VKSND tối cao tố chức Hội thảo về Luật tương trợ tư pháp năm 2007

26/09/2018 14:36

(kiemsat.vn)
Trong khuôn khổ chương trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật tương trợ tư pháp về hình sự trong năm 2018, ngày 25/9/2018, VKSND tối cao phối hợp cùng tổ chức JICA pháp luật (Nhật Bản) tổ chức “Hội thảo Luật tương trợ tư pháp năm 2007” trên địa bàn các tỉnh, thành phố phía Nam. Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chủ trì Hội thảo.

Tham dự hội thảo có đại diện tổ chức JICA (Nhật Bản) và Bộ Công an; lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13) VKSND tối cao, VKSND Cấp cao 3, Trường ĐT-BDNV Kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh; đại diện VKSND và Cơ quan điều tra Công an các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại Hội thảo

Qua hơn 10 năm triễn khai thực hiện, Luật tương trợ tư pháp năm 2007 (Luật TTTP 2007) đã góp phần quan trọng trong hợp tác quốc tế về tương trợ tư pháp hình sự, qua đó nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm có yếu tố nước ngoài, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, các quy định của Luật TTTP 2007 cũng bộc lộ một số hạn chế tồn tại, chưa phát huy cao nhất hiệu quả công tác tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù do nhiều quy định của Luật TTTP không còn phù hợp với điều kiện, tình hình quốc tế và Việt Nam hiện nay nên việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về tương trợ tư pháp hình sự là yêu cầu khách quan, cấp thiết.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động tương trợ tư pháp đã có báo cáo trình Chính phủ về việc sửa đổi Luật TTTP 2007 và được Chính phủ đồng ý sửa đổi Luật theo hướng tách ra để xây dựng thành các luật riêng biệt: Tương trợ tư pháp về dân sự; tương trợ tư pháp về hình sự; dẫn độ; chuyển giao người bị kết án phạt tù. VKSND tối cao được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tổng kết, lập đề nghị xây dựng Luật tương trợ tư pháp về hình sự trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2019 để xem xét đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo lần này được tổ chức nằm trong chuỗi các hoạt động của VKSND tối cao đã và sẽ tổ chức nhằm tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Luật TTTP 2007 trong lĩnh vực hình sự qua hơn 10 năm, phân tích những điểm tích cực cũng như xác định những hạn chế bất cập của quá trình áp dụng pháp luật tương trợ tư pháp vào thực tiễn, làm cơ sở để xây dựng và hoàn thiện Luật tương trợ tư pháp về hình sự theo yêu cầu của tình hình mới.

Để đáp ứng yêu cầu được giao, theo phát biểu của đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Trần Công Phàn tại buổi hội thảo, đến nay VKSND tối cao đã xác định một số định hướng khi nghiên cứu xây dựng Luật tương trợ tư pháp về hình sự, bao gồm: Quán triệt các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về tăng cường hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật; kế thừa và phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế bất cập của các quy định trong Luật TTTP 2007; đảm bảo sự tương thích với các văn bản pháp luật trong nước có liên quan, cũng như phù hợp với các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; đảm bảo sự đồng bộ với việc nghiên cứu, xây dựng Luật tương trợ tư pháp về dân sự, Luật dẫn độ và Luật về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù dự kiến sẽ thay thế và tách khỏi Luật TTTP 2007 trong tương lai.

Đồng chí Lê Tiến, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự trình bày tham luận

Theo đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao những nội dung thảo luận tại hội thảo lần này sẽ là cơ sở lý luận và thực tiễn khá quan trọng làm tiền đề cho những sửa đổi bổ sung của Luật TTTP 2007. Do đó, đồng chí Phó Viện trưởng Trần Công Phàn yêu cầu đại biểu tham dự cần phân tích những hạn chế tồn tại, đặc biệt đi sâu nghiên cứu đề ra những giải pháp khắc phục, trên cơ sở đó VKSND tối cao sẽ thu thập các kiến nghị đề xuất để xây dựng và hoàn thiện dự luật tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng được chuyên gia của tổ chức JICA giới thiệu nội dung chuyên đề “Thực trạng về Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự tại Nhật Bản” để có thêm góc nhìn đa chiều về hoạt động tương trợ tư pháp hình sự.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang