VKSND tối cao tổ chức Hội nghị toàn ngành tổng kết việc thi hành Luật phòng, chống ma túy

28/09/2018 19:22

(kiemsat.vn)
Ngày 28/9, tại Nghệ An, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị tổng kết việc thi hành Luật phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) trong ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì Hội nghị.

Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu khai mạc hội nghị

Tham dự Hội nghị về khách mời có: đại diện Vụ Cơ quan nội chính, Ban Nội chính Trung ương; lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy; Trung tâm giám định ma túy Viện khoa học hình sự - Bộ Công an; TAND tỉnh Nghệ An. Đại biểu trong ngành KSND gồm có: Đại diện lãnh đạo Văn phòng, Vụ 4, 7, 8, 12, 13, 14, Cục 2 VKSND tối cao; Trường đại học Kiểm sát Hà Nội; Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát thành phố Hồ Chí Minh; VKSND cấp cao 1, 2, 3; VKSQS Trung ương, VKSQS cấp quân khu; đại diện lãnh đạo VKSND cấp tỉnh, lãnh đạo phòng THQCT, KSĐT, KSXX án sơ thẩm án ma túy của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Viện trưởng VKS cấp huyện tỉnh Nghệ An.

Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, VKSND tối cao trình bày tham luận về thực tiễn thi hành Luật phòng, chống ma túy trong ngành KSND

Viện kiểm sát là một trong những cơ quan tiến hành tố tụng với chức năng Hiến định  là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Thông qua thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án ma túy VKSND đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy. 

Sau khi Luật phòng, chống ma túy có hiệu lực thi hành, VKSND tối cao đã tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật phòng, chống ma túy và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thi hành trong toàn ngành KSND. Viện kiểm sát các cấp chủ động xây dựng chương trình công tác của đơn vị, thường xuyên nắm bắt diễn biến tình hình tội phạm về ma túy, phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời các vụ án và các nhiệm vụ khác liên quan đến phòng, chống ma túy theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự, yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự  đối với các vụ án ma túy có  yếu tố nước ngoài... 

Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Vụ trưởng Vụ THQCT và KSĐT án ma túy VKSND tối cao tham luận về thực trạng công tác thực hành quyền công tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ma túy trong ngành KSND

Bên cạnh đó, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền phán ánh đầy đủ kết quả thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy của các VKSND địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài Ngành; tổ chức nghiên cứu, học tập về những quy định mới của BLHS, BLTTHS và các đạo luật có liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy. 

Tham luận về thực trạng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về ma túy do đồng chí Lê Tiến, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự VKSND tối cao trình bày

Với tinh thần tập trung cao độ, Hội nghị đã có 13 ý kiến tham luận, đáng chú ý các tham luận đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện các quy định của Luật phòng, chống ma túy; quy định của BLHS; Bộ luật TTHS và các văn bản hướng dẫn thi hành như: 

- Đối với việc thực hiện Luật phòng, chống ma túy hiện hành còn gặp một số vướng mắc, bất cập trong việc xác định người nghiện ma túy dẫn đến nhiều trường hợp cơ quan chức năng không có đủ căn cứ chứng minh người đó bị nghiện, dẫn đến không thể áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với họ;  quy định về trường hợp đối tượng nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định;  quy định cụ thể về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng và trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng còn nhiều bất cập ..

- Đối với áp dụng quy định của Bộ luật hình sự các ý kiến tham luận đã đề cập đến một số nội dung nổi bật như việc xác định khối lượng ma túy đối với trường hợp nhiều lần thực hiện hành vi mua bán ma túy chỉ có lời khai không thu được chất ma túy; chưa có quy định cụ thể để xác định quả thuốc phiện tươi và quả thuốc phiện khô dẫn đến nhiều trường hợp gặp khó khăn khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội; về tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy; việc tịch thu sung công quỹ số tiền bán ma túy; giám định hàm lượng chất ma túy và các hướng dẫn cụ thể về xác định tội danh...

Vướng mắc trong áp dụng quy định của BLTTHS tập trung chủ yếu ở một số vướng mắc như thời hạn giám định chất ma tuý; việc phê chuẩn các quyết định bắt, tạm giữ...

Các đại biểu tham dự hội nghị

Từ những khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành Luật phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) và trong thực tiễn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án  ma túy, các đại biểu đã có những kiến nghị, đề xuất với Quốc hội; Chính phủ và liên ngành tư pháp trung ương, tập trung chủ yếu vào việc sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật liên quan đảm bảo tính logic, phù hợp với thực tiễn; nghiên cứu bổ sung quy định về Danh mục các chất ma túy và tiền chất; Ký kết các hiệp định, thỏa thuận, về vấn đề hợp tác đấu tranh phòng, chống ma túy đảm bảo việc xử lý triệt để tội phạm về ma túy...

Toàn cảnh Hội nghị

Sau một ngày làm việc tích cực, khẩn trương, Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao ghi nhận các ý kiến phát biểu chất lượng, có trọng tâm của các đồng chí đại biểu dự Hội nghị; đồng thời, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, cụ thể: Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, tiếp tục rà soát những vướng mắc, bất cập trong thi hành Luật phòng, chống ma túy; chủ động nắm tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp ủy các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc hình thành các điểm “nóng” về ma túy tại địa phương. 

Các đơn vị THQCT và KSĐT án ma túy VKS các cấp phối hợp chặt chẽ với các Cơ quan điều tra làm tốt công tác phân loại thông tin, nguồn tin về tội phạm; thực hiện tốt công tác THQCT, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và quản lý chặt chẽ việc giải quyết án ma túy của Viện kiểm sát các cấp, bảo đảm tuân thủ pháp luật, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng hình sự. 

Bên cạnh đó, rà soát, ký ban hành mới hoặc sửa đổi bổ sung Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát với Cơ quan điều tra và các ngành hữu quan nhằm bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy và thi hành BLHS, Bộ luật TTHS năm 2015; tích cực thúc đẩy, đề xuất đàm phán và ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, thỏa thuận hợp tác với các nước nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia, nhất là đối với các nước có đường biên giới với Việt Nam.

Nghiên cứu cập nhật, bổ sung tài liệu chuyên sâu về kỹ năng nghiệp vụ phù hợp với các quy định mới của pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn để bồi dưỡng cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên làm nhiệm vụ giải quyết án ma túy.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

 

 

Xem thêm >>>

Hội nghị toàn quốc Chánh Thanh tra VKSND năm 2018
Tháo gỡ vướng mắc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự
 

 

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang