VKSND cấp cao tại TP. HCM kháng nghị giám đốc thẩm vụ án liên quan đến khu dân cư “nghìn tỷ” ở Bình Dương

28/06/2021 22:34

(kiemsat.vn)
VKSND cấp cao tại TP. HCM cho rằng các cấp xét xử trước đó không xem xét, đánh giá chứng cứ một cách toàn diện, có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không đánh giá được tính chất, mức độ, gây thất thoát ngân sách Nhà nước... do vậy, quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm để giải quyết lại.

Viện cấp cao 3 quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm cả 2 Bản án sơ thẩm và phúc thẩm theo hướng hủy để giải quyết lại

Theo đó, tại Quyết định số 174/QĐKNGĐT-VKS-KDTM ngày 22/6/2021, VKSND cấp cao tại TP. HCM (Viện cấp cao 3) đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP. HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy Bản án sơ thẩm số 99/2020/KDTM-ST ngày 12/11/2020 của TAND Quận 7 và Bản án phúc thẩm số 264/2021/KDTM-PT ngày 24/3/2021 của TAND TP. HCM để giải quyết lại; đồng thời, tạm đình chỉ thi hành đối với Bản án sơ thẩm và phúc thẩm nói trên cho đến khi có Quyết định giám đốc thẩm.

Tòa án cấp sơ thẩm có nhiều vi phạm pháp luật nghiêm trọng

Trong vụ án này nguyên đơn là Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú), bị đơn là Công ty Cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (Công ty Nam Sài Gòn) trong việc bán đấu giá tài sản tại Dự án Khu dân cư Hòa Lân (Bình Dương), dự án có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Theo Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, Viện cấp cao 3 cho rằng Agribank Chợ Lớn đã nhận thức được việc Công ty Thiên Phú đã mất khả năng thanh toán, công ty chỉ còn Dự án Khu dân cư Hòa Lân là dự án cuối cùng được đem ra đấu giá để trả nợ. Lẽ ra, Agribank Chợ Lớn phải có trách nhiệm trong việc tổ chức đấu giá khách quan, công bằng, thẩm định giá đấu giá đúng với giá đất nhà nước quy định... đảm bảo thu hồi đến mức tối đa số nợ của Công ty Thiên Phú về cho nhà nước.

Tuy nhiên, Argibank Chợ Lớn cùng với Công ty Nam Sài Gòn đã thực hiện đấu giá không khách quan, tổ chức thẩm định giá không phù hợp với giá đất thị trường và giá đất Nhà nước quy định; giảm giá đấu giá thiếu căn cứ. Điều này dẫn đến Nhà nước (Agribank là đơn vị 100% vốn Nhà nước) chỉ thu về được 1.353 tỷ đồng từ Công ty Kim Oanh. Số nợ còn lại là hơn 1.111 tỷ đồng mà Tòa án cấp phúc thẩm tuyên buộc Công ty Thiên Phú phải trả cho ngân hàng là không có khả năng thi hành án vì trên thực tế công ty đã không còn hoạt động, không còn tài sản, không còn khả năng trả nợ. Vì vậy Nhà nước bị thất thoát số tiền đặc biệt lớn. Đây là những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, cần thiết phải hủy kết quả bán đấu giá, hủy hợp đồng bán đấu giá tài sản để giải quyết lại nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Quyết định kháng nghị cũng cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm không làm rõ những vi phạm nghiêm trọng của Agribank Chợ Lớn, Công ty Nam Sài Gòn, Công ty Thế Hệ Mới, Văn phòng công chứng Thành Phố Mới trong việc vi phạm nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch, công bằng trong đấu giá tài sản. Ngoài ra còn sử dụng chứng thư hết hạn, vi phạm nguyên tắc định giá tài sản; Vi phạm điều cấm của luật trong việc thế chấp, đấu giá và chuyển nhượng là quyền sử dụng đất mà Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; Vi phạm Luật công chứng; Tính sai giá và diện tích của tài sản đấu giá; Cố tình bao che và không có biện pháp xử lý quyết liệt đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán của đơn vị trúng đấu giá...

Cũng theo Viện cấp cao 3, việc Tòa án căn cứ kết luận thanh tra số 62/KL-TTR ngày 24/12/2018 để cho rằng những vi phạm, sai sót trong việc bán đấu giá tài sản của Agribank Chợ Lớn và các đơn vị liên quan chưa đến mức cần thiết hủy kết quả đấu giá và hợp đồng bán đấu giá tài sản là không xem xét, đánh giá chứng cứ một cách toàn diện, khách quan, bỏ lọt những vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Đồng thời Tòa cũng không đánh giá được tính chất, mức độ của những vi phạm đã xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, gây thất thoát của Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.

Bên cạnh đó việc cấp tín dụng, thế chấp, đấu giá, chuyển nhượng dự án Hòa Lân của Agribank Chợ Lớn là những vi phạm nghiêm trọng trong việc phê duyệt quy hoạch dự án cho Công ty Thiên Phú của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tỉnh Bình Dương cũng không được Tòa án xem xét đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện, nên không làm rõ hậu quả là dự án không được triển khai, kéo dài, gây thất thoát, lãnh phí tài sản của Nhà nước ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng. Những vi phạm này có dấu hiệu hình sự, đã được kiến nghị xử lý nhưng đến nay chưa có kết quả, do đó cần thiết phải tiếp tục kiến nghị xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Việc Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét đánh giá các vi phạm pháp luật nghiêm trọng nêu trên của bản án sơ thẩm, giữ nguyên án sơ thẩm mà còn tính sai số tiền lãi Công ty Thiên Phú phải trả ngân hàng, tổng cộng là 2.687 tỷ đồng nhưng Bản án phúc thẩm chỉ xác định số tiền tổng cộng là 2.561 tỷ đồng, tức là thiếu hơn 125 tỷ đồng nên khi tuyên buộc Công ty Thiên Phú phải trả cho Agribank Chợ Lớn số tiền hơn 1.111 tỷ đồng là không chính xác, dẫn đến việc tính án phí liên quan nghĩa vụ trả nợ cũng không chính xác. Như vậy, căn cứ khoản 2 Điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự, có cơ sở để hủy toàn bộ hai Bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ tranh chấp đúng quy định pháp luật.

Dự án Khu dân cư Hòa Lân có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng

Theo Viện cấp cao 3, Dự án Hòa Lân có hai phần đất tạo thành, không thể tách rời trong dự án, đó là phần đất Nhà nước có thu tiền (243.912m2) và phần đất Nhà nước không thu tiền (246.853,1m2). Do đó, nếu tài sản thế chấp là tài sản hình thành trong tương lai thì trong hợp đồng phải thể hiện cùng lúc hai phần đất này và vẫn đủ điều kiện để đăng ký giao dịch nhưng thực tế là hai phần đất này bị ngân hàng tách riêng làm hai hợp đồng riêng biệt với lý do là phần đất Nhà nước không thu tiền không được đăng ký giao dịch đảm bảo và còn phần đất Nhà nước có thu tiền được đăng ký giao dịch đảm bảo là không có cơ sở.

Như vậy, có cơ sở khẳng định, Công ty Thiên Phú và Agribank Chợ Lớn thế chấp và nhận thế chấp Quyền sử dụng đất Nhà nước không thu tiền sử dụng đất là vi phạm khoản 2 Điều 109 Luật đất đai năm 2003 (Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất).

Trong vụ án này, Tòa án cần phân định rạch ròi là bán đấu giá tài sản là “dự án hình thành trong tương lai” hay là bán “các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” của dự án đang cầm cố?! vấn đề mâu thuẫn này được nêu khá chi tiết trong Quyết định kháng nghị của Viện cấp cao 3.

Đối với việc bán đấu giá tài sản là “dự án hình thành trong tương lai”, Viện cấp cao 3 cho rằng, mặc dù chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước nhưng Agribank Chợ Lớn, Công ty Nam Sài Gòn và Công ty Kim Oanh vẫn thực hiện việc ký kết hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá tại Phòng công chứng Thành Phố Mới và đã được chứng thực. Hành vi chứng thực này của Phòng công chứng Thành Phố Mới đã vi phạm khoản 6 Điều 40 Luật Công chứng, tạo điều kiện cho các bên hoàn tất giao dịch mà không cần phải có sự chấp thuận của UBND tỉnh.

Sau khi trúng đấu giá, Công ty Kim Oanh nhiều lần vi phạm cam kết nghĩa vụ thanh toán trong thời gian đến 2 năm, ngày 21/5/2019 mới thanh toán đủ số tiền. Kháng nghị cho rằng:Lẽ ra trong trường hợp này, Agribank Chợ Lớn phải áp dụng Điều 17 Quy chế đấu giá để hủy kết quả đấu giá vô điều kiện, không hoàn lại số tiền mà bên vi phạm đã thanh toán, buộc bồi thường thiệt hại,..., nhưng ngân hàng đã nhân nhượng, cố tình bao che vi phạm và không có biện pháp xử lý quyết liệt đối với Công ty Kim Oanh là vi phạm quy chế đấu giá, thông báo đấu giá và quy định ban đầu của chính Agribank Chợ Lớn đưa ra tại công văn số 196/NHNoCL-TD ngày 28/4/2017, làm ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ xấu của ngân hàng cũng như quyền lợi của Nhà nước.

Ngoài ra, theo Quyết định kháng nghị, có những vi phạm nguyên tắc khách quan, độc lập, công khai, minh bạch, công bằng quy định trong Luật đấu giá. Việc tổ chức đấu giá của cả 3 dự án đều có những vi phạm giống nhau và những vị phạm này được thiết lập trên một phương thức chung, đó là tạo ra những quy định đấu giá khắt khe, nhưng sau khi đấu giá thành thì có sự thay đổi quy chế theo hướng tạo thuận lợi hơn cho bên trúng đấu giá, cụ thể là:

Quy chế đấu giá ban đầu đưa ra rất khắt khe như buộc các đơn vị tham gia phải thanh toán toàn bộ tài sản trúng đấu giá trong vòng 45 ngày; phải đảm bảo phải có sự chấp thuận chuyển nhượng dự án của UBND tỉnh. Những quy định khắt khe này làm cho các đơn vị tham gia e ngại, không dám tham gia đấu giá hoặc tham gia đấu giá cũng không dám trả giá cao hơn vì sợ rằng không đủ khả năng thực hiện phương thức thanh toán trong 45 ngày. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến xác định giá trị tài sản đấu giá.

“Nhưng sau khi đấu giá thành thì đơn vị tổ chức đấu giá thay đổi lại quy chế, đó là thay đổi phương thức thanh toán theo hướng thuận lợi hơn, cho phép đơn vị trúng đấu giá được chậm thanh toán với lãi suất thấp. Việc thay đổi này là vi phạm nguyên tắc bình đẳng, vì nếu trước khi đấu giá các đơn vị tham gia biết trước được việc thay đổi phương thức thanh toán dễ dàng thì họ sẽ trả giá cao hơn, làm cho giá đấu giá đi gần đến giá trị thực của nó, đồng nghĩa với việc Nhà nước không bị thất thoát tài sản”, Viện cấp cao 3 nêu rõ.

Gây thiệt hại cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng

Mặc dù vi phạm thời hạn thanh toán, nhưng Agribank Chợ Lớn và Công ty bán đấu giá Nam Sài Gòn không hủy bỏ kết quả bán đấu giá và thu hồi số tiền đặt cọc là 96,3 tỷ đồng. Đồng thời Agribank Chợ Lớn và Công ty bán đấu giá Nam Sài Gòn cũng không có văn bản đôn đốc thanh toán, thậm chí hợp thức hóa bằng cách ký biên bản làm việc đồng ý gia hạn thời hạn thanh toán cho Công ty Kim Oanh. Việc làm của Agribank Chợ Lớn là trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, theo bảng giá đất năm 2015 – 2017 đối với đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai, theo quyết định số 66/2015/QĐ-UBND ngày 23/12/2015 của UBND tỉnh Bình Dương và quyết định 04/2017/QĐ-UBND ngày 17/2/2017 của UBND tỉnh Bình Dương, thì đất dự án KDC Hòa Lân thuộc loại 1 (Đơn giá 4.752.000 đồng x hệ số điều chỉnh: 0.9 x hệ số K: 1.3) là 5.559.840 đồng/m2. Do đó giá trị tài sản thực tế là QSDĐ của dự án KDC Hòa Lân theo đơn giá UBND tỉnh Bình Dương sẽ hơn 2.728 tỷ đồng (490.765,1 m2 x 5.559.840 đồng). Nhưng chứng thư thẩm định giá số 403/2015/CT-VALUCO ngày 12/5/2015 xác định giá trị tài sản hơn 1.467 tỷ đồng, là không phản ánh đúng giá trị thị trường của tài sản.

Bên cạnh đó, các chứng thư thẩm định giá số 403/2015/CT-VALUCO ngày 12/5/2015 và chứng thư thẩm định giá số 246/CT-THM ngày 19/4/2016 đều chỉ có hiệu lực trong thời hạn 6 tháng và đều hết thời hạn hiệu lực vào thời điểm xác định giá khởi điểm để bán đấu giá ngày 25/5/2017. Theo quy định của pháp luật, hết thời hạn 6 tháng các chứng thư hết giá trị thì phải định giá lại tài sản để làm căn cứ xác định giá khởi điểm để bán đấu giá. Nhưng Agribank Chợ Lớn, Công ty bán đấu giá Nam Sài Gòn, Công ty Cổ phần Thẩm định giá và Tư vấn Quốc tế và Công ty Kim Oanh vẫn sử dụng chứng thư đấu giá không còn giá trị pháp lý, giá trị tài sản theo chứng thư không đúng với giá trị thị trường để làm căn cứ xác định giá khởi điểm là trái quy định của pháp luật hiện hành. Hành vi của Agribank Chợ Lớn và Công ty bán đấu giá dẫn đến việc xác định giá tài sản chỉ đạt 1.353 tỷ đồng, đã làm thiệt hại tối thiểu số tiền hơn 1.375 tỷ đồng (2.728 tỷ đồng - 1.353 tỷ đồng).

Ngoài ra, Công ty bán đấu giá Nam Sài Gòn được Agribank Chợ Lớn chọn tổ chức BĐGTS. Trong khi ông Nguyễn Việt Hưng (em vợ ông Phạm Đăng Bộ - Giám đốc Agribank Chợ Lớn) là Trưởng phòng Pháp chế, Phó phòng Hành chính nhân sự Agribank Chợ Lớn sở hữu 76% vốn điều lệ của Công ty bán đấu giá.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang