Vì sao ông Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính phủ đòi 1,25 tỷ USD?
Bị tuyên 11 năm tù, doanh nhân Việt kiều trốn thi hành án, kiện Chính phủ Việt Nam ra Trung tâm trọng tài Quốc tế ICC đòi bồi thường 1,25 tỷ USD.
Theo tài liệu cơ quan điều tra, ông Trịnh Vĩnh Bình sinh năm 1947 tại Sóc Trăng, cùng vợ con và hai em vượt biên sang Hà Lan năm 1976. Từ năm 1981 đến tháng 8/1996, ông về nước 63 lần, mang theo tổng cộng hơn 2,3 triệu USD và gần 100 kg vàng.
Thời điểm này pháp luật chưa cho phép Việt kiều mua bán, sở hữu, đứng tên nhà cửa, đất đai. “Nhưng để thực hiện việc kinh doanh bất động sản – cách là sinh lợi nhiều nhất, ông Bình đã chọn một số người thân để giúp sức”, cơ quan điều tra nhận định.
Bị cáo Trịnh Vĩnh Bình trong phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Ngô Vũ
Thành lập Công ty TNHH Tín Thành, Công ty Cổ phần Bình Châu chuyên mua bán nông, thủy hải sản tại Vũng Tàu với 12 cổ đông, song ông Bình bỏ vốn 100%. Doanh nhân này chỉ đạo nhân viên làm giả hộ khẩu cho hàng loạt người thân tại TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu để đứng tên nhà đất mua được và nhận đất trồng rừng trái pháp luật.
Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định, năm 1992, ông Bình và một số nhân viên đưa hối lộ 510 triệu đồng cho Tạ Quang Luyện (cán bộ Công ty Phát triển nhà tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), Nguyễn Văn Huế (cán bộ Chi nhánh Phát triển kinh tế nông thôn phía Nam) để mẹ và các em vợ được nhận hơn 500 ha đất trồng rừng. “Không đầu tư trồng rừng như cam kết, 400 ha đất bị chính quyền thu hồi nhưng khi bán số đất còn lại ông Bình đã thu được hơn 6 tỷ đồng”.
Cuối năm 1996 khi cùng những người liên quan bị khởi tố về hành vi Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai; Đưa và nhận hối lộ, ông Bình đã thu gom gần 2,5 triệu m2 đất, 11 căn nhà nằm rải rác từ TP HCM, dọc Quốc lộ 51, Vũng Tàu. Ở những phi vụ mua bán trước đó (khoảng 30.000 m2 đất), Việt kiều Hà Lan thu lãi hơn 10 tỷ đồng.
Tại ngoại hầu toà năm 1998, ông Bình bị tuyên 13 năm tù về hai tội danh. HĐXX huỷ toàn bộ các quyết định giao đất, hợp đồng mua bán đất trái phép và giao những bất động sản này cho chính quyền địa phương quản lý…
Quyết định truy nã đối với ông Bình vào năm 1999. Ảnh: Ngô Vũ
Trong đơn kháng cáo kêu oan sau đó, ông Bình cho rằng “mang vàng, ngoại tệ về Việt Nam là để đầu tư; việc đầu tư thông qua người thân là hợp pháp”.
Giảm cho ông Bình 2 năm tù do số lượng đất vi phạm ít hơn kết luận của cấp sơ thẩm, song Toà Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xác định “hành vi mua bán đất đai trái phép của ông Bình không được coi là đầu tư”.
“Hành vi này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tích tụ, đầu cơ số lượng đất rất lớn tại các vùng sung yếu… gây ảnh hưởng xấu đến quản lý đất đai ở địa phương; gây thất thoát thuế của nhà nước lên đến 12 tỷ đồng”, bản án nhận định.
Không thi hành bản án đã có hiệu lực, ông Bình bỏ trốn và bị Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra quyết định truy nã toàn quốc.
Sau khi về Hà Lan, năm 2003, ông Bình với tư cách nhà đầu tư, nhờ tổ hợp luật sư kiện Chính phủ Việt Nam đòi bồi thường thiệt hại. Phía ông Bình viện dẫn các quy định của Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký kết với Hà Lan vào năm 1994 làm căn cứ khởi kiện.
Đến năm 2006, ông Bình được Chính phủ miễn chấp hành hình phạt tù trước đó, cho về Việt Nam và xem xét giải quyết trả một số tài sản hợp pháp. Tuy nhiên, do sai phạm của một số cá nhân tại cơ quan thi hành án ảnh hưởng đến tài sản của ông Bình nên việc này chưa được thực hiện.
Tháng 1/2015, ông Bình tiếp tục đâm đơn kiện lần thứ hai, đòi bồi thường 1,25 tỷ USD. Phiên tòa lần này diễn ra tại Trung tâm trọng tài Quốc tế ICC ở Paris, Pháp từ ngày 21/8.
Tại buổi họp báo chiều 30/8, trả lời câu hỏi về quan điểm và phản ứng của Chính phủ trước vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – cho biết, theo các nguyên tắc về bảo hộ đầu tư, khi có tranh chấp vi phạm thoả thuận với một địa phương nào đó (trong vụ này là Bà Rịa – Vũng Tàu), nhà đầu tư nước ngoài không kiện địa phương mà sẽ kiện Chính phủ.
“Quan điểm của Chính phủ, của Thủ tướng là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cả với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trung tâm trọng tài Quốc tế đang xem xét vụ kiện nên chúng ta cũng phải đợi thôi”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Theo Quốc Thắng/Vn.express
-
1Khen thưởng VKSND quận Cầu Giấy trong chuyên án bắt giữ đối tượng Phó Đức Nam - "Mr Pips"
-
2VKSND quận Cầu Giấy phê chuẩn quyết định khởi tố bị can vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
-
3Công điện của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
-
4Một số quy định về công chứng điện tử theo Luật Công chứng 2024
-
5Các hành vi thao túng thị trường chứng khoán từ ngày 01/01/2025
-
6VKSND TP Hà Tĩnh phê chuẩn quyết định khởi tố nhóm đối tượng gây rối trật tự công cộng
-
7VKSND huyện Kỳ Anh phối hợp với TAND cùng cấp tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng thuê tài sản
-
8Hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động công chứng?
-
9Lãi suất đối với dư nợ của những khoản cho vay hỗ trợ nhà ở trong năm 2025
Bài viết chưa có bình luận nào.