Vấn đề – sự kiện nổi bật tuần qua (6/11 – 10/11)

10/11/2017 10:23

(kiemsat.vn)
Mời quý vị và các bạn cùng chúng tôi điểm lại những sự kiện, vấn đề nổi bật trong tuần qua.

1. Viện trưởng VKSNDTC báo cáo công tác năm 2017 và giải trình một số vấn đề trước Quốc hội

Theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, ngày 6/11, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo công tác năm 2017.

Vien truong VKSNDTC Le Minh Tri (Ảnh: Internet)

Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, hôm nay, thứ 2, ngày 6/11 

Theo báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí, năm 2017, ngành Kiểm sát đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết số 37, 63, 96 và 111 của Quốc hội, góp phần quan trọng vào công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí báo cáo công tác năm 2017 trước Quốc hội

Trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, nổi bật là đã phát hiện khởi tố nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp chiếm 62.8%, tổng số án đã khởi tố, kết quả thu hồi, phong tỏa tài sản tham nhũng đạt 54.7%.

Kết quả đạt được trong năm 2017 vừa qua, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực, số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố tăng 20.8%. VKSND tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TAND tối cao tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố 11 vụ/134 bị can và đưa ra xét xử sơ thẩm, phúc thẩm 13 vụ/223 bị cáo về các hành vi tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng như vụ Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh, Giang Kim Đạt,… kết quả xét xử được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Ngành Kiểm sát luôn coi chống oan sai và chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và cũng là nhiệm vụ khó khăn nhất, bởi ranh giới giữa oan sai và bỏ lọt tội phạm rất hẹp.

Trong quá trình điều tra có trường hợp sau đó bị coi là lạm dụng biện pháp tố tụng lại gây oan sai. Vấn đề này đòi hỏi Kiểm sát viên vừa phải quyết tâm tấn công tội phạm, vừa phải thận trọng không để oan sai. Ngành kiểm sát sẽ nỗ lực không vì chống oan sai mà bỏ lọt tội phạm. Đồng thời phải chống tội phạm để đáp ứng yêu cầu tấn công tội phạm”, Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định. Vì vậy, năm 2017, Viện trưởng tiếp tục chỉ đạo nhiều giải pháp chống oan sai và bỏ lọt tội phạm.

Năm 2017, Viện trưởng VKSND tối cao đã tập trung chỉ đạo công tác kiểm sát hoạt động tư pháp qua việc xây dựng và ban hành 3 chỉ thị chuyên đề trong công tác kiểm sát giải quyết vụ việc dân sự, hành chính, kiểm sát thi hành án và giải quyết đơn khiếu nại tố cáo. Kết quả, số kháng nghị về án dân sự, hành chính được tòa án xét xử chấp nhận vượt 15.3% chỉ tiêu Nghị quyết 37, tỉ lệ giải quyết đơn tăng 24.8%, số lượng kháng nghị qua công tác giải quyết đơn tăng 30.2%. Toàn ngành, chất lượng kháng nghị được nâng lên, tỷ lệ kiến nghị được chấp nhận vượt 16.6% so với chỉ tiêu Nghị quyết 111 của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Viện trưởng đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc có đơn kéo dài về oan sai, tăng cường đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo Viện kiểm sát và công dân, kết quả tỉ lệ giải quyết đơn tố cáo là 80%, đối với đơn khiếu nại là 90%.

Báo cáo công tác năm 2017 của Viện trưởng VKSND tối cao còn đề cập đến việc triển khai thi hành các đạo luật mới về tư pháp, công tác xây dựng ngành, công tác thanh tra, kiểm tra…

Tiếp đó, sáng 7/11, tại phiên thảo luận tại Nhà Quốc hội, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí đã trả lời những vấn đề mà các ĐBQH, dư luận quan tâm.

Đối với những vụ án xâm hại trẻ em

Khẳng định sự quyết tâm cao trong đấu tranh với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, Viện trưởng VKSNDTC nhấn mạnh: Các vụ án xâm phạm tình dục trẻ em gây bức xúc trong toàn xã hội, chúng ta cần phải quyết tâm ngăn chặn và mạnh tay đối với loại tội phạm này để bảo vệ đối tượng là trẻ em.

Cùng với việc giải trình thêm trước QH về một số vụ án xâm phạm tình dục trẻ em đang được dư luận quan tâm. Viện trưởng VKSND tối cao cũng muốn chia sẻ để các đại biểu biết các cơ quan chức năng vẫn quan tâm và tập trung quyết liệt đối với loại tội phạm này, nhưng cần có nguyên tắc và tuân thủ đúng quy định của pháp luật để không tạo ra áp lực đối với cán bộ điều tra cũng như Kiểm sát viên thực hiện những vụ án này.

Kháng nghị vụ án dân sự, hành chính

Về số lượng kháng nghị của các vụ án dân sự, hành chính của Viện kiểm sát thấp so với bản án và quyết định bị tòa cấp trên hủy, sửa mà Ủy ban Tư pháp nêu ra. Viện trưởng cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng này là do những bất cập trong việc rút hồ sơ từ Tòa án. “Hồ sơ vụ án thì Tòa án đang giữ mà muốn nghiên cứu để quyết định có kháng nghị hay không thì phải có hồ sơ. Trong Nghị quyết liên tịch 01 giữa VKSND tối cao và TAND tối cao đã ban hành trước đây có câu là “ưu tiên cho Viện kiểm sát, cho Tòa án cấp trên rút hồ sơ”. Bên cạnh đó, hiện nay ngành Kiểm sát nhân dân còn thiếu nhiều cán bộ Kiểm sát viên về lĩnh vực dân sự và hành chính.

Về vấn đề chống oan sai 

Theo Viện trưởng, ngành KSND coi oan sai là một vấn đề hết sức quan trọng, bởi vì hậu quả xảy ra không thể khắc phục được, không chỉ là lợi ích vật chất, mà là vấn đề uy tín, danh dự. Năm 2016 có 70 trường hợp oan sai, năm 2017 phấn đấu còn 32 trường hợp, phải nói rằng đây là nỗ lực lớn, nhưng so với yêu cầu đặt ra thì phải tiếp tục làm tốt hơn nữa.

Đề cập đến oan sai và lọt tội phạm, Viện trưởng cũng cho thấy quyết tâm của ngành KSND. Nếu sợ oan sai mà không dám làm thì không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chúng tôi sẽ phấn đấu thực hiện, nếu thấy sai phải dũng cảm sửa, xử lý khắc phục không để oan sai nữa.

Viện trưởng cho rằng, kết quả hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao sẽ trả lời các cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, kiểm toán, cơ quan tư pháp có tiêu cực, tham nhũng hay không và chúng ta sẽ cố gắng làm hết sức để kiểm soát, hạn chế, dẫn tới đảm bảo được nền tư pháp chúng ta ngày càng minh bạch, đáp ứng yêu cầu lớn nhất là lòng tin của nhân dân đối với ngành tư pháp.

2. Đảng bộ VKSNDTC thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 6 BCHTW Đảng khóa XII

Ngày 09/11/2017, toàn thể đảng viên thuộc đảng bộ VKSND tối cao nghe thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Toàn cảnh Hội nghị thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ sáu BCHTW Đảng khóa XII

Đồng chí Trần Văn Lợi, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy VKSND tối cao đã thông báo đến toàn thể cán bộ, đảng viên những nội dung quan trọng được thông qua tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, bao gồm những nội dung chính sau: Kết luận về tình hình kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới; Nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới…


Đồng chí Trần Văn Lợi, Phó Bí thư Đảng ủy VKSND tối cao thông báo những nội dung quan trọng của  Hội nghị lần thứ 6

Đồng chí cũng thông báo đến Hội nghị về việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu bổ sung hai Ủy viên Ban Bí thư khóa XII là: Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.


Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao tặng Huy hiệu  30 năm tuổi đảng đợt 02/9/2017

Tại Hội nghị, Đảng bộ VKSND tối cao đã tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu 30 năm tuổi đảng đợt 02/9/2017 cho 6 đồng chí đảng viên: Nguyễn Việt Hùng, Vũ Huy Thuận, Trần Minh Đạt, Nguyễn Anh Sơn, Trương Minh Mạnh, Vũ Văn Minh.

3. Công bố, trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng và Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Điện Biên

Chiều ngày (09/11), tại thành phố Điện Biên, đã diễn ra Lễ công bố và trao Quyết định bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng và Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Điện Biên. Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC tới dự và chủ trì buổi lễ.

Tại buổi Lễ, đồng chí Tăng Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao công bố Quyết định của Viện trưởng VKSNDTC:

Bổ nhiệm đồng chí Phan Văn Kỷ, Phó Viện trưởng phụ trách VKSND tỉnh Điện Biên giữ chức vụ Viện trưởng VKSND tỉnh Điện Biên kể từ ngày 15/11/2017;

Bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Hữu Sơn, Trưởng phòng THQCT, KSĐT, KSXX án hình sự về an ninh, ma túy VKSND tỉnh Điện Biên giữ chức vụ Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Điện Biên, kể từ ngày 15/11/2017.

Đồng chí Nguyễn Hải Phong,  Phó Viện trưởng thường trực VKSND tối cao trao Quyết định bổ nhiệm  cho đồng chí Phan Văn Kỷ

Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí tân Viện trưởng Phan Văn Kỷ trân trọng cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo VKSND tối cao, các đồng chí Lãnh đạo Tỉnh ủy Điện Biên đã tin tưởng trao nhiệm vụ và trọng trách vô cùng to lớn. Trong thời gian tới, bằng nhiệt huyết và trí lực của mình sẽ chung tay cùng tập thể Ban cán sự Đảng, tập thể Lãnh đạo VNSND tỉnh Điện Biên đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đổi mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành cũng như của tỉnh giao phó.

… trao Quyết định bổ nhiệm cho  đồng chí Nguyễn Hữu Sơn  

Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong chúc mừng các đồng chí Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh. Đồng thời mong rằng các đồng chí cố gắng phát huy tối đa năng lực cá nhân, tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, tăng cường đổi mới để cùng tập thể lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

4. Hợp tác làm phim truyền hình về ngành Kiểm sát nhân dân

Chiều 09/11/2017, tại trụ sở VKSND tối cao, Ban chỉ đạo, Ban cố vấn xây dựng bộ phim truyền hình về ngành KSND đã tổ chức phiên họp lần thứ I. Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì cuộc họp. Đạo diễn, Nghệ sỹ ưu tú Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam và êkip làm phim tham dự cuộc họp.

Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban chỉ đạo, Ban cố vấn bộ phim phát biểu tại phiên họp

Đồng chí Nguyễn Như Hùng, Tổng biên tập TCKS, Thường trực Ban chỉ đạo trình bày dự thảo Kế hoạch xây dựng bộ phim 

Tại phiên họp đồng chí Nguyễn Như Hùng, Tổng biên tập TCKS, Thường trực Ban chỉ đạo đã trình bày dự thảo Kế hoạch xây dựng bộ phim truyền hình về ngành KSND. Theo đó, với mục đích nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả tuyên truyền về ngành KSND, góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ Kiểm sát trong sự nghiệp đổi mới và cải cách tư pháp, VKSNDTC sẽ phối hợp với Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) thuộc Đài truyền hình Việt Nam xây dựng bộ phim truyền hình dài tập theo thể loại chính luận, đây là dự án làm phim đầu tiên về ngành KSND.


Các đại biểu tham dự phiên họp

Chủ đề tư tưởng của bộ phim phản ánh cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt chống tội phạm, trọng tâm là chống tội phạm về kinh tế, chức vụ, tham nhũng, chống các biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật; vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong cuộc đấu tranh đó. Xây dựng hình tượng người Kiểm sát viên với tinh thần thượng tôn pháp luật, bản lĩnh vững vàng, nghiệp vụ sắc bén, phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả… đã vượt lên những khó khăn, trở ngại để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo ấn tượng tốt đẹp với người xem. Bộ phim cũng sẽ thể hiện cái nhìn đa chiều về tội phạm kinh tế, chức vụ, tội phạm tham nhũng và những khó khăn, phức tạp khi điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm này và những vấn đề nóng có liên quan, đang được dư luận quan tâm.

5. Tổng hợp một số nội dung thảo luận Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV

Chống tham nhũng: Cần mở rộng diện công khai tài sản

Tại phiên thảo luận, Đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình) đánh giá “Tham nhũng là một vấn đề nhức nhối của quốc gia, là một hình thức tự diễn biến tự chuyển hóa và để lại những hậu quả xã hội nghiêm trọng, gây tổn hại về kinh tế, suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội, làm mai một niềm tin của nhân dân”.

Chống tham nhũng: Cần mở rộng diện công khai tài sản Đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình)

Theo đại biểu Cao Thị Giang và nhiều đại biểu khác, tình hình phòng chống tham nhũng chưa thực sự mang tính đột phá, tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với thủ đoạn ngày càng tinh vi khó phát hiện và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Tình trạng sách nhiễu, gây phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức Nhà nước vẫn còn diễn ra ở một số lĩnh vực.

Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng nhận diện rõ tình trạng cả họ làm quan cũng chính là nhận diện rõ hành vi tham nhũng vặt của cán bộ công chức, để có biện pháp xử lý. Nếu để lâu sẽ kéo theo sự phân công chia chác quyền lực, không tránh khỏi tình trạng mất tập trung dân chủ gây mất đoàn kết, bè phái cục bộ, tranh chức tranh quyền giữa các dòng họ.

Khi Trình bày thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH lưu ý phản ánh của dư luận cho thấy tình hình tham nhũng ở khu vực cấp tỉnh còn nghiêm trọng, là nơi có nhiều dự án đầu tư công lớn, khai thác tài nguyên, khoáng sản.

Chống tham nhũng: Cần mở rộng diện công khai tài sản Toàn cảnh phiên họp QH ngày 6/11

Nhiều ĐBQH quan tâm đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng và cho rằng Tòa có tuyên những bản án nghiêm khắc mà không thu hồi được tài sản tham nhũng thì việc xử lý coi như không triệt để, không đạt được mục tiêu. Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vừa qua vô cùng khiêm tốn, quá thấp so với những thiệt hại rất lớn mà tham nhũng gây ra cho ngân sách quốc gia.

Cùng tham luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng: Các cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án cần phải coi việc thực hiện tốt chính sách thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Chống tham nhũng: Cần mở rộng diện công khai tài sản Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định)

Theo Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí: Tham nhũng là tội phạm ẩn nên khó phát hiện, khi phát hiện được thì công tác điều tra, truy tố, xét xử vẫn gặp nhiều khó khăn, do “tính chất phức tạp” của loại tội phạm này.

Cần mở rộng diện công khai tài sản

Để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, từ thực trạng trên, nhiều ý kiến đề nghị hoàn thiện pháp luật theo hướng mở rộng hợp lý đối tượng kê khai tài sản, quy định xác minh tài sản một cách chủ động hơn; khi xác định tài sản do tham nhũng mà có thì cương quyết áp dụng biện pháp thu hồi cũng như kịp thời kê biên, phong tỏa tài sản nhằm phục vụ thi hành án sau này. “Thu hồi tài sản tham nhũng là thước đo hiệu quả của phòng chống tham nhũng, nên cần quyết tâm, chủ động hơn nữa thì mới khắc phục được hậu quả nguy hiểm của xã hội, trả lại nguồn lực cho đất nước”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Đoàn Cà Mau) đưa ra giải pháp là phải mở rộng đối tượng kê khai tài sản với người có quan hệ huyết thống gần và công khai cho dân biết; giảm lưu thông bằng tiền mặt; công khai, minh bạch kết quả kiểm tra để tạo niềm tin trong nhân dân; xây dựng cơ chế pháp luật rõ ràng, rành mạch, chế tài nghiêm minh và bồi dưỡng bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Đoàn Hà Nam) đề nghị Chính phủ nghiên cứu mô hình các cơ quan chức năng hoạt động độc lập về công tác phòng, chống tham nhũng.

Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng: Mở rộng phạm vi điều chỉnh với khu vực ngoài nhà nước

Dự thảo Luật PCTN đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với khu vực ngoài nhà nước

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng do Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày tại Quốc hội cho thấy điểm mới của Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng là đã quy định theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh đến các tổ chức xã hội và doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến BBQH thành tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật và cho rằng, trên thực tế tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cản trở hiệu quả PCTN trong khu vực nhà nước.

Dự thảo Luật PCTN đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với khu vực ngoài nhà nước Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội)

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội): Có ý kiến đề nghị không đưa vào đối tượng ngoài nhà nước nhưng trên thực tế hiện nay tham nhũng có sân sau là các đơn vị tư. Chính những đơn vị tư bắt tay với đơn vị công. Vì thế chúng ta phải đấu tranh với vấn đề này”.

Một số ý kiến khác cho rằng, hiện nay dư luận cử tri và nhân dân đang quan tâm, bức xúc nhiều là tình hình tham nhũng ở khu vực nhà nước; đồng thời, tham nhũng ở khu vực này cũng đang ở mức độ nghiêm trọng, diễn biến phức tạp và công tác PCTN chưa đáp ứng yêu cầu từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Vì vậy, trong khi chúng ta còn chưa làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước thì trước mắt chưa nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, mà tập trung nguồn lực làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước.

Dự thảo Luật PCTN đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với khu vực ngoài nhà nước Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh)

Theo báo cáo Thẩm tra dự án Luật phòng, chống nhũng (sửa đổi) của Ủy ban Tư pháp trình Quốc hội thì Dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với khu vực ngoài nhà nước, tuy nhiên đối tượng áp dụng của Luật vẫn là các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực nhà nước (được quy định tại Điều 2 về đối tượng áp dụng và khoản 6 Điều 4 về giải thích từ ngữ ); khái niệm “người có chức vụ, quyền hạn” về cơ bản vẫn giữ nguyên quy định của Luật hiện hành, do đó, không phù hợp với việc dự thảo Luật thay đổi, mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước, gây mâu thuẫn giữa các quy định ở phần chung với phần cụ thể. Tờ trình và dự thảo Luật đều quy định “áp dụng Luật PCTN đối với khu vực ngoài nhà nước” (nếu theo cách quy định này thì phải giữ nguyên đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật và chỉ áp dụng các quy định của Luật này để điều chỉnh các hành vi tham nhũng khu vực ngoài nhà nước).

Tuy nhiên, dự thảo Luật lại bổ sung những quy định rất cụ thể về PCTN đối với khu vực ngoài nhà nước như: quy định về thẩm quyền thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng (khoản 2 Điều 71); thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về PCTN (các điều 103, 108); xử lý vi phạm về PCTN (các điều 125, 126)… Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, với cách quy định cụ thể này, về bản chất là dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước mà không phải là áp dụng Luật PCTN đối với khu vực ngoài nhà nước. Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần sửa đổi quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho phù hợp với bản chất của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh.

Ngoài ra, một số ý kiến ĐBQH còn đề cập đến nạn “tham nhũng vặt” đã, đang diễn ra hàng ngày len lỏi vào tất cả các ngõ ngách cuộc sống và xảy ra ở mọi địa phương, mọi lĩnh vực với nhiều hình thức đa dạng khác nhau.

6. Các sự kiện quan trọng của Tuần lễ cấp cao APEC

Diễn ra từ ngày 6 đến 11/11 tại TP Đà Nẵng, Tuần lễ cấp cao APEC 2017 sẽ có nhiều hội nghị quan trọng.

Các sự kiện quan trọng của Tuần lễ cấp cao APEC

7. Cách mạng Tháng Mười Nga và lý tưởng xã hội chủ nghĩa trong thời đại ngày nay

Sáng 5/11, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/2017). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và đọc diễn văn kỷ niệm.

Tổng Bí thư phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP

Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý,

Thưa các đồng chí và các bạn,

Hôm nay, chúng ta họp mặt tại đây – giữa Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến và anh hùng, để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kỷ niệm một sự kiện trọng đại có ý nghĩa lịch sử và thời đại – đó là thắng lợi của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917.

Như chúng ta đã biết, cách đây tròn một trăm năm, theo tiếng súng báo hiệu từ chiến hạm Rạng Đông, cuộc tiến công Cung điện mùa Đông ở Pê-trô-grát bắt đầu và cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa vĩ đại dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga đứng đầu là V.I. Lê-nin đã giành thắng lợi ở Pê-trô-grát và nhanh chóng lan toả ra toàn nước Nga.

Cách mạng Tháng Mười Nga đã “làm rung chuyển thế giới”, phá tan một mảng lớn trong hệ thống chủ nghĩa tư bản, đế quốc, mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, những tiên đoán của các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học đã trở thành hiện thực trên một phần sáu địa cầu. Lần đầu tiên trong lịch sử, những người lao động đã đứng lên giành lấy chính quyền về tay mình để xây dựng một xã hội hoàn toàn mới. Một Nhà nước kiểu mới dưới hình thức các Xô-viết đã hình thành và được V.I. Lê-nin đánh giá là “chế độ dân chủ ở mức cao nhất cho công nhân và nông dân,… một chế độ dân chủ kiểu mới” 1.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và sự ra đời của Nhà nước Xô-viết do Lênin sáng lập đã làm thay đổi căn bản số phận dân tộc Nga, đưa nước Nga từ một nước phong kiến, tư bản lạc hậu, nghèo đói trở thành một cường quốc kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học, kỹ thuật, văn hoá, giáo dục… hàng đầu thế giới; đưa quần chúng công – nông từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; vai trò, vị thế của nước Nga trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã tiếp sức cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Nhiều đảng cộng sản và công nhân ở các nước đã ra đời, hình thành một phong trào quốc tế sâu rộng khắp năm châu, đi tiên phong trong cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ vì lý tưởng cao đẹp là độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Một làn sóng cách mạng vô sản ở Châu Âu đã bùng lên mạnh mẽ, tạo ra một cao trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, làm rung chuyển nền thống trị của giai cấp tư sản độc quyền ở nhiều nước. Một hệ thống xã hội chủ nghĩa đã ra đời, đóng vai trò to lớn trong tiến trình phát triển của thế giới hiện đại…

8. Miền Trung và Tây Nguyên thiệt hại nặng vì bão Damrey

108 người chết và mất tích

Theo Báo cáo nhanh đến hết ngày 07/11/2017 của Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai trung ương thì số người chết là 82 người, tăng 13 người so với báo cáo nhanh ngày 06/11. Khánh Hòa là tỉnh có nhiều người chết nhất với 37 người, các tỉnh như Thừa Thiên Huế: 09 người; Quảng Nam: 10 người; Quảng Ngãi: 05 người; Bình Định: 05 người; Phú Yên: 01 người; Lâm Đồng: 03 người; Kon Tum: 01 người; Đắk Lắk: 01 người và 10 người do sự cố tàu vận tải tại khu vực biển Bình Định. 26 người mất tích: giảm so với báo cáo nhanh ngày 06/11 do đã tìm và cứu nạn thành công được 04 người.

Thiệt hại rất lớn về nhà ở của nhân dân, trong đó nhà sập đổ: 1.486 nhà. Nông nghiệp và thủy sản cũng bị tàn phá nghiêm trọng. Diện tích lúa bị ngập: 9.350 ha, diện tích rau, hoa màu bị ngập, thiệt hại: 15.203 ha. Đặc biệt, ngành nghề nuôi trồng thủy sản thiệt hại rất lớn. 25.957 lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa bị bão phá hủy, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng

Tỉnh Quảng Nam bị vỡ tràn xả lũ hồ Nước Rôn, xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My. Hồ Cự Lễ, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn bị sập đuôi tràn do lưu lượng qua tràn quá lớn; hiện phương tiện cơ giới không vào được để khắc phục, địa phương đang tổ chức theo dõi chặt chẽ. Tỉnh Khánh Hòa bị sạt lở mái thượng lưu đập của 02 hồ Đá Bàn và Tiên Du, địa phương đang tiếp tục triển khai phương án khắc phục để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ và sẽ sửa chữa triệt để sau khi mùa mưa lũ kết thúc. Một số hồ phải xả lưu lượng lớn như Sông Tranh 2, Sông Ba Hạ, Sê San 3, Sê San 4 để giữ an toàn khiến hạ lưu vẫn tiếp tục ngập lụt.

Đường Hồ Chí Minh bị sạt lở 11 điểm tại Thừa Thiên, Huế, đoạn qua Đà nẵng bị sạt lở 5 điểm, chỉ thông được một làn xe. Nhiều tuyến đường quốc lộ như 49B, 24B, 24C … hiện vẫn đang tích cực khắc phục sự cố để thông xe. Đường sắt đoạn qua khu vực Hảo Sơn – Đại Lãnh (Đèo Cả) tỉnh Phú Yên dự kiến hết hôm nay (09/11) mới có thể thông tuyến.

Tâm lý chủ quan

Báo cáo trước Chính phủ, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết cơn bão số 12 đổ bộ vào Quy Nhơn đã gây thiệt hại nặng cho Bình Định. Đặc biệt cơn bão đã đánh chìm và mắc cạn 10 tàu hàng vào đậu tránh trú bão ở phao số 0 Cảng Quy Nhơn, trong đó, có 2 tàu hàng nước ngoài. Vụ chìm tàu đã cướp đi sinh mạng 10 thuyền viên và 3 người khác vẫn còn mất tích. “Khi chúng tôi phỏng vấn nhanh các thuyền viên thì họ báo rằng là do thông báo bão chỉ từ nam Phú Yên trở vào cho nên tất cả tàu họ vào Quy Nhơn để trú. Họ cứ nghĩ là an toàn rồi. Họ không nghĩ là bão vào thẳng biển Quy Nhơn rất là lớn, gió cấp 10, giật cấp 11-12, nên gây thiệt hại nặng nề” – ông Dũng nói.

Nha Trang tan hoang sau cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua

Khánh Hòa là địa phương ít chịu ảnh hưởng bão lũ, người dân không có nhiều kinh nghiệm đối phó với mưa bão. Trước khi bão số 12 đổ bộ vào bờ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã vào Khánh Hòa kiểm tra, nhắc nhở chính quyền và người dân địa phương chủ động phòng tránh bão. Thế nhưng, một số nơi, chính quyền các địa phương có phần thiếu kiên quyết, người dân thì chủ quan và thiếu kỹ năng ứng phó với bão dẫn đến nhiều thiệt hại đáng tiếc. Ứng phó với thiên tai, người dân các tỉnh Nam Trung Bộ vẫn còn tâm lý chủ quan. Trước bão, nhiều người ở lại trên lồng bè nuôi trồng thủy sản, nguy hiểm tính mạng khi có gió to, bão lớn. Nhiều ngư dân không chằng néo kỹ phương tiện nên thiệt hại về tàu thuyền rất lớn…

9. Nga hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả của bão Damrey

Máy bay IL-76 của Nga chở viện trợ tới Việt Nam

Trong thông báo hôm qua, ngày 7/11, người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Vladimir Putin chỉ thị Chính phủ Nga ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam khắc phục ảnh hưởng của cơn bão Damrey và chỉ đạo hỗ trợ tài chính 5 triệu đô la Mỹ.

Máy bay IL-76 của Nga đã cất cánh từ sân bay Ramenskoye đến Cam Ranh, mang theo 40 tấn viện trợ nhân đạo cho người dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi cơn bão” – Bộ tình trạng khẩn cấp Nga cho biết.

Trong số viện trợ nhân đạo có lều, các sản phẩm, thực phẩm có đường cũng như sữa, thịt và cá hộp.

Báo chí Nga dẫn theo truyền thông Việt Nam cho biết, cơ bão số 12 có tên quốc tế là Damrey, trong quá trình di chuyển đã gây ra ngập lụt nghiêm trọng ở một số địa phương Miền Trung Việt Nam và khiến hơn 60 người thiệt mạng.

10. Nhiều người thiệt mạng trong vụ xả súng ở nhà thờ tại Mỹ

27 người được cho là đã thiệt mạng và nhiều người bị thương trong vụ xả súng tại một nhà thờ ở bang Texas, Mỹ, ngày 5/11. Danh tính của tay súng đã được xác định.

Kẻ gây ra vụ xả súng được xác định là Devin Patrick Kelley, 26 tuổi và đã bị cảnh sát bắn hạ. Khu vực diễn ra vụ việc là một nhà thờ ở Sutherland Springs ở hạt Wilson. Tên này mặc đồ đen cùng áo chống đạn, bước vào nhà thờ và bắt đầu nổ súng hôm 5/11, biến thị trấn nhỏ phía đông San Antonio trở thành tâm điểm mới của những vụ xả súng đẫm máu của nước Mỹ. Đây là vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử bang Texas.

Nhà thờ ở Sutherland Springs ở hạt Wilson, nơi xảy ra vụ việc – ảnh: AP

Tổng chưởng lý bang Texas – Ken Paxton cho biết, 27 người đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương sau khi một tay súng vào nhà thờ và bắn vào đám đông đang cầu nguyện. Nếu con số thương vong này được khẳng định, đây sẽ là vụ xả súng đẫm máu nhất vào một nhà thờ trong lịch sử hiện đại nước Mỹ.

Các lực lượng cảnh sát và nhân viên của Cục điều tra liên bang đã tiến hành khám nhà của hung thủ để điều tra và tìm các thiết bị gây nổ và vũ khí. Vụ tấn công hôm 5/11 diễn ra hơn 1 tháng sau vụ xả súng tại một lễ hội âm nhạc đồng quê ở Las Vegas làm 58 người chết và hàng trăm người bị thương.

Cảnh sát và nhân viên của Cục điều tra liên bang đã tiến hành khám nhà của hung thủ để điều tra và tìm các thiết bị gây nổ và vũ khí. Ảnh AP

Tổng thống Donald Trump, người đang công du châu Á, cho biết ông theo dõi tình hình từ Nhật Bản. “Cầu Chúa ở cạnh người dân Sutherland Springs, Texas. FBI và lực lượng chấp pháp đang ở hiện trường”.

Vụ xả súng tại Texas là thảm kịch mới nhất tại Mỹ sau vụ một người đàn ông xả súng vào đám đông xem đại nhạc hội Las Vegas hôm 1/10, làm thiệt mạng 58 người. Đây được xem là vụ xả súng đẫm máu nhất lịch sử Mỹ.

Anh Nga

(tổng hợp)

Vấn đề – sự kiện nổi bật tuần qua (30/10 – 03/11)

(Kiemsat.vn) - Hoàn thành vòng đàm phán thứ nhất Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Séc; Thảo luận sôi nổi tại các phiên họp Quốc hội; Chủ tịch nước Trần Đại Quang tổng duyệt các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017; Kỷ niệm 100 năm cách mạng tháng 10 Nga; thiệt hại vì bão Damrey... là những tin tức đáng chú ý trong tuần qua

Vấn đề – sự kiện nổi bật tuần qua (16/10 – 20/10)

(Kiemsat.vn) - Mời quý vị và các bạn cùng chúng tôi điểm lại những sự kiện, vấn đề nổi bật trong tuần qua.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang