Vẫn còn đó nỗi lo thẻ ATM giả
(kiemsat.vn) Khi phát hiện các thiết bị lạ dùng để lấy cắp thông tin khách hàng được gắn vào máy ATM, cần giữ nguyên hiện trạng và báo cáo ngay cho lãnh đạo đơn vị cũng như cơ quan Công an để phối hợp xử lý.
Máy làm thẻ ATM giả bị thu giữ (nguồn internet) |
Nhân viên kỹ thuật thẻ bỏ việc… nghiên cứu làm thẻ giả
Theo báo Công an TP HCM, ngày 2/1/2018, CQĐT đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển VKS cùng cấp đề nghị truy tố Hồ Bảo Khải (38 tuổi, quê Khánh Hòa), Võ Xuân Vinh (34 tuổi, Bình Định) về tội Sử dụng thiết bị số, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, bảo vệ chi nhánh ngân hàng trên đường Nguyễn Thị Thập (quận 7) nhận tin báo có người rút tiền tại cây ATM bằng thẻ giả, đêm 23/6/2017. Họ ra ngoài kiểm tra, phát hiện Vinh đang lúi húi rút xấp tiền từ máy với bộ dạng lén lút liền giữ lại.
Cảnh sát tìm thấy ba thẻ ATM khác có dấu hiệu làm giả và 8 triệu đồng trong người Vinh; nhiều máy móc, công cụ dùng để in thẻ giả... tại nhà anh ta. Đối tượng Khải sau đó đến công an trình diện, thừa nhận cùng đi rút tiền với Vinh nhưng đứng ngoài cảnh giới(thấy đồng phạm vị bắt, anh ta nhanh chân bỏ trốn). Theo điều tra, Khải từng làm kỹ thuật cho công ty chuyên bảo trì hệ thống, thiết bị ATM nên có nhiều dữ liệu và thông tin các cá nhân. Tháng 10/2016, khi nghỉ việc, anh ta rủ Vinh lên kế hoạch nghiên cứu làm thẻ giả để lấy trộm tiền. Cả hai đi mua máy móc, thẻ trắng về nhà tự sản xuất hàng loạt thẻ rút tiền. Trước khi bị bắt, chúng đã rút được hàng trăm triệu đồng.
Tại sao thẻ ATM giả lại có thể rút được tiền?
Trả lời câu hỏi này, một chuyên gia phụ trách An ninh mạng Bkav cho biết ở đây hình thức là thẻ ATM, nhưng bản chất là thẻ tín dụng, vì thẻ tín dụng cũng rút được ở cây ATM. Thông tin thẻ “tín dụng chùa” rất phổ biến trong thế giới ngầm và khi đối tượng nắm được thông tin này thì bước tiếp theo là tạo ra các thẻ giả để rút tiền tại các cây ATM. Hiện có ba cách chiếm đoạt thông tin thẻ tín dụng phổ biến nhất…
Cách thứ nhất: Máy tính của người sử dụng bị cài virus: máy tính, trong đó có thông tin về thẻ tín dụng, bị kiểm soát và gửi dữ liệu về cho tội phạm mạng lấy mã số thẻ và thông tin thẻ. Cách thứ hai: Tội phạm mạng lừa và tìm cách gửi cho người dùng một đường link website mà người sử dụng hay sử dụng, nhưng thực sự là một trang lừa đảo có giao diện giống hệt một trang web thông thường, khi người dùng nhập thông tin vào thì nó sẽ chuyển thẳng tới tội phạm mạng. Cách thứ ba: tội phạm mạng xâm nhập vào website mà người sử dụng đã giao dịch, đánh cắp thông tin từ những nơi khách hàng đã từng giao dịch.
Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet) |
Ngân hàng Nhà nước phát đi khuyến cáo
Ngày 21/6/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản số 4893/NHNN-TT yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.Hà Nội; Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM; các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ và Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam triển khai một số việc để đảm bảo an ninh, an toàn ATM.
Theo đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có trang bị ATM cần khẩn trương rà soát việc cài đặt phần mềm, lắp đặt thiết bị chống sao chép, trộm cắp thông tin thẻ đối với toàn bộ hệ thống ATM của mình; khi phát hiện các thiết bị lạ dùng để lấy cắp thông tin khách hàng được gắn vào máy ATM, cần giữ nguyên hiện trạng và báo cáo ngay cho lãnh đạo đơn vị cũng như cơ quan Công an để phối hợp xử lý.
Để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng và ngân hàng, các tổ chức các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có trang bị ATM cũng được yêu cầu giám sát chặt chẽ các giao dịch diễn ra trong khoảng thời gian từ 23h đêm đến 1h sáng do các đối tượng phạm tội tận dụng hạn mức rút tiền 2 ngày; đồng thời có biện pháp hướng dẫn khách hàng cách nhận biết các thiết bị sao chép, trộm cắp thông tin thẻ được gắn vào ATM và cách thức ứng xử khi phát hiện các trường hợp này.
Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet) |
Để không trở thành nạn nhân của tội phạm thẻ
Hãy cảnh giác với những hành vi khả nghi tại máy ATM.
- Để ăn cắp thông tin cá nhân trong thẻ, tội phạm có thể lắp đặt thiết bị ăn cắp dữ liệu thẻ vào máy ATM. Thiết bị ăn cắp dữ liệu thẻ (card skimming device) là một thiết bị di động và được gắn phía trước hoặc phía trên của khe tra thẻ. Thiết bị ăn cắp dữ liệu này sẽ ghi lại tất cả các thông tin cá nhân trên thẻ của bạn ngay khi bạn đưa thẻ vào máy. Những thiết bị này thường khó có thể bị phát hiện nếu như bạn không chú ý. Thông thường, khe đọc thẻ của máy ATM sẽ nhấp nháy khi nhận thẻ. Nếu máy ATM đã bị cài đặt thiết bị ăn cắp dữ liệu thẻ thì tín hiệu nhấp nháy này sẽ bị che khuất.
- Kẻ gian sẽ sử dụng máy ảnh được giấu kín hoặc một bàn phím giả để ăn cắp số PIN của bạn. Ba khu vực phổ biến mà tội phạm thường lắp đặt camera là: khu vực đèn chiếu của ATM trên đầu, khu vực loa của máy nằm phía trên màn hình hoặc khu vực trống bên trái hay bên phải của máy.
- Tội phạm lợi dụng lúc bạn sơ hở để nhìn trộm mã PIN hoặc sử dụng điện thoại di động có gắn camera.Khi đăng nhập mã PIN, bạn nên luôn luôn chú ý dùng tay che kín bàn phím để không ai có thể thấy mã PIN của mình. Bạn cũng nên cảnh giác với khu vực xung quanh, đặc biệt khi có nhiều người lạ ở gần bạn.
-
1VKSND quận Liên Chiểu phối hợp với Tòa án tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử vụ án ma túy
-
2VKSND TP Hà Tĩnh phối hợp tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông
-
3VKSND quận Cầu Giấy: Kiến nghị phòng ngừa tội phạm gây rối trật tự công cộng do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn
-
4Quảng Nam: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giải quyết các vụ án liên quan đến đất đai
-
5VKSND tối cao tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
-
6VKSND TP. Hải Dương kiểm sát việc tiêu hủy pháo nổ trong vụ án hình sự
-
7VKSND huyện Vân Canh ban hành kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn
-
8Những trường hợp áp dụng Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024
-
9VKSND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chủ tịch UBND TP. Hội An về vấn đề liên quan đến người nước ngoài thuê xe tự lái vi phạm pháp luật Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.