Vành móng ngựa trong phiên tòa có ý nghĩa gì?

11/02/2017 08:45

Từ tập quán lâu đời của người châu Âu kết hợp với các nguyên tắc pháp lý được áp dụng rộng rãi tại các quốc gia, chiếc vành móng ngựa đặt trước mặt bị cáo trong phiên tòa được hiểu như biểu trưng của nguyên tắc “suy đoán vô tội”...

Thay vành móng ngựa bằng bục khai báo là một trong những điểm mới đáng chú ý quy định tại dự thảo Thông tư hướng dẫn hình thức bố trí phòng xử án do TAND Tối cao xây dựng sắp được ban hành.
Ý tưởng này thực tế vẫn còn có hai quan điểm khác nhau: Quan điểm thứ nhất đề nghị không sử dụng vành móng ngựa mà thay vào đó là “bục khai báo” nhằm thể hiện tính nhân văn, phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội.
Quan điểm khác lại cho rằng sử dụng vành móng ngựa như các phiên tòa hiện nay nhằm thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật đối với bị cáo.
Dự thảo thông tư của TAND Tối cao thể hiện theo quan điểm thứ nhất và những người tham gia tố tụng khác sẽ có bục khai báo riêng.
Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TAND Tối cao) cho hay quá trình thảo luận, một số ý kiến cho rằng đối với những vụ án lớn, số lượng người tham gia tố tụng nhiều thì việc bố trí bục khai báo có thể gây mất thời gian, thậm chí gây mất trật tự phiên tòa khi người tham gia tố tụng di chuyển từ chỗ ngồi lên bục khai báo và ngược lại.
Tuy nhiên, hầu hết ý kiến góp ý đều cho rằng việc bố trí bục khai báo đối với người tham gia tố tụng là cần thiết, góp phần nâng cao trách nhiệm của người tham gia tố tụng khi khai báo tại phiên tòa, nhằm tạo thuận lợi cho người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo dõi diễn biến phiên tòa, đồng thời tăng cường vai trò trung tâm của HĐXX trong việc điều hành và duy trì trật tự phiên tòa.
Các bị cáo đứng trước vành móng ngựa trong một phiên tòa hình sự. Ảnh: Thanh Tùng
Biểu trưng của nguyên tắc “suy đoán vô tội”
Theo tác giả Nguyễn Trung Hiếu (đăng trên báo Lao Động): “Ở châu Âu, người dân nhiều nước sử dụng chiếc móng ngựa, khi treo trên tường hoặc phía trước cửa ra vào nhà, xem như một công cụ linh thiêng bảo vệ gia chủ khỏi sự xâm phạm của cái ác và cái xấu. Ngoài ra với hình chữ U, khoảng không bên trong sẽ lưu giữ sự may mắn.
Một truyền thuyết công giáo cho biết Thánh Dunstan đã giam giữ một con quỷ nhỏ vào chiếc móng ngựa và treo nó lên cửa nhà. Từ đó các tín đồ sử dụng chiếc móng ngựa như một công cụ để xua đuổi ma quỷ quấy nhiễu. Ngoài ra, chiếc móng ngựa có hình dạng giống ký hiệu Omega (Ω), mẫu tự cuối trong bảng mẫu tự Hy Lạp, tượng trưng cho sự kết thúc, hoàn tất.
Từ thời cổ đại, luật La Mã đã quy định, trách nhiệm chứng minh thuộc về bên tố cáo, thuộc bên khẳng định chứ không phải bên phủ định. Đây được coi là cội nguồn của nguyên tắc “suy đoán vô tội” trong tố tụng hình sự hiện nay.
Ở nước ta, nguyên tắc “suy đoán vô tội” được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Nguyên tắc này thể hiện quyền được xét xử công bằng của bất kỳ người bị buộc tội nào.
Từ tập quán lâu đời của người châu Âu về chiếc móng ngựa, kết hợp với các nguyên tắc pháp lý được áp dụng rộng rãi tại các quốc gia, chiếc vành móng ngựa đặt trước mặt bị cáo trong phiên tòa được hiểu như biểu trưng của nguyên tắc “suy đoán vô tội”, hàm ý bảo bọc chở che người vô tội trước định kiến (nếu có) của người cầm cân nảy mực, đồng thời chính nó cũng sẽ là vật cầm giữ cái xấu hay sự kết thúc một tội ác, chống lại con người; biểu hiện cho nền văn minh nhân loại, thể hiện dưới góc độ luật học”.
Hiện nhiều chuyên gia pháp luật trên thế giới đã kêu gọi bỏ đi vành móng ngựa hoặc những hình thức giam cầm khác để cách ly bị cáo tại các phiên tòa bởi e ngại sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến tính công bằng, làm yếu đi tính chất “giả định vô tội” của người bị buộc tội, tạo định kiến…
Theo PLO
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang