VKSND tỉnh Quảng Nam: Tọa đàm khoa học thực trạng giải quyết các vụ án hình sự liên quan công tác giám định thương tích
(kiemsat.vn) Ngày 25/4, VKSND tỉnh Quảng Nam tổ chức Tọa đàm khoa học chuyên đề “Thực trạng giải quyết các vụ việc hình sự liên quan đến công tác giám định thương tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”. Đồng chí Trần Hoài Nam, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam dự và chỉ đạo; đồng chí Phạm Đăng Anh, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh chủ trì buổi Tọa đàm.
Tham dự buổi Tọa đàm có đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam, TAND tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Giám định Pháp y tỉnh Quảng Nam; tọa đàm được tổ chức trực tuyến đến các điểm cầu VKSND cấp huyện.
Đồng chí Trần Hoài Nam, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại buổi Tọa đàm |
Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Trần Hoài Nam, Viện trưởng VKSND tỉnh cho biết, Tọa đàm Khoa học "Thực trạng giải quyết các vụ việc hình sự liên quan đến công tác giám định thương tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; khó khăn, vướng mắc; kiến nghị, đề xuất" nhằm nghiên cứu một số vấn đề lý luận, những quy định của pháp luật và thực tiễn giải quyết các vụ việc liên quan đến công tác giám định thương tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian vừa qua (2022 - 2023); những khó khăn, vướng mắc phát sinh, từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng giải quyết vụ việc hình sự trong ngành Kiểm sát Quảng Nam nói riêng và các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Quảng Nam nói chung trong thời gian tới.
Hình ảnh tại các điểm cầu trực tuyến đến các VKSND cấp huyện. |
Tại buổi Tọa đàm, các ý kiến tham luận ngoài việc đưa ra các khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định thương tích trong trường hợp giám định lại, giám định bổ sung (trường hợp phải thực hiện giám định lại, giám định bổ sung; căn cứ kết quả giám định nào để xử lý vụ việc; thời gian giám định bổ sung theo yêu cầu của cơ quan giám định,...); quy định về việc giám định thương tích qua hồ sơ bệnh án; đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng công tác giám định thương tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới, còn tổng kết lại những kết quả, thành tích mà các ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt được trong thời gian qua.
Theo số liệu thống kê trong 02 năm (trong thời gian từ 01/12/2021 đến 30/11/2023), cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp tỉnh Quảng Nam đã thụ lý, giải quyết 632 vụ việc có liên quan đến trưng cầu giám định pháp y về thương tích. Kết quả giám định đảm bảo tính trung thực, khách quan, kịp thời nhằm giúp các cơ quan trưng cầu xử lý vụ việc được nhanh chóng, chính xác; không để xảy ra các vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến công tác giám định; góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được đảm bảo; tình hình an ninh trật tự được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam.
Đồng chí Mai Văn Tám, Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy phát biểu tại Tọa đàm.
|
Sau khi phân tích các khó khăn, vướng mắc và đưa ra các giải pháp để tháo gỡ, các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm đã đề ra các kiến nghị như: Liên ngành tư pháp Trung ương cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về thời điểm giám định thương tích để đảm bảo tính khách quan, công bằng trong giải quyết vụ việc, đồng thời, quy định rõ trường hợp vụ việc có nhiều kết luận giám định thương tích (giám định bổ sung, giám định lại) thì kết luận nào được sử dụng làm căn cứ để giải quyết vụ án, để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, đánh giá, áp dụng kết luận giám định vụ án được chính xác. Đề nghị liên ngành cơ quan tư pháp Trung ương phối hợp với Bộ Y tế để thống nhất hướng dẫn về trường hợp, trình tự, thủ tục liên quan đến giám định thương tích trên hồ sơ để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn và để đảm bảo căn cứ vững chắc trong giải quyết vụ việc; cần sửa đổi bổ sung Luật giám định tư pháp theo hướng quy định cụ thể về trách nhiệm, biện pháp xử lý đổi với Giám định viên khi ban hành kết luận giám định không chính xác ngay cả khi có lỗi cố ý và lỗi vô ý. Mặc dù, khoản 2 Điều 6 Luật Giám định tư pháp đã quy định “các hành vi bị nghiêm cấm” là: “Cố ý đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật”, tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng với lỗi vô ý đưa ra kết luận sai, còn lỗi vô ý đưa ra kết luận sai do trình độ chuyên môn thì không được quy định. Trong khi đó, kết luận giám định là nguồn chứng cứ quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng giải quyết vụ việc mà nếu kết luận giám định không đúng thì có nguy cơ làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm, từ đó sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Bài viết chưa có bình luận nào.