Xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo vệ sự tôn nghiêm của Hiến pháp

13/05/2022 09:00

(kiemsat.vn)
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhận định, vẫn còn bất cập trong quy định về cơ chế hữu hiệu để bảo vệ sự tôn nghiêm của Hiến pháp.

Chiều 12/5, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tổ chức Tọa đàm về chủ đề “Trưng cầu ý dân về Hiến pháp; bảo vệ Hiến pháp; bảo đảm, bảo vệ quyền con người”. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phan Đình Trạc, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì cuộc tọa đàm. 

Tại cuộc tọa đàm, đại diện các cơ quan, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận cho ý kiến về việc thực hiện trưng cầu ý dân về Hiến pháp như quy định của Hiến pháp năm 2013; Bổ sung quyền phúc quyết Hiến pháp của Nhân dân vào Hiến pháp. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Minh Tuấn, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc thực hiện trưng cầu ý dân về Hiến pháp là cần thiết đem lại lợi ích cho cả nhân dân và Nhà nước.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

"Bởi vì nhân dân là chủ thể của quyền lập Hiến, một trong những biểu hiện cơ bản của chế độ dân chủ Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam. Trưng cầu ý dân là phương thức, kênh tương tác trao đổi hợp tác giữa Nhà nước và người dân. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp cũng góp phần tăng cường tính chính đáng của Hiến pháp, tăng cường sự ủng hộ của người dân trong nước và quốc tế đối với Hiến pháp và thể chế của chúng ta" - Phó Giáo sư, tiến sỹ Đặng Minh Tuấn nói.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc khẳng định, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật là một đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đặt ra yêu cầu xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp.

"Khoản 2, Điều 119 Hiến pháp năm 2013 quy định: Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định. Quy định này đã được thể chế hóa, cụ thể hóa trong các luật về tổ chức, bộ máy, chức năng nhiệm vụ của các thiết chế nhà nước, các tổ chức chính trị- xã hội, luật dân sự, hình sự, hành chính…và được thực hiện khá nghiêm túc. Tuy nhiên, qua tổng kết cho thấy, vẫn còn bất cập trong quy định về cơ chế hữu hiệu đề bảo vệ sự tôn nghiêm của Hiến pháp. Từ đó, một số cơ quan, tổ chức tham gia xây dựng Đề án, một số chuyên gia, nhà khoa học đặt vấn đề cần xây dựng thiết chế bảo hiến chuyên trách".

Bảo đảm, bảo vệ quyền con người vừa là một đặc trưng, vừa là một giá trị của Nhà nước pháp quyền. Trong Nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc pháp quyền, quyền con người luôn gắn với quyền công dân và được tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ. Điều 3, Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Do đó, xây dựng Đề án này là dịp để nghiên cứu, cân nhắc và đề xuất thực thi cam kết đó./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang