Viện kiểm sát cần thiết phải có Phòng Giám định kỹ thuật hình sự

21/05/2020 20:37

(kiemsat.vn)
Chiều 21/5, theo Nghị trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Nghị trường thực sự nóng lên khi liên tục các đại biểu xin tranh luận về nội dung Bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện kiểm sát.

Vụ án cầu Chương Dương cho thấy sự cần thiết có thêm một kênh giám định tư pháp ngoài Bộ Công an

Các ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An), ĐBQH Nguyễn Kim Xuân (đoàn Daklak), ĐB Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) có cùng quan điểm cho rằng cho rằng việc bổ sung quy định này, về yêu cầu thực tế là chưa thực sự cần thiết. "Nếu bổ sung Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC sẽ không phù hợp với quan điểm của Đảng tại Nghị quyết 39, Nghị quyết 18 về tinh giản biên chế cũng như sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhà nước", bà Xuân quan ngại. ĐB Nguyễn Hữu Cầu thì tiếp tục bày tỏ sự lo lắng nếu VKSND tối cao tiếp tục tổ chức các Phòng Kỹ thuật hình sự tại VKSND các tỉnh, huyện thì sẽ phình to biên chế.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương), Thiếu tướng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho rằng nếu lấy lý do hiện chỉ có một số đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an đảm nhiệm việc giám định tư pháp dẫn đến quá tải mà bổ sung vào luật quy định về phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC thì e rằng không phù hợp. "Nếu nói vậy, sao chúng ta không thành lập thêm các phòng chuyên môn trong lực lượng Công an”- ĐB Hồng nói và cho rằng nếu lập phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC, tuy không xung đột với hệ thống pháp luật hiện hành song sẽ dẫn đến chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.

ĐB Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: "Nếu giám định công an mà có vấn đề thì lấy cơ quan nào ra để đối chứng"

Xin tranh luận với ĐB Nguyễn Hữu Cầu và ĐB Nguyễn Kim Xuân, ĐB Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho rằng chưa bao giờ yêu cầu về phòng chống tham nhũng và xâm phạm hoạt động tư pháp lại cao như hiện nay. Việc thành lập Phòng KTHS của VKSND tối cao là bắt buộc dựa trên yêu cầu này. “Nếu giám định công an mà có vấn đề thì lấy cơ quan nào ra để đối chứng”, ông Bộ băn khoăn. “Lấy vụ án Tùng Dương ở cầu Chương Dương làm ví dụ, Bộ Công an giám định đi giám định lại không ra, nhưng khi giám định Bộ Quốc phòng vào cuộc thì ra ngay”, ông Bộ khẳng định sự cần thiết có thêm một kênh giám định tư pháp ngoài Bộ Công an để tránh oan sai.

Không tán thành với ĐB Nguyễn Mai Bộ, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, lập tức tiếp tục xin tranh luận và cho rằng quan điểm muốn chống oan sai thì phải thành lập 1 phòng giám định của VKSNDTC là không phù hợp. "Nếu vì tránh oan sai như thế thì phải thành lập cơ quan giám định kỹ thuật hình sự thuộc Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) chứ không phải VKSNDTC, vì tòa mới là trung tâm của nền tư pháp và quyết định của tòa mới buộc được người đó có tội hay không"- ĐB Nguyễn Hữu Cầu nói

Có những vụ án, Bộ Công an giám định hơn 8 tháng mới xong

Giơ biển tranh luận với ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An), ĐBQH Nguyễn Kim Xuân (đoàn Daklak), ĐB Nguyễn Quang Dũng (đoàn Quảng Nam) cung cấp luôn số liệu để chứng minh về sự cần thiết có thêm một kênh giám định tư pháp ngoài Bộ Công an. Theo ông Dũng: “Trong hai năm 2018 và 2019, Cơ quan Điều tra VKSND tối cao trưng cầu 59 vụ việc tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Tính thời gian trung bình để ra kết quả giám định mất từ 2 đến 3 tháng, cá biệt có vụ việc kéo dài tới mức quan ngại. Như vụ nhận hối lộ tại Ba Vì, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an giám định mất tổng cộng thời gian là 4 tháng, 17 ngày. Mới đây nhất là vụ giải quyết tố giác tại Chi cục thi hành án quận Đống Đa thời gian giám định là 8 tháng10 ngày, tức là ngày trưng cầu là ngày 9/9/2019 và đến ngày 19/5/2020 là ngày họp phiên trù bị của Quốc hội thì mới có kết luận giám định. “Nói như vậy để thấy việc giám định có độ chậm trễ nhất định, kể cả trong trường hợp dự thảo luật này chúng ta đang thảo luận thì tình trạng này cũng chưa được khắc phục.”, ĐB tỉnh Quảng Nam trăn trở.

ĐB Nguyễn Quang Dũng (đoàn Quảng Nam): Viện kiểm sát cần thiết phải có Phòng Giám định kỹ thuật hình sự

Tiếp tục trình bày về khía cạnh xác định nội dung giám định có khách quan hay không, ông Dũng không lấy vụ án Cầu Chương Dương ra làm ví dụ mà cung cấp một ví dụ khác xảy ra gần đây. “vụ án một nữ cán bộ công an đã bỏ ma túy vào cốp xe người khác để vu khống. Khi trưng cầu giám định thì Viện Khoa học hình sự trả lời là không đủ cơ sở kết luận nhưng sau đó trưng cầu giám định ở một cơ quan khác thì đủ căn cứ để kết luận giám định và hiện nay vụ án đã được xử lý. Do đó, chúng tôi thấy rằng số liệu và tính khách quan thì rất cần thiết, phải có một cơ quan giám định bổ sung, hỗ trợ cho cơ quan giám định thuộc Bộ Công an cũng như là Bộ Quốc phòng để đảm bảo có sự lựa chọn khi cần thiết để cho việc giám định nhanh gọn và khách quan”.

Cho rằng ĐB Nguyễn Hữu Cầu đang suy luận về việc “phình bộ máy ở các cơ quan cấp tỉnh và cấp huyện”, ĐB tỉnh Quảng Nam cho rằng việc này là không nên vì phạm vi tranh luận ở đây chỉ là việc thành lập Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao mà thôi.

Viện kiểm sát cần thiết phải có Phòng Giám định kỹ thuật hình sự

Khẳng định sự đồng thuận với việc thành lập Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) đưa ra lý do: “Theo tôi, chúng ta phải trở lại vấn đề nguyên lý, trở lại Luật Tổ chức VKSND, trở lại Bộ luật Tố tụng hình sự để xem vì sao cơ quan điều tra lại có Viện kiểm sát, chức năng của Viện kiểm sát là kiểm sát tư pháp và công tố. Đọc lại Điều 2 và Điều 3 thấy hai chức năng này đề ra những nhiệm vụ gì.

Ngoài ra, chúng ta phải căn cứ vào Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành. Chúng ta đọc lại Điều 163 về thẩm quyền điều tra. Điều 163 khoản 3 nói "Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao... điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng chức vụ…" thế tại sao không để việc này cho cơ quan điều tra Bộ Công an, tại sao lại giao cho Viện kiểm sát, nó có lý do của nó. Quốc hội cũng tranh luận vấn đề này từ đường lối của Đảng, Quốc hội tranh luận đi đến Điều 163 khoản 3 thì Viện kiểm sát mới có chức năng này.

Các đồng chí đọc lại Điều 165 khoản 7, một số đồng chí đã trích dẫn rồi, trực tiếp điều tra một số hoạt động điều tra trong trường hợp để kiểm tra bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xem xét phê chuẩn Lệnh quyết định điều tra của cơ quan điều tra và tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan sai... Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục hoặc trường hợp để kiểm tra bổ sung tài liệu, chứng cứ khi quyết định việc truy tố.

Ngoài ra, ở khoản 8 Viện kiểm sát cũng được giao nhiệm vụ khởi tố vụ án hình sự… Từ những chức năng này cho thấy một nhu cầu là Viện kiểm sát cần thiết phải có Phòng Giám định kỹ thuật hình sự của Viện kiểm sát. Ở đây tôi thấy Phòng Giám định kỹ thuật hình sự của Viện kiểm sát nằm ở VKSND tối cao là hợp lý.

Theo tôi, phòng giám định này không phải tăng chức năng gì của Viện kiểm sát, nó là công cụ của Viện kiểm sát để thực hiện những chức năng và nhiệm vụ luật định như tôi vừa nêu. Theo tôi không phải chỉ có giám định âm thanh, hình ảnh mà Phòng Giám định kỹ thuật hình sự này ở khoản 5 đề nghị các đồng chí ghi rõ là Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân tối cao để thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát theo Điều 2, Điều 3 của Luật Tổ chức Viện kiểm; theo Điều 163 khoản 3 và theo Điều 165 khoản 7. Phần này nhằm thực hiện những việc đó. Theo tôi điều đó là hợp lý.

Tôi xin nói thêm về mặt tinh giản. Đảng yêu cầu tinh giản những gì không cần thiết, Đảng đâu có nói cần thiết thì cũng không được lập ra. Nếu chúng ta thấy cần thiết chúng ta lập ra, không cần thiết thì bớt, vấn đề là cần thiết hay không. Nếu cần thiết thì chúng ta phải có, vấn đề là như vậy. Tôi thấy chúng ta nên trở lại vấn đề nguyên lý, vai trò của Viện kiểm sát mà chức năng kiểm sát tư pháp này có từ thời Lê-nin nằm trong hệ thống của các nước xã hội chủ nghĩa”.

Đa số ý kiến các đại biểu phát biểu đã đồng tình

Phát biểu kết luận phiên tranh luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định: đa số ý kiến các đại biểu phát biểu đã đồng tình với Dự thảo Luật bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Quốc hội sẽ tổ chức lấy phiếu biểu quyết của các đại biểu về dự thảo Luật này vào ngày 10/6 theo chương trình của Kỳ họp.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang