi gửi email đến Cục Bản quyền tác giả; đồng thời đăng ký mẫu chữ ký sử dụng trên tác phẩm. Đây là cơ sở pháp lý, để nếu xảy ra tranh chấp bản quyền còn có chứng cứ giải quyết. Bên cạnh đó, người sáng tác cũng như bán tranh cũng phải công khai, minh bạch đóng thuế, để đảm bảo quyền lợi cho cả người bán lẫn người mua nếu xảy ra kiện tụng.

Một phòng chép tranh trên đường Trần Phú, Hà Nội (Ảnh: GDTĐ)

Thực tế đặt ra yêu cầu thành lập một tổ chức bảo vệ quyền tác giả, tương tự như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam... Và trước hết, Hội Mỹ thuật Việt Nam - cơ quan tập hợp các nhà sáng tác phải vào cuộc khẳng định vai trò của mình, bảo vệ họa sĩ - những nạn nhân của nạn ăn cắp chất xám này. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ sâu rộng trong toàn bộ các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật.

Nhưng nếu chỉ để các họa sĩ “đơn thương độc mã”, và chờ đợi công chúng trở thành những “người tiêu dùng khôn ngoan” thì e chừng rất gian nan. Điều cần hơn hết là sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng, xử lý nghiêm các hành vi sao chép, "đạo tranh".

Theo Nghị định số 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan; Nghị định số 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131/2013/NĐ-CP thì phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng là buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật (Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐCP).

Trường hợp giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm cùng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật vi phạm (Điều 19 Nghị Định 131/2013/NĐCP).

Xem thêm >>>

Sắp thu lại phí tác quyền âm nhạc qua tivi

Chống sách giả, sách lậu – cuộc chiến dai dẳng

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang