VKSND quận Liên Chiểu: Kiến nghị các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về hành vi lừa đảo qua mạng xã hội

13/04/2020 07:01

(kiemsat.vn)
Để bảo đảm công tác phòng ngừa vi phạm, tội phạm có hiệu quả, giảm thiểu tội phạm có liên quan đến hành vi lừa đảo qua mạng xã hội xảy ra trên địa bàn quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, vừa qua, VKSND quận Liên Chiểu đã ban hành kiến nghị số: 173/KN-VKS ngày 01/4/2020 yêu cầu áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật đến UBND quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.

Thông qua công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, ngày 20/3/2019, Viện kiểm sát nhân dân quận Liên Chiểu đã ban hành Văn bản kiến nghị số 155/KN-VKS đối với Ủy ban nhân dân quận về các giải pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật đối với loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội.

 

Tuy nhiên, đến nay, loại tội phạm này vẫn tiếp tục diễn ra và có chiều hướng gia tăng đột biến trên địa bàn quận Liên Chiểu. Viện kiểm sát nhân dân quận Liên Chiểu đã kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 45 nguồn tin về tội phạm có dấu hiệu lừa đảo thông qua mạng xã hội trên tổng số 59 nguồn tin có dấu hiệu lừa đảo (chiếm tỷ lệ 76,3%), tất cả các vụ việc đều chưa xác định được đối tượng thực hiện do các đối tượng này sử dụng tài khoản mạo danh, không có địa chỉ cụ thể, số tiền các đối tượng chiếm đoạt lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân. Trong đầu năm 2020 phát hiện một số vụ điển hình như sau:

Vụ thứ nhất: Khoảng tháng 02/2019, thông qua mạng xã hội Facebook, bà Phạm Thị H (Sn: 1975, trú P. An Khê, Q. Thanh Khê) có quen biết với một người sử dụng tài khoản Facebook tên “MITCHELLBUSH”. Qua nhắn tin, người sử dụng tài khoản trên muốn nhờ bà Hương nhận số tiền 1.500 USD chuyển từ Mỹ về Việt Nam để đầu tư làm ăn và bà H đồng ý. Sau đó, có một số điện thoại 0327.173.515 gọi đến tự xưng là Thảo và nói với bà H có một kiện hàng ở nước ngoài chuyển về, bà H muốn nhận kiện hàng trên thì phải đóng một khoản tiền chi phí. Người phụ nữ tên Thảo yêu cầu bà H chuyền tiền vào 03 số tài khoản khác nhau. Ngày 13/3/2019, bà H đến Ngân hàng MB Bank chi nhánh Hòa Khánh chuyển số tiền 300.000.000 đồng vào các tài khoản được cung cấp. Đến ngày 19/3/2019, người phụ nữ tên Thảo tiếp tục yêu cầu bà H đóng thêm tiền thì mới được nhận kiện hàng và cung cấp thêm 02 số tài khoản ngân hàng khác nhau, bà H tiếp tục chuyển số tiền 190.000.000 đồng theo yêu cầu. Chuyển tiền đã lâu nhưng không nhận được hàng, ngày 14/4/2019, bà H đến Cơ quan Công an trình báo. Tổng số tiền bà H bị chiếm đoạt là 490.000.000 đồng.

Vụ thứ hai: Ngày 03/02/2020, thông qua mạng xã hội Facebook, bà Nguyễn Thị Thanh M (Sn: 1985, trú P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu) kết bạn và làm quen với một người đàn ông có tài khoản Facebook là “Molla Mdjamal”. Quá trình làm quen, người đàn ông này yêu cầu bà M kết bạn qua ứng dụng Zalo thì bà M đồng ý. Người đàn ông này tự xưng là Thiếu tướng trong quân đội Hoa Kỳ đang đóng tại Syria, nơi này đang có chiến tranh nên không an toàn, ông ta muốn về Việt Nam sinh sống và muốn gửi kiện hàng về cho bà M giữ giúp, bà M đồng ý. Người đàn ông này yêu cầu bà M cung cấp thông tin, đồng thời bảo bà M kết bạn với người giao hàng tên Don Lucky trên Zalo. Sau đó, bà M nhận được tin nhắn của người giao hàng với nội dung: Kiện hàng đã về tới Cảng hàng không sân bay Quốc tế Hà Nội, yêu cầu bà M chuyển tiền phí dịch vụ vận chuyển qua một tài khoản ngân hàng Vietcombank. Bà M sử dụng phần mềm Internet Banking và chuyển vào tài khoản trên số tiền 24.000.000 đồng. Sau đó, tiếp tục yêu cầu bà M đóng thêm tiền với lý do kiện hàng có nhiều tiền ngoại tệ nên phải đóng phí nên bà M tiếp tục chuyển số tiền 81.000.000 đồng. Khi nhận được tiền, người này tiếp tục yêu cầu bà M chuyển số tiền 165.000.000 đồng để làm thủ tục giao hàng về địa chỉ của bà và bà M đồng ý. Đến sáng ngày 07/02/2020, biết mình bị lừa nên bà M đã đến Cơ quan Công an trình báo. Tổng số tiền bà M bị chiếm đoạt là 270.500.000 đồng.

Vụ thứ ba: Vào sáng ngày 18/3/2020, chị Nguyễn Thị Mỹ Th (Sn: 1994, trú P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu) nhận được cuộc gọi từ số thuê bao +37.067.587.229 từ một người đàn ông tự xưng là Nguyễn Văn Sỹ (công tác tại Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội) với nội dung: Thông báo cho chị Th có mở tài khoản tại Ngân hàng Agribank TP. Hà Nội về việc Ngân hàng này gửi đơn kiện đến Tòa án nhân dân TP. Hà Nội việc chị Th không trả số tiền 45.986.350 đồng. Sau khi nghe thông tin trên, chị Th khẳng định là không có nợ ngân hàng thì người đàn ông này nói khả năng chị Th đã bị các đối tượng ăn cắp thông tin cá nhân và sử dụng thông tin này để thực hiện hành vi phạm tội, nên người đàn ông này yêu cầu chị Th nếu có tài khoản nào khác thì cung cấp để phục vụ kiểm tra xác minh. Sau đó người đàn ông này thông báo tài khoản của chị Th tại Ngân hàng Bắc Á có số tiền 6.800.000.000 đồng. Người này thông báo, các đối tượng sử dụng tài khoản của chị Th để thực hiện việc rửa tiền, nên yêu cầu chị Th hợp tác với Công an. Quá trình trao đổi, chị Th đồng ý chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do người này cung cấp để phục vụ điều tra. Sau đó, người đàn ông này tiếp tục yêu cầu chị Th chuyển tiền thì chị Th không đồng ý, nghi ngờ mình bị lừa, nên chị Th đã trình báo Cơ quan Công an. Chị đã thực hiện 03 lần chuyển tiền vào số tài khoản trên tổng cộng 84.000.000 đồng.

VKSND quận Liên Chiểu nhận thấy, các đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản chủ yếu qua qua mạng xã hội bằng các thủ đoạn: Đối tượng phạm tội liên kết với nhau dùng tài khoản Facebook, Zalo nhắn tin làm quen với những người phụ nữ, tự xưng là lính, binh sĩ ở nước ngoài, có nhu cầu gửi quà về Việt Nam cho những người đã làm quen, sau đó yêu cầu những người này chuyển các khoản phí gửi hàng qua tài khoản cá nhân; sử dụng các phương tiện điện tử nhắn tin thông báo trúng thưởng đến những người sử dụng điện thoại, Facebook và yêu cầu người dùng nạp thẻ điện thoại hoặc thanh toán các khoản phí đến tài khoản do đối tượng cung cấp để làm hồ sơ nhận thưởng; truy cập bất hợp pháp vào tài khoản Facebook của người dùng (hack tài khoản) sau đó mạo danh người dùng nhắn tin với những người thân quen mượn tiền hoặc yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp; thiết lập tài khoản Facebook và đăng lên các trang tin với nội dung cho vay tiền lãi suất thấp, không cần thế chấp nhưng thực chất không có hoạt động này, yêu cầu người dùng nếu muốn vay tiền thì phải nộp các khoản phí để làm hồ sơ.

 

VKSND quận Liên Chiểu làm việc với đại diện UBND quận

Từ những vụ án cụ thể trên, để đảm bảo công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương, Viện kiểm sát nhân dân quận Liên Chiểu kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Liên Chiểu áp dụng các biện pháp sau để phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong thời gian tới:

Một là, tăng cường công tác chỉ đạo đối với lực lượng Công an trong việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm liên quan đến lừa đảo qua mạng xã hội. Kịp thời xác minh, xử lý triệt để các nguồn tin thuộc lĩnh vực phụ trách nhằm phục vụ việc phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hành vi lừa đảo qua mạng xã hội.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong quần chúng nhân dân liên quan đến các trang mạng xã hội, internet, khuyến cáo người dân không nên công khai các hình ảnh và thông tin cá nhân như: tên tuổi, ngày, tháng, năm sinh, địa chỉ cư trú của mình... lên mạng xã hội, không cung cấp mật khẩu tài khoản cá nhân cho người khác. Khi nhận được yêu cầu chuyển tiền thông qua các dịch vụ online từ bất cứ người nào cần phải gọi điện hoặc xác nhận trực tiếp trước khi chuyển tiền, cần phải đề cao cảnh giác khi tham gia các giao dịch trên mạng xã hội để không trở thành nạn nhân của loại tội phạm này, đồng thời tích cực thông tin, tố giác kịp thời đến cơ quan chức năng khi phát hiện tội phạm.

Ba là, chỉ đạo Đài phát thanh quận và các hội đoàn thể có liên quan tăng cường số lượng tin, bài tuyên truyền về công tác phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhất là phổ biến về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng để chiếm đoạt tài sản. Sử dụng, thiết lập các tài khoản mạng xã hội chính thống của các cơ quan, tổ chức đoàn thể để lồng ghép tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác, phòng chống về tội phạm nói chung và hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội nói riêng đến tầng lớp nhân dân.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang