VKSND tối cao truy tố bị can Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng

22/11/2023 15:10

(kiemsat.vn)
VKSND tối cao vừa ban hành Cáo trạng truy tố bị can Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và 14 bị can khác cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Bị can Đỗ Anh Dũng Dũng bị xác định giữ vai trò chủ mưu trong vụ án này.

VKSND tối cao cũng phân công cho VKSND TP. Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án trên.

Bị can Đỗ Anh Dũng và một số bị can trong vụ án Tân Hoàng Minh

Trong số 14 bị can cùng bị truy tố có Đỗ Hoàng Việt (Phó Tổng Giám đốc Tân Hoàng Minh), Nguyễn Mạnh Hùng (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt), Trần Hồng Sơn (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil), Nguyễn Khoa Đức (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Cung điện Mùa Đông).

Theo hồ sơ vụ án, giai đoạn cuối năm 2021, đầu 2022, Tập đoàn Tân Hoàng Minh gặp khó khăn tài chính, dự án mới chưa thể triển khai vì Covid-19. Dư nợ tín dụng của tập đoàn này lên tới gần 20.000 tỉ đồng.Trước nhu cầu thanh toán nhiều khoản nợ và có tiền chi tiêu, bị can Đỗ Anh Dũng chỉ đạo con trai là Đỗ Hoàng Việt cùng các cấp dưới triển khai phát hành các gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm huy động vốn.

Tập đoàn Tân Hoàng Minh sẽ không trực tiếp đứng ra phát hành trái phiếu do có nhiều công ty con, không thể kiểm toán kịp thời. Ba công ty con thuộc tập đoàn sẽ tiến hành bán trái phiếu riêng lẻ gồm Công ty Ngôi Sao Việt; Công ty Soleil và Công ty Cung Điện Mùa Đông. Các công ty con này đã mở 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ, tổng trị giá hơn 10.000 tỉ đồng. Sau đó, bị can Đỗ Anh Dũng chỉ đạo ký các hợp đồng "giả cách" chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền "khống" thể hiện việc thanh toán tiền từ Tập đoàn Tân Hoàng Minh sang công ty phát hành.

Từ đây, Tập đoàn Tân Hoàng Minh bán trái phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân. Tổng số tiền bị can Đỗ Anh Dũng và đồng phạm huy động được gần 14.000 tỉ đồng. Số tiền này được sử dụng không đúng mục đích phát hành trái phiếu.

Kết quả điều tra xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ. Quá trình điều tra đến nay, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã thu giữ toàn bộ thiệt hại vụ án.

Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

Đọc nhiều
lên đầu trang