Vấn đề – sự kiện nổi bật tuần qua (25/9 – 29/9)

01/10/2017 12:09

(kiemsat.vn)
Những tin tức đáng chú ý tuần qua gồm: VKSND tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam; Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong ngành KSND; Tổng thống Putin cách chức Tổng tư lệnh Không quân Nga Viktor Bondarev...

1. Hội nghị trực tuyến công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam

Sáng 26/9/2017, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam. Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chủ trì hội nghị.

Các ý kiến tham luận tại Hội nghị tập trung vào một số nội dung của công tác công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam như chưa có sự thống nhất trong việc áp dụng các quy định của pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam; sự phối hợp giữa CQĐT và Viện kiểm sát vẫn còn một số vướng mắc dẫn đến khó khăn trong công tác kiểm sát điều tra… Ngoài ra, các đại biểu cũng nêu lên những nguyên nhân, đề xuất các giải pháp như: Cần nâng cao hơn nữa công tác tập huấn nghiệp vụ; khi phát hiện sai sót, kiên quyết kiến nghị Cơ quan điều tra khắc phục…

Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSNDTC yêu cầu cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam, cụ thể: Duy trì mối quan hệ phối hợp hai ngành kiểm sát – công an để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành; tổ chức triển khai và thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác THQCT và kiểm sát việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam, nhất là trong giai đoạn các đạo luật mới vừa được Quốc hội thông qua; cần có sự chủ động trong việc nhận thức và áp dụng pháp luật một cách thống nhất nhằm chống oan sai và bỏ lọt tội phạm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho mọi người dân, chú trọng vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; tăng cường công tác quản lý chỉ đạo điều hành và nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho Kiểm sát viên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thông qua các lớp tập huấn nghiệp vụ trong ngành; thường xuyên tích lũy, tổng hợp các vi phạm trong việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam để kịp thời trao đổi, kiến nghị yêu cầu khắc phục.

2. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thi hành pháp luật trong ngành KSND

Ngày 14/9/2017, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị số 05/CT-VKSTC về việc tăng cường công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong ngành KSND. Nội dung tập trung vào các nội dung sau:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật: Cần tăng cường trách nhiệm trong việc đề nghị xây dựng pháp luật như các đơn vị thuộc VKSND tối cao tiếp nhận, nghiên cứu các đề nghị về xây dựng văn bản khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát thuộc lĩnh vực công tác của mình; tham mưu, giúp Viện trưởng VKSND tối cao sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới văn bản được đề nghị; tổ chức tốt công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các quy định của ngành KSND; tăng cường trách nhiệm phối hợp trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan hữu quan chủ trì soạn thảo.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác tố chức thi hành pháp luật: Cần xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật của ngành KSND theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng tài liệu, tổ chức việc giới thiệu, phổ biến, quán triệt, tập huấn nội dung các đạo luật mới cho toàn Ngành; tham mưu, giúp lãnh đạo VKSND tối cao trả lời thỉnh thị về việc nhận thức và áp dụng pháp luật; các đơn vị thuộc VKSND tối cao chủ trì tập huấn chuyên sâu các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định của Ngành có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực công tác của từng đơn vị, theo sự phân công của Lãnh đạo VKSND tối cao; Trường Đại học kiểm sát Hà Nội, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan của VKSND tối cao khẩn trương thực hiện việc rà soát, biên soạn lại giáo trình, tài liệu để phù hợp với các đạo luật, nghị quyết của Quốc hội, quy định mới của Ngành phục vụ giảng dạy ở bậc đại học, đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên sâu.

Tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Văn phòng VKSND tối cao, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh và Viện kiểm sát các cấp tăng cường mở các chuyên trang, chuyên mục, số chuyên đề, viết bài…trên báo, tạp chí, thông tin khoa học, ấn phẩm khác, truyền hình Kiểm sát, trang tin điện tử của các cơ quan, đơn vị để đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật và quy định mới của Ngành

Ngoài ra, tại Chỉ thị Viện trưởng VKSNDTC yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng các VKSND cấp cao, Viện trưởng các VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này để việc xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong ngành KSND đạt hiệu quả tốt.

Viện trưởng VKSND các cấp chủ động chỉ đạo thực hiện các biện pháp tổ chức thi hành pháp luật dưới các hình thức phù hợp trong phạm vi cơ quan, đơn vị mình; kịp thời tổng kết những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, đề nghị Viện kiểm sát cấp trên hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết, hướng dẫn.

3. Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu

Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu được coi như một “Hội nghị Diên Hồng” về vùng đất này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn thể vào ngày 27/9/2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp toàn thể ngày 27/9 (ảnh VGP)

Hội nghị được tổ chức ba phiên họp quan trọng. Phiên thứ nhất: bàn về tổng quan, thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì. Phiên thứ hai: thảo luận về quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSCL, huy động điều phối nguồn lực cho phát triển do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Phiên thứ ba: do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì thảo luận về nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của vùng ĐBSCL trong việc sản xuất lúa gạo, thủy sản và trái cây đối với cả nước và xuất khẩu thế giới. Trong thời gian qua Đảng, Chính phủ luôn quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển ĐBSCL; tập trung huy động các nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Thủ tướng đánh giá cao các hội nghị chuyên đề đã diễn ra, các đại biểu đã thảo luận thẳng thắn, góp nhiều ý kiến quý báu cho sự phát triển ĐBSCL trong điều kiện BĐKH diễn ra gay gắt.

Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu

Thủ tướng yêu cầu ngay sau hội nghị này phải thành lập ngay cơ chế điều phối vùng. Đồng thời, kịch bản biến đổi khí hậu 2010 phải được cập nhật, công bố công khai cho chính quyền và người dân nắm chắc thông tin chủ động ứng phó.

Để phát triển bền vững Tây Nam Bộ, Thủ tướng cho biết định kỳ hai năm một lần Chính phủ sẽ tổ chức một hội nghị có quy mô lớn như lần này để cùng bàn thảo kế hoạch, rà soát việc thực hiện các mục tiêu, chủ trương, giải pháp để chung tay xây dựng, đưa ĐBSCL đi đến một tương lai tươi sáng hơn.

4. Xây dựng biên giới Việt – Trung hoà bình, ổn định, hợp tác, hữu nghị

Trong khuôn khổ giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 4 năm 2017, sáng 24-9, Đoàn đại biểu QĐND Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đã tiến hành các hoạt động giao lưu tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Thượng tướng Phạm Trường Long bắt tay tại cột mốc số 66 (1) thể hiện quyết tâm chung tay xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển. Ảnh: Hoàng Anh (Internet)

Tại Ban chỉ huy Biên phòng huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, hai bên đã tiến hành hội đàm. Không khí giao lưu diễn ra đoàn kết, hữu nghị, chân thành, thể hiện trách nhiệm của lực lượng Quân đội hai nước. Chính quyền, nhân dân khu vực biên giới đã tăng cường thực thi pháp luật, bảo vệ đường biên, mốc giới; củng cố tin cậy, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa hai nước theo hướng thực chất, lành mạnh, bền vững; xây dựng biên giới Việt – Trung hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển lâu dài.

Kết thúc hội đàm, Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Thượng tướng Phạm Trường Long đã thống nhất kết quả của chương trình giao lưu và ký kết Biên bản giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới lần thứ 4 giữa QĐND Việt Nam và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

5. VKS Cấp cao đề nghị huỷ án sơ thẩm vụ VN Pharma

Chiều 22/9, VKSND Cấp cao ra quyết định kháng nghị, đề nghị tòa cùng cấp xử phúc thẩm theo hướng hủy án sơ thẩm của TAND TP HCM đối với cựu Chủ tịch VN Pharma Nguyễn Minh Hùng cùng đồng phạm buôn lậu thuốc trị ung thư.

Cựu chủ tịch VN Pharma cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ảnh: Hải Duyên. 

Theo VKS, vụ án còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ; có dấu hiệu lọt người, lọt tội cần điều tra lại.

Trước đó, Viện đã giao Phòng nghiệp vụ hình sự nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án do có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng việc định tội danh lãnh đạo VN Pharma cùng đồng phạm chưa đúng, các bị cáo có dấu hiệu của tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh – khung hình phạt cao hơn nhiều so với tội Buôn lậu.

6. Tòa tuyên phạt tử hình Nguyễn Xuân Sơn, chung thân Hà Văn Thắm

Sáng 29/9, Tòa án nhân dân Hà Nội đã tuyên án đối với Hà Văn Thắm, Cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).

7. Cảnh cáo ông Huỳnh Đức Thơ và đề nghị kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh

Ngày 29/9, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 18. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.

Ông Huỳnh Đức Thơ và ông Nguyễn Xuân Anh

Việc kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân nêu trên tại các tổ chức đảng được thực hiện nghiêm túc, đúng theo kế hoạch của UBKT Trung ương. Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và các cá nhân được kiểm tra thống nhất với kết luận của UBKT Trung ương, cho rằng việc kiểm tra của UBKT Trung ương đối với Đà Nẵng là đúng đắn, kịp thời; những vi phạm, khuyết điểm được chỉ ra là bài học sâu sắc cho công tác xây dựng Đảng và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền thành phố.

UBKT Trung ương nhận thấy, những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Anh và ông Huỳnh Đức Thơ đã được kết luận tại Kỳ họp 17 của UBKT Trung ương là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ, chính quyền Thành phố, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Sau khi xem xét, cân nhắc nhiều mặt; căn cứ Quy định số 263-QĐ/TW và Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm:

– UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Huỳnh Đức Thơ.

– UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luậtđối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 và ông Nguyễn Xuân Anh theo thẩm quyền.

8. Phó Thủ tướng: Xử lý tận gốc những vấn đề của bóng đá Việt

Chiều ngày 28/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc lới lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và đại diện một số bộ ngành liên quan về thực trạng bóng đá Việt Nam, cũng như tình hình tổ chức và hoạt động của VFF.

Theo Báo cáo của Bộ VHTT&DL, VFF nêu rõ, thời gian qua, bóng đá Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Phong trào tập luyện và thi đấu bóng đá phát triển rộng rãi. Cơ sở vật chất, sân bãi được đầu tư mạnh. Nhiều câu lạc bộ, trung tâm tập luyện, đào tạo bóng đá trẻ được thành lập. Hệ thống các giải bóng đá phong trào, chuyên nghiệp được tổ chức đều đặn ở tất cả các lứa tuổi, cấp độ và đạt được một số thành tích tại các giải quốc tế. Công tác xã hội hoá bóng đá được đẩy mạnh, thu hút được nhiều nguồn lực để phát triển bóng đá. Hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân tham gia đầu tư vào các câu lạc bộ, tài trợ tổ chức các giải thi đấu…

Tuy nhiên, hoạt động quản lý, điều hành trong bóng đá còn nhiều tồn tại, bất cập từ phát triển bóng đá phong trào đến các câu lạc bộ chuyên nghiệp; công tác đào tạo, huấn luyện, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho vận động viên chưa được coi trọng đúng mức. Những biểu hiện tiêu cực như đánh bạc, dàn xếp tỷ số, hành vi bạo lực, thiếu văn hoá trong thi đấu vẫn còn xảy ra…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, quan trọng nhất là phải phân tích rõ bất cập, nguyên nhân; nhìn nhận nghiêm khắc và quy rất rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, do cơ chế, điều kiện khách quan hay chủ quan trong từng nội dung; trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành, địa phương đến đâu; cơ cấu tổ chức và hoạt động của VFF đã tuân thủ pháp luật về tổ chức xã hội nghề nghiệp, quy định của các liên đoàn bóng đá quốc tế mà VFF là thành viên?

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ VHTT&DL tổ chức một hội nghị mở rộng để lắng nghe ý kiến của tất cả những người trong giới chuyên môn, các bên liên quan, người hâm mộ tâm huyết với sự phát triển của bóng đá nước nhà.

“Có làm rõ được nguyên nhân thực sự khiến người hâm mộ không mặn mà với bóng đá là vì sân bãi không tốt, trình độ cầu thủ chưa cao hay vì bóng đá chưa thực sự lành mạnh như dư luận phản ánh. Từ đó đưa ra được giải pháp, phương thuốc điều trị đúng, xử lý tận gốc những vấn đề liên quan đến cầu thủ, trọng tài, DN đầu tư, công tác tổ chức…”, Phó Thủ tướng nói và nhắc lại “bóng đá là môn thể thao rất được quan tâm. Việc quản lý, điều hành hoạt động bóng đá phải làm theo đúng quy định pháp luật, tôn trọng vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp và thông lệ quốc tế”.

9. Tổng thống Putin cách chức Tổng tư lệnh Không quân Nga Viktor Bondarev

Ngày 26/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cách chức Tổng tư lệnh Không quân Nga Bondarev Viktor Nikolaevich.

“Cách chức Đại tá Bondarev Viktor Nikolaevich, Tư lệnh trưởng Lực lượng Không quân

Tổng tư lệnh Không quân Nga Viktor Bondarev (Ảnh Ria.ru)

Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng cách chức một số quan chức cấp cao khác: lãnh đạo Cơ quan Hợp tác quốc tế, phụ trách người Nga ở nước ngoài và hợp tác nhân đạo quốc tế Lyubov Glebova, Trưởng Bộ Nội vụ tại khu vực Saratov Sergey Arenin, Phó Chỉ huy Hạm đội Biển Đen của Nga, Phó Đô đốc Valery Kulikov.

Theo thông tin từ một quan chức quốc phòng Nga, Phó Tư lệnh trưởng Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga Pavel Kurachenko, đã được bổ nhiệm làm Quyền Tư lệnh Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga, thay thế Thượng tướng Viktor Bondarev.

10. Nga tôn trọng nguyện vọng về cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của người Kurd ở Iraq

Liên quan đến cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập của cộng đồng người Kurd ở miền Bắc Iraq ngày 25/9 vừa qua. Ngày 27/9, Bộ Ngoại giao và Nghị viện Nga đưa ra tuyên bố về vấn đề này trên trang tin chính thức của Bộ Ngoại giao Liên bang Nga mid.ru.

Ngày 25/9, một cuộc trưng cầu ý dân về sự độc lập của cộng đồng này đã được tổ chức tại khu tự trị của người Kurd ở miền Bắc Iraq. Bầu cử diễn ra trên lãnh thổ về quyền tự chủ bản thân của tỉnh Kurd và các vùng lân cận như Diyala, Ninewa và Taamim ở Iraq, dưới quyền kiểm soát của lực lượng dân quân người Kurd.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Ngoại giao Nga đưa ra lời bình luận chính thức trên trang thông tin của Bộ Mid.ru.

Trong tuyên bố, Nga nêu rõ quan điểm: “Sự ủng hộ của Nga về toàn vẹn lãnh thổ của Iraq và các nước trong khu vực Trung Đông vẫn không thay đổi”

Dù vậy, Nga kêu gọi chính quyền Iraq và chính quyền tự trị Kurd sớm giải quyết những bất đồng, tránh bất cứ điều gì khiến tình trạng bất ổn định của khu vực Trung Đông vốn đã quá tải trở nên phức tạp hơn nữa.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng, “Moscow tôn trọng những nguyện vọng của người Kurd. Chúng tôi tin rằng tất cả các vấn đề tồn tại giữa chính quyền Iraq và lãnh đạo của khu vực tự trị Kurd có thể và cần được giải quyết bằng những đối thoại mang tính xây dựng và tôn trọng, tìm ra một giải pháp để đôi bên cùng có thể chấp nhận sống chung trong khuôn khổ một nhà nước Iraq duy nhất” .

Nga tôn trọng nguyện vọng về cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của người Kurd ở Iraq
Nga tôn trọng nguyện vọng về cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của người Kurd ở Iraq

Người dân Kurdistan đi bỏ phiếu (Ảnh từ usnews.com)

Nga tôn trọng nguyện vọng về cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của người Kurd ở Iraq
Ảnh từ rbk.ru
Nga tôn trọng nguyện vọng về cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của người Kurd ở Iraq
Thành phố Erbil vào đêm trước cuộc trưng cầu dân ý về sự độc lập của Iraq Kurdistan(Ảnh từ Tass)

P.V

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang