Viện kiểm sát quân sự qua gần 60 năm xây dựng và phát triển

06/05/2020 16:12

(kiemsat.vn)
Hướng tới Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện kiểm sát quân sự (12/5/1961 - 12/5/2021), Kiemsat.vn trân trọng giới thiệu bài viết của Thiếu tướng Tạ Quang Khải, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương (bài viết đã được đăng trên Tạp chí Kiểm sát số 08/2020, phát hành ngày 15/4/2020).

Về quá trình hình thành Viện kiểm sát quân sự

Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, đánh dấu sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Chính quyền mới từng bước được thành lập, hệ thống tòa án, công tố được thành lập song song với hệ thống cơ quan hành pháp nhằm bảo vệ hiệu quả nền độc lập của nước nhà. Ngày 13/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 13C-SL, trong đó quy định: “Đứng buộc tội là một ủy viên quân sự hay một ủy viên của Ban trinh sát”. Như vậy, chức năng công tố đã được xác định bằng một văn bản pháp luật của nhà nước, mặc dù lúc đó chưa có cơ quan Công tố riêng biệt mà còn nằm trong tổ chức của Tòa án quân sự.

Những năm sau đó, Chính phủ ban hành nhiều sắc lệnh về công tác tư pháp, các văn bản này chính là những cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự hình thành Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), trong đó, có Viện kiểm sát quân sự (VKSQS): Sắc lệnh số 163 ngày 23/8/1946 thành lập Tòa án binh lâm thời đặt tại Hà Nội; Sắc lệnh số 19/SL ngày 16/2/1947 thành lập các Tòa án binh khu; Sắc lệnh số 45/SL ngày 25/4/1947 thành lập Tòa án binh tối cao quản hạt là toàn cõi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Sắc lệnh số 59/SL thành lập Tòa án binh khu trung ương, đặt tại Bộ Quốc phòng… Ngày 01/7/1959, Chính phủ ban hành Nghị định số 256-TTg quy định về nhiệm vụ và tổ chức của Viện công tố trung ương và hệ thống Viện công tố. Nhiệm vụ chung của Viện công tố các cấp là: Giám sát việc tuân thủ và chấp hành pháp luật Nhà nước, truy tố theo luật hình sự những người phạm tội để bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tài sản công, bảo vệ quyền và lợi ích của công dân, đảm bảo cho công cuộc kiến thiết và cải tạo xã hội chủ nghĩa tiến hành thuận lợi. Nhiệm vụ cụ thể của Viện công tố là: Điều tra và truy tố trước Toà án những kẻ phạm pháp về hình sự; giám sát việc chấp hành luật pháp trong công tác điều tra của Cơ quan điều tra; giám sát việc chấp hành luật pháp trong việc xét xử của các Toà án; giám sát việc chấp hành pháp luật trong việc thi hành các bản án về hình sự, dân sự và trong hoạt động của cơ quan giam giữ và cải tạo; khởi tố và tham gia tố tụng trong những vụ án dân sự quan trọng có liên quan đến lợi ích của nhà nước và của công dân. Hệ thống Viện công tố gồm có: Viện công tố trung ương; Viện công tố địa phương các cấp; Viện công tố quân sự các cấp. Nhân sự Viện công tố gồm có Viện trưởng, Phó Viện trưởng và một số Công tố uỷ viên.

Thiếu tướng Tạ Quang Khải, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương

Ngày 15/7/1960, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua Luật tổ chức VKSND. Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 20-LCT công bố Luật tổ chức VKSND. Trong đó, tại Điều 4 quy định VKSND gồm có: Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các VKSND địa phương và các Viện kiểm sát quân sự.

Như vậy, Luật tổ chức VKSND năm 1960 là cơ sở pháp lý quan trọng đánh dấu bước ngoặt lớn chuyển từ Viện công tố trở thành VKSND. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, VKSND được quy định là một cơ quan nhà nước độc lập, tổ chức và hoạt động để thực hiện chức năng, nhiệm vụ đó là: “Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật, làm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế dân chủ nhân dân được giữ vững. Mục đích của việc kiểm sát là bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, trật tự xã hội, tài sản công cộng và những quyền lợi hợp pháp của công dân, góp phần bảo đảm cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh nhằm thực hiện thống nhất nước nhà được tiến hành thắng lợi”.

Thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 1959 và Luật tổ chức VKSND năm 1960, tại phiên họp từ ngày 24 đến ngày 29/4/1961, Thường trực Quân ủy trung ương ra quyết nghị tổ chức VKSQS trong Quân đội và chỉ định Thiếu tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Quang Đạo, giữ chức vụ Viện trưởng VKSQS trung ương.

Thi hành quyết nghị trên của Thường trực Quân ủy Trung ương, ngày 12/5/1961, Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng đã ra Thông tri số 06/TT-H hướng dẫn tổ chức các VKSQS. Viện kiểm sát quân sự thuộc hệ thống VKSND, đặt trong Quân đội dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Đảng ủy Quân sự trung ương (nay là Quân ủy trung ương) và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sự chỉ đạo về mặt nghiệp vụ của Viện trưởng VKSND tối cao, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát được quy định trong Luật tổ chức VKSND, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Quân đội, giữ vững trật tự kỷ cương của nhà nước trong các giai đoạn của cách mạng. Ngày 07/8/2009, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 2628/QĐ-BQP công nhận ngày 12/5/1961 là ngày truyền thống của ngành Kiểm sát quân sự.

Quá trình xây dựng và phát triển, đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát quân sự trong gần 60 năm qua

Quá trình xây dựng và phát triển, hệ thống tổ chức và hoạt động của VKSQS các cấp dần được khẳng định ở những văn bản có tính pháp lý cao hơn, từ Thông tri số 06/TT-H ngày 12/5/1961 của Tổng cục Chính trị, Pháp lệnh tổ chức VKSQS năm 1986 (Pháp lệnh tổ chức VKSQS sửa đổi, bổ sung năm 1990, Pháp lệnh tổ chức VKSQS sửa đổi, bổ sung năm 1993), Pháp lệnh tổ chức VKSQS năm 2002. Các pháp lệnh tổ chức VKSQS được ban hành đã cụ thể hóa quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của VKSQS, đồng thời, thể hiện đặc thù hoạt động kiểm sát trong Quân đội. Các văn bản pháp luật là căn cứ pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của VKSQS, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm thuộc thẩm quyền các cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội nói riêng. Tuy nhiên, trước những vấn đề còn thách thức của tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, đòi hỏi tổ chức và hoạt động của VKSQS cần phải được tiếp tục đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Việc nghiên cứu, tổng kết thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh tổ chức VKSQS năm 2002, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và những văn bản trong lĩnh vực tư pháp có liên quan đã được triển khai, thực hiện, bảo đảm tính hoàn thiện hơn, khắc phục những bất cập, vướng mắc từ thực tiễn thi hành và bảo đảm thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có VKSQS các cấp. Theo đó, tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của VKSQS đã được quy định hoàn thiện hơn và được pháp điển hóa trong Luật tổ chức VKSND năm 2014, thay vì quy định bằng Pháp lệnh tổ chức VKSQS hoặc các văn bản khác như trước đây.

Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định các VKSQS thuộc hệ thống VKSND được tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam để thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong Quân đội. Với chức năng được giao, VKSQS có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất; bảo vệ an ninh, quốc phòng, kỷ luật và sức mạnh chiến đấu của Quân đội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của quân nhân, công chức, viên chức và người lao động khác trong Quân đội; bảo đảm mọi hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật phải được xử lý nghiêm minh. Hệ thống VKSQS gồm VKSQS trung ương, VKSQS quân khu và tương đương, VKSQS khu vực. Viện kiểm sát quân sự trung ương thuộc cơ cấu tổ chức của VKSND tối cao.

Trải qua gần 60 năm xây dựng và phát triển, VKSQS từ một bộ phận thuộc biên chế Cục Quân pháp, Tòa án binh, Tòa án quân sự trước đây với nhiệm vụ chủ yếu là thực hành quyền công tố tại các phiên tòa, sau khi Luật tổ chức VKSND năm 1960 được ban hành, theo Quyết định số 26/QP ngày 22/8/1962 của Bộ Quốc phòng (khi đó biên chế chính thức của VKSQS là 162 sỹ quan); VKSQS trở thành một hệ thống hoàn chỉnh với 2 cấp, gồm 18 Viện, trong đó VKSQS trung ương (cấp 1), 17 VKSQS quân khu và tương đương (cấp 2). Các VKSQS được.

đặt trong Quân đội, bên cạnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát, còn thực hiện những nhiệm vụ chính trị của Quân đội. Để các hoạt động này của VKSQS các cấp đi vào nền nếp, bảo đảm việc lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, xuyên suốt trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên môn, cũng như thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Quân đội, ngày 01/02/1963, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-TW về công tác kiểm sát. Theo đó, Nghị quyết đã nêu rõ: “Công tác kiểm sát trong Quân đội do cơ quan kiểm sát quân sự các cấp đảm nhiệm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy trung ương. Về mặt chuyên môn, hệ thống VKSQS chịu sự lãnh đạo về nghiệp vụ của Viện trưởng VKSND tối cao. Để tăng cường sự lãnh đạo công tác kiểm sát và thống nhất kiểm sát việc chấp hành pháp luật trong và ngoài Quân đội, Viện trưởng VKSQS trung ương đồng thời giữ chức vụ Phó Viện trưởng VKSND tối cao”.

Quá trình xây dựng và phát triển về tổ chức và hoạt động, VKSQS trải qua các giai đoạn sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy làm việc bảo đảm việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tiễn trong mỗi giai đoạn, hướng tới tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động có chất lượng, đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm một cách hiệu quả, góp phần xây dựng kỷ cương, kỷ luật trong Quân đội. Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Nghị quyết số 67/NQ-ĐUQSTW ngày 08/3/2007 của Đảng ủy Quân sự trung ương (nay là Quân ủy trung ương) lãnh đạo thực hiện chiến lược cải cách tư pháp trong Quân đội đến năm 2020, đến nay, VKSQS các cấp đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhận thức và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, trong công tác cán bộ và tổ chức bộ máy làm việc.

Trên cơ sở quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014, thực hiện Nghị quyết số 954/NQ-UBTVQH13 ngày 28/5/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập, giải thể các VKSQS quân khu và tương đương, các VKSQS khu vực (Nghị quyết số 954/NQ-UBTVQH13), đã thành lập 11 VKSQS quân khu và tương đương, 28 VKSQS khu vực; giải thể 04 VKSQS quân đoàn và 04 VKSQS khu vực trực thuộc quân đoàn. Như vậy, hệ thống VKSQS hiện nay có tổng số 40 đơn vị ở 3 cấp: Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực; thu hẹp số đầu mối các VKSQS so với trước khi thực hiện Luật tổ chức VKSND năm 2014 và Nghị quyết số 954/NQ-UBTVQH13 từ 51 VKSQS xuống còn 40 VKSQS. Có thể thấy, việc tổ chức đối với VKSQS như hiện nay là quá trình được thực hiện từng bước, đi đến hoàn thiện tổ chức bộ máy theo chiến lược cải cách tư pháp trong Quân đội, đồng thời phù hợp với thực tiễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ cũng như bảo đảm phù hợp với tổ chức của Tòa án quân sự theo hướng cùng giảm bớt đầu mối đơn vị. Về biên chế cũng có những bước điều chỉnh về số lượng cho phù hợp với đầu mối các VKSQS, đồng thời chú ý đến nâng cao chất lượng cán bộ. Thực hiện Quyết định số 1013/QĐ-BQP và Quyết định số 1014/QĐ-BQP ngày 03/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về biên chế các VKSQS, theo đó, VKSQS các cấp được biên chế theo hướng tinh gọn, phù hợp với tổ chức và nhiệm vụ trong tình hình mới (quân số hiện đạt 93,07% lượng biên chế).

Trong những năm gần đây, VKSQS các cấp đã chú trọng nhiều hơn đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Kiểm sát viên, theo hướng cử đi đào tạo ở nước ngoài, phối hợp với các cơ sở đào tạo luật có uy tín để đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, Kiểm sát viên. Đến nay, số lượng cán bộ, sĩ quan có trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 100% (năm 2005, tỉ lệ này là 95,5%), trong đó, cử nhân luật 75,56%; trình độ sau đại học 24,13% (thạc sĩ 22,86%; tiến sĩ 1,27%). Bên cạnh đó, được sự đồng ý của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, VKSQS trung ương đã xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát quân sự; đồng thời, Viện trưởng VKSQS trung ương ra quyết định thành lập Ban quản lý thực hiện Đề án bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cán bộ ngành Kiểm sát quân sự (Ban quản lý Đề án 31). Theo đó, hằng năm, Ban quản lý Đề án đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tại Trung tâm bồi dưỡng, huấn luyện, góp phần nâng cao kỹ năng nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp cho cho các bộ, Kiểm sát viên. Các VKSQS tăng cường công tác tự đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ; phối hợp với Tòa án quân sự tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm. Điều này cho thấy kết quả rõ nét về tổ chức bộ máy, cũng như công tác tổ chức cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của ngành Kiểm sát quân sự sau gần 60 năm xây dựng và phát triển.

Cùng với những bước chuyển biến, hoàn thiện về tổ chức bộ máy, biên chế và chất lượng cán bộ đáp ứng yêu cầu chiến lược cải cách tư pháp trong Quân đội đến năm 2020 của VKSQS các cấp, công tác tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ cũng được các VKSQS quan tâm, triển khai nghiên cứu, áp dụng nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác, qua đó đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong từng khâu, từng mặt công tác. Hằng năm, quán triệt các nghị quyết của Đảng, Chỉ thị của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân, Viện trưởng VKSQS trung ương ban hành Chương trình công tác kiểm sát quân sự của ngành Kiểm sát quân sự. Trên cơ sở đó, triển khai đồng bộ những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu cần phải thực hiện của VKSQS các cấp, đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; chất lượng hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra VKSQS trung ương; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; tăng cường nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền về ngành Kiểm sát quân sự và đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ.

Triển khai thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2014, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và các văn bản pháp luật mới về lĩnh vực tư pháp; những năm qua, mặc dù còn khó khăn nhất định, song VKSQS các cấp đã triển khai toàn diện các mặt công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ bằng các biện pháp đồng bộ, có kiểm tra, đánh giá chất lượng và hiệu quả công việc qua từng mặt, từng khâu công tác.

Thực hiện khâu đột phá “Quản lý kịp thời, đầy đủ; xử lý đúng pháp luật các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố”; chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” và “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại của Kiểm sát viên tại phiên tòa”…, nhiều chỉ tiêu thuộc các mặt công tác trọng tâm của VKSQS những năm gần đây đều hoàn thành với chất lượng cao hơn chỉ tiêu chung của toàn ngành đề ra: Năm 2018, tỉ lệ kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt 83,8%; tỉ lệ án kiểm sát kết thúc điều tra, đề nghị truy tố đạt 83,4%; tỉ lệ án truy tố chuyển Tòa án xét xử đạt 93,4%; tỉ lệ án kiểm sát xét xử sơ thẩm tại phiên tòa đạt 85,9%. Năm 2019, tỉ lệ kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt 82,9%; tỉ lệ án kiểm sát kết thúc điều tra, đề nghị truy tố đạt 82,9%; tỉ lệ án truy tố chuyển Tòa án xét xử đạt 98,5%; tỉ lệ án kiểm sát xét xử sơ thẩm tại phiên tòa đạt 85,3%... Không có án bị đình chỉ vì hành vi không cấu thành tội phạm hoặc án Viện kiểm sát truy tố, sau đó bị Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội.

Công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu xây dựng pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền về ngành Kiểm sát quân sự được các VKSQS quan tâm và coi là nhiệm vụ quan trọng bên cạnh những nhiệm vụ trọng tâm. Nhiều chuyên đề, đề tài khoa học cấp bộ, cấp cơ sở được triển khai, nghiên cứu và nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng Thông tư liên tịch quy định việc bắt, tạm giữ hình sự và kiểm sát việc bắt tạm giữ hình sự đối với các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam; tham gia ban soạn thảo, tổ biên tập nhiều dự án luật, pháp lệnh, thông tư, nghị định theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng, VKSND tối cao; nghiên cứu góp ý kiến đối với hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác mỗi năm (năm 2018 góp ý 120 văn bản; năm 2019 góp ý 127 văn bản). Viện kiểm sát quân sự trung ương phối hợp với Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Bộ Quốc phòng cùng cấp nghiên cứu, đề xuất, soạn thảo các chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng trong toàn quân; Viện kiểm sát quân sự cấp dưới phối hợp Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cùng cấp, với các cơ quan đơn vị trên địa bàn đóng quân triển khai, xây dựng kế hoạch, trực tiếp phổ biến, giáo dục pháp luật đến các đối tượng trong các cơ quan, đơn vị (năm 2018 phổ biến được 1.962 giờ/ 126.525 lượt người tham dự; năm 2019 phổ biến được 1.622 giờ/120.469 lượt người tham dự). Các VKSQS chủ động, tích cực thực hiện công tác tuyên truyền về ngành Kiểm sát quân sự, trong đó, nhiều VKSQS đã mô hình hóa, sân khấu hóa các hoạt động tuyên truyền về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của VKSQS trên các kênh thông tin đại chúng. Đặc biệt, năm 2018, ngành Kiểm sát quân sự đưa vào khai thác và sử dụng Trang thông tin điện tử VKSQS trung ương, đồng thời, thành lập Ban biên tập để quản lý, duy trì hoạt động của trang tin, góp phần tuyên truyền sâu rộng hơn về ngành Kiểm sát quân sự trong toàn quân.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSQS đã được triển khai trên diện rộng. Đến nay, có 38/40 VKSQS đã kết nối với đường truyền số liệu của Bộ Quốc phòng (đường truyền Misten); 40/40 VKSQS sử dụng đường truyền trực tuyến của VKSND trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ, tổ chức tập huấn trực tuyến trong toàn ngành. Một số VKSQS đã triển khai các trang thiết bị phục vụ cho việc số hóa hồ sơ các vụ án hình sự, bước đầu thu được kết quả khả quan, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, Kiểm sát viên trong quá trình nghiên cứu, thực hiện hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Công tác thống kê hình sự được duy trì nề nếp, thực hiện chế độ tiếp ký liên ngành thống kê hình sự ở hai cấp VKSQS trung ương và VKSQS cấp quân khu với các cơ quan tư pháp cùng cấp trong Quân đội; số liệu thống kê phục vụ hiệu quả cho công tác nghiên cứu và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các VKSQS.

Cùng với những bước phát triển trên các mặt, các lĩnh vực, công tác tổ chức, cán bộ được VKSQS các cấp triển khai nhiều biện pháp, thực hiện khâu đột phá “Nâng cao chất lượng tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đồi ngũ cán bộ Viện kiểm sát quân sự” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hằng năm, VKSQS trung ương và các VKSQS cấp dưới phối hợp tốt với các cơ quan chức năng thực hiện có hiệu quả kế hoạch giải quyết số lượng cán bộ; tích cực, chủ động trong việc phát hiện, tuyển dụng, điều động cán bộ có chất lượng về ngành Kiểm sát quân sự bảo đảm nguồn kiện toàn các chức danh tư pháp, chức danh quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tổ chức thường xuyên, định kỳ các lớp tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ tại Trung bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát quân sự; cử cán bộ, Kiểm sát viên tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do VKSND tối cao tổ chức; cử cán bộ đi học các khóa đào tạo cử nhân, cao học, tiến sĩ ở nước ngoài theo đề án của cơ quan trung ương, qua đó góp phần nâng cao trình độ, chuyên môn của cán bộ, Kiểm sát viên VKSQS các cấp.

Gắn với những kết quả đã đạt được, trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo VKSQS các cấp quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Quân ủy Trung ương về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân, Chương trình công tác kiểm sát quân sự của Viện trưởng VKSQS trung ương tiến hành tổ chức thực hiện Kế hoạch công tác kiểm sát quân sự hằng năm theo đúng phương châm: “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Chất lượng, hiệu quả”. Năm 2020, tiếp tục thực hiện phương châm: “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với chất lượng công tác của đơn vị; chấp hành nghiêm chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành Kiểm sát quân sự, chế độ thỉnh thị và trả lời thỉnh thị, chế độ kiểm tra định kỳ và kiểm kiểm tra nghiệp vụ chuyên khâu. Qua đó, kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót của VKSQS các cấp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Qua gần 60 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt với những kết quả đạt được của VKSQS các cấp trong những năm gần đây, thực hiện chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Nghị quyết số 67/NQ-ĐUQSTW ngày 08/3/2007 của Đảng ủy Quân sự trung ương (nay là Quân ủy trung ương) lãnh đạo thực hiện chiến lược cải cách tư pháp trong Quân đội đến năm 2020 cho thấy, ngành Kiểm sát quân sự đã từng bước trưởng thành, tiến tới hoàn thiện về bộ máy, tổ chức cán bộ, đủ năng lực, trình độ thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân đội giao cho, bảo đảm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Năm 2020, đất nước, Quân đội vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, hạn hán, dịch bệnh kéo dài, tình hình tội phạm vẫn có những diễn biến phức tạp, bên cạnh đó, các thế lực bên ngoài vẫn luôn tìm cách gây mất ổn định chính trị - xã hội... Trước tình hình và nhiệm vụ mới, đòi hỏi VKSQS các cấp cần phát huy kết quả đã đạt được trong gần 60 năm xây dựng và phát triển, tiếp tục đổi mới các biện pháp thực hiện chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn đầy đủ về công tác tổ chức, cán bộ; đề cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp kết hợp với đẩy mạnh các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; bồi dưỡng tại chỗ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh, có đủ năng lực, trí tuệ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang