Viện kiểm sát vạch rõ 3 giai đoạn phạm tội của Phan Văn Vĩnh

22/11/2018 09:54

Theo nhận định của VKSND tỉnh Phú Thọ trong phần luận tội đối với bị cáo Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), sai phạm của bị cáo được chia làm 3 giai đoạn.

Tại phiên tòa, Phan Văn Vĩnh cho rằng bản thân không phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ như Cáo trạng truy tố, mà cho rằng bị cáo chỉ thiếu trách nhiệm, đã để cấp dưới là Nguyễn Thanh Hóa tạo điều kiện thuận lợi cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc trực tuyến.

Viện Kiểm sát đưa ra quan điểm cho rằng Phan Văn Vĩnh cùng với Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao – C50) tạo điều kiện giúp cho Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty CNC) cùng đồng bọn hoạt động tổ chức đánh bạc trái phép, thể hiện trong 3 giai đoạn.

Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ luận tội các bị cáo ngày 21/11/2018.

Giai đoạn 1, Phan Văn Vĩnh biết Công ty CNC có ý tưởng làm trái pháp luật trong lĩnh vực công nghệ cao nhưng không giáo dục, phòng ngừa.

Trước khi game bài RikVip/Tip.Club, 23Zdo,… được vận hành trái phép, Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa có rất nhiều báo cáo trình lãnh đạo cấp trên nhằm cấp phép cho Công ty CNC vận hành cổng thanh toán, kết nối với các công ty phát hành game lậu để thâm nhập, nắm tình hình.

Giai đoạn 2, Phan Văn Vĩnh biết Công ty CNC vận hành game bài trái phép nhưng không ngăn chặn, tiến đến một mặt cho phép vận hành, một mặt báo cáo để xin cho phép vận hành thí điểm (dấu hiệu tiền trảm hậu tấu).

Trước khi game bài RikVip được vận hành, từ 18/4/2015, Nguyễn Văn Dương đã báo cáo Nguyễn Thanh Hóa và được Hóa nói “mình làm việc này là để bắt tội phạm”.

Đến ngày 14/5/2015, theo đề nghị của C50, Phan Văn Vĩnh ra Quyết định 158/QĐ-C41-C50 công nhận CNC là công ty bình phong thuộc C50. Chính Quyết định này đã tạo chỗ dựa vững chắc để CNC hợp tác với VTC Online vận hành game đánh bạc.

Công ty CNC vừa có trụ sở trong lòng doanh trại của Tổng cục Cảnh sát, vừa có Quyết định công nhận là đơn vị nghiệp vụ của C50 nên không cơ quan, đơn vị nào dám xử lý. Chính nội dung này đã được các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Phú Thọ xem xét không đề cập trách nhiệm của một số cán bộ cơ quan khác thuộc lực lượng Công an.

Sau Quyết định trên, Nguyễn Văn Dương đã trình rất nhiều văn bản gửi đến C50 và Phan Văn Vĩnh đề cập đến việc hợp thức hóa game bài. Hầu hết các Văn bản này đều được ông Vĩnh cho bút phê chỉ đạo.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh ngồi nghe Viện Kiểm sát nêu quan điểm luận tội.

Giai đoạn 3, Phan Văn Vĩnh biết CNC và VTC Online có hành vi trái pháp luật nhưng không chấp hành chỉ đạo của cấp trên, tiếp tục chỉ đạo cấp dưới báo cáo không trung thực, tiếp tục giúp sức cho hoạt động tổ chức đánh bạc.

Viện Kiểm sát nhận định Phan Văn Vĩnh là người giữ vai trò cầm đầu, chỉ huy đối với Nguyễn Thanh Hóa trong việc tạo điều kiện, nâng đỡ, bao che cho Nguyễn Văn Dương cùng đồng bọn tổ chức đánh bạc trái phép.

Hành vi của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa còn thể hiện rất rõ dấu hiệu “Cố ý không chấp hành mệnh lệnh cấp trên”, mặc cho lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu báo cáo và dừng game bài nhưng vẫn tìm mọi cách báo cáo lên cấp cao hơn nhằm tạo điều kiện cho game bài hoạt động trái phép; hợp thức, xóa dấu vết khi bị Thanh tra Tổng cục yêu cầu giải trình, báo cáo.

Còn Nguyễn Thanh Hóa là người thực hành, truyền đạt ý kiến của Phan Văn Vĩnh, ngăn cản cấp dưới kiểm tra, xử lý đối với game bài trái phép.

Bị cáo Phan Văn Vĩnh trả lời HĐXX.

Về chủ thể, Phan Văn Vĩnh là người có chức vụ, quyền hạn với đầy đủ công cụ, phương tiện, lực lượng được Nhà nước giao để thực hiện việc phòng ngừa, trấn áp, có ý nghĩa quyết định việc sống – còn của game bài do Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương vận hành nhưng Phan Văn Vĩnh không làm mà để tồn tại, phát triển gây ra hậu quả đặc biệt nguy hiểm cho xã hội.

Do vậy, Viện Kiểm sát nhận định Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu bảo kê, nhận hối lộ, trong đó Phan Văn Vĩnh là người chỉ huy, Nguyễn Thanh Hóa là người thực hiện tích cực.

Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ xác định Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa hưởng lợi cá nhân. Do vậy, việc xem xét xử lý hành vi của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa mới dừng lại ở mức độ đủ yếu tố cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” được quy định tại khoản 3 Điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999, nhưng áp dụng tình tiết có lợi cho bị cáo được quy định tại Điều 7 Bộ luật Hình sự thì hành vi phạm tội của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa được áp dụng xử lý theo điểm a khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi năm 2017.

Từ các lập luận đó, Viện Kiểm sát kiến nghị HĐXX tuyên phạt Phan Văn Vĩnh từ 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thanh Hóa từ 7 năm 6 tháng đến 8 năm tù.

Xem thêm>>>

Ông Phan Văn Vĩnh bị đề nghị phạt 84 - 90 tháng tù

Gia đình nhiều bị cáo ly tán vì cuốn vào Rikvip vụ đánh bạc nghìn tỷ

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang