VKSND tối cao phê chuẩn Quyết định khởi tố thêm 3 bị can trong vụ án liên quan đến Công ty vàng Phú Cường

01/10/2023 15:15

(kiemsat.vn)
VKSND tối cao vừa phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm tạm giam, Lệnh khám xét đối với 3 bị can trong vụ án "Vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới" theo quy định tại Điều 189, Bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó có Chủ tịch Công ty cổ phần vàng Phú Cường.

Theo đó, Bộ Công an đã mở rộng điều tra vụ "Vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới; làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" xảy ra tại TP. Hà Nội và các địa phương, Cơ quan An ninh điều tra vừa thực hiện Lệnh bắt, Lệnh khám xét đối với 3 bị can để tạm giam.

Các bị can bị khởi tố gồm: Trần Vinh Quang, Phan Thị Thu Thủy, Trần Tuấn Vinh (từ trai qua phải).

Các bị can bị khởi tố gồm: Trần Tuấn Vinh (sinh năm 1980, ở quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội); Phan Thị Thu Thủy (sinh năm 1982), Trần Vinh Quang (sinh năm 1989, cùng ở quận Hà Đông, TP. Hà Nội). Các bị can đều bị điều tra về tội "Vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới" theo quy định tại Điều 189, Bộ luật Hình sự năm 2015

Hiện, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án, hành vi vi phạm pháp luật của các bị can và những người có liên quan.

Trước đó, ngày 23/6, Cơ quan An ninh điều tra đã thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Nguyễn Ngọc Phương (sinh năm 1979, tại Quảng Ninh) về cùng tội danh nêu trên. Bị can Phương là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng Phú Cường.

Quy định về tội "Vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới" được quy định tại Điều 189 Bộ luật Hình sự năm2015 như sau:

1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này;

b) Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Phạm tội 02 lần trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang