Xin đừng dửng dưng trước nỗi đau của người đàn bà cận kề cái chết

24/12/2019 14:52

(kiemsat.vn)
Chồng điên loạn, con bị down, bản thân bị ung thu giai đoạn cuối, nhưng bà Trần Thị Chăm (phường Phúc Lợi, quận Long Biên) còn đau đớn hơn khi bán mảnh đất hương hỏa để lo cho gia đình thì lại bị lừa mất. Uất ức hơn, những kẻ gây ra chuyện này lại là chị em ruột thịt trong gia đình, những người nên hiểu và đồng cảm với số phận của bà.

Người đàn bà tận cùng của khổ đau

Gia đình khó khăn, phải phụ bố mẹ nuôi các em ăn học nên 29 tuổi bà Trần Thị Chăm (tổ 5, phường Phúc Lợi, quận Long Biên) mới kết hôn với ông Trần Văn Độ cùng làng. Tưởng cuộc đời đã mỉm cười, nhưng số phận nghiệt ngã lại đẩy bà đi vào một lối rẽ chông chênh hơn nhiều. Lấy chồng, bà phụng dưỡng mẹ chồng bị mù, lo lắng vun vén cho gia đình chồng, rồi lại chạy chữa cho chồng bị yếu sinh lý. Mãi đến năm 1994, sau 6 năm chạy chữa, hai vợ chồng mới sinh cháu Trần Tiến Đạt. Ngỡ tưởng hạnh phúc muộn màng này sẽ giúp cuộc đời bà hạnh phúc hơn nhưng nó lại một lần nữa đẩy bà xuống vực sâu của tuyệt vọng.

Ông Trần Văn Độ đang được điều trị tâm thần

Sau khi sinh cháu, ông Độ dần có biểu hiện lạ trong suy nghĩ, cách sống, hay lên cơn co giật. Rồi ông bỏ nhà đi lang thang, nhặt rác, nhặt đồ ăn ngoài đường ngoài chợ. Bà Chăm tần tảo làm ruộng, nuôi con nhưng chiều nào cũng phải chạy hết hang cùng, ngõ hẻm tìm chồng đưa về nhà. Rồi đáng sợ hơn là đến lượt cháu Đạt cũng phát bệnh thần kinh giống bố. Hai bố con khiến bà suy sụp, đau khổ đến phát bệnh. Sau nhiều năm chịu đựng những cơn đau thường xuyên, năm 2014 bà đi viện kiểm tra và nhận tin sét đánh, bà bị ung thư trực tràng. Cả gia đình lâm vào đường cùng, không còn tiền để mua thức ăn, hay chữa bệnh, căn nhà hoang tàn, xơ xác …

Ông Phạm Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND phường Phúc Lợi xác nhận hộ bà Chăm là 1 trong 17 hộ nghèo của phường

Làm việc cùng UBND phường Phúc Lợi, chúng tôi được ông Phạm Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND phường cho biết, gia đình ông Trần Văn Độ là một trong 17 hộ được công nhận là hộ nghèo của phường, được hưởng các chính sách, chế độ do nhà nước quy định. Theo đó, ông Độ và anh Đạt, mỗi người được trợ cấp 525,000 đồng/ tháng. Còn bà Chăm, được hưởng trợ cấp do mắc bệnh hiểm nghèo mức 350,000 đồng/ tháng. Theo ông Nam, gia đình bà Chăm do bán đất có một số tiền nên năm tới, sẽ được đưa lên danh sách thoát hộ nghèo, thành hộ cận nghèo, được trợ cấp 1,400,000 đồng/ tháng.

Cùng đường, bà Chăm đành phải bán đi một phần mảnh đất hương hỏa đang sử dụng với giá 5 tỷ đồng để lấy tiền chữa bệnh, lo cho chồng con. Bà tính, một phần tiền xây lại cái nhà cho chắc chắn khi mưa bão, một phần để chữa bệnh, một phần còn lại gửi ngân hàng, lấy tiền lãi, đưa chồng và con vào Bệnh viện tâm thần điều trị (7 triệu/ người/ tháng) Nhưng bà không thể ngờ, số tiền đó lại đẩy gia đình bà vào một nỗi đau còn lớn hơn khi bà bị chính người em họ lừa lấy số tiền đó.

Trong lá đơn gửi Kiểm sát Online, bà Chăm cho biết, vào khoảng năm 2017, thấy bà vừa bán đất, có tiền lại không có người chăm sóc nên bà Phùng Thị Dự (em dâu con dì ruột) và chồng là Trần Khắc Tục hay qua lại, thăm nom. Bà Chăm cảm động nên có cho hai vợ chồng số tiền 700 triệu để sửa nhà. Tháng 01/2018, hai vợ chồng Dự - Tục đặt vấn đề vay giúp cho Phùng Thị Hân (chị gái Dự) số tiền 3 tỷ đồng mà bà gửi trong ngân hàng với lãi suất cao hơn (8,34%/ năm, tương đương 25 triệu đồng/ tháng). Một phần tin tưởng Dự, một phần thấy vợ chồng Hân có kinh doanh cây xăng, nhà to đẹp nên bà đồng ý cho mượn. Đầu tháng 04/2018, do cần tiền nên bà Chăm đòi lại số tiền vay. Gia đình bà Hân nói nếu lấy lại tiền thì sẽ bị phạt 50 triệu, tương đương với tiền lãi 02 tháng. Do quá cần tiền nên bà Chăm cũng đồng ý, nhưng cuối cùng, gia đình Hân cũng chỉ chuyển trả bà 01 tỷ đồng. Chờ đợi mãi, bà lên tận nhà Hân tại Cầu Lường, Hữu Lũng, Lạng Sơn đòi tiền thì bà Hân nói đã trả tiền cho nhà Tục – Dự rồi. Quay lại nhà Tục Dự thì cặp vợ chồng này trở mặt, nói nếu bà thích thì trả lại bà 01 tỷ, còn 01 tỷ là tiền công chăm sóc bà lâu nay (?). Dù mang bệnh trong người, bà Chăm lại tiếp tục quay lại nhà bà Hân đòi tiền nhưng bà Hân đã đóng cửa, mặc kệ bà Chăm thảm thiết kêu gào.

Sau khi làm đơn tố giác lên Công an thành phố Hà Nội và ngày 10/4/2019, bà nhận được Thông báo chuyển đơn về Công an quận Long Biên giải quyết. Cán bộ Công an quận có qua nhà bà, xác minh về đơn thư tố giác tội phạm nêu trên nhưng sau đó không thấy thông tin gì nữa. Ngày 25/8/2019 (hơn 4 tháng sau), Thượng tá Nguyễn Mạnh Sáng, Phó Thủ trưởng CQĐT Công an quận Long Biên có Thông báo số 231/TB-CQĐT gửi bà Chăm cho biết do vụ việc quá phức tạp, phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm nên cần có thêm thời gian để xác minh làm rõ. Do thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm đã hết nên VKSND quận Long Biên đã gia hạn thời hạn để tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.

Bà Chăm không thể yên lòng nhắm mắt khi nghĩ đến chồng và con sẽ ra sao nếu không lấy lại được số tiền của mình

Bà Chăm cho biết, bà hoàn toàn tin tưởng vào Công an sẽ giúp bà lấy lại số tiền bị lừa và đưa những kẻ tội phạm vô nhân tính kia ra trước vành móng ngựa. Tuy nhiên, bà chỉ mong CQĐT Công an quận Long Biên sớm làm rõ vụ việc trước khi bà mất đi, để bà có thể gửi chồng con vào Bệnh viện Tâm thần … để rồi yên lòng nhắm mắt. Kiểm sát Online đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh có hay không việc lừa đảo như bà Chăm phản ánh nhằm đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Quyết định phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm

Mới đây nhất, ngày 16/12/2019, Thượng tá Nguyễn Mạnh Sáng, Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an quận Long Biên đã ký Quyết định phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm số 01/CQCSĐT. Theo đó, Công an quận Long Biên sẽ tiếp tục điều tra theo Đơn của bà Trần Thị Chăm tố giác vợ chồng bà Phùng Thị Dự - ông Trần Khắc Tục và bà Phùng Thị Hân – ông Chiến có hành vi Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản của bà Chăm 02 tỷ đồng. Quyết định này cũng đã gửi tới VKSND quận Long Biên để thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang