Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong việc kiến nghị phòng ngừa, khắc phục vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước

19/08/2022 08:00

(kiemsat.vn)
Kiến nghị là một quyền năng pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân, có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác quản lý nhà nước - xã hội. Thực tiễn cho thấy các kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Gia Lai đã góp phần hoàn thiện chủ trương, chính sách về quản lý Nhà nước, đồng thời phản ánh tới các cơ quan nhà nước một góc nhìn đa chiều, từ đó có giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước - xã hội.

Kiến nghị là một trong những quyền năng quan trọng của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) trong thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, được quy định trong Luật tổ chức VKSND năm 2014 và các luật khác.

Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân hằng năm đã chỉ rõ toàn ngành phải nắm vững, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của VKSND trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, tăng cường tổng kết thực tiễn, dự báo tình hình tội phạm, làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm có nguyên nhân từ thiếu sót, sơ hở trong quản lý kinh tế, xã hội để tham mưu cấp ủy Đảng, kiến nghị với chính quyền và cơ quan hữu quan các giải pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Theo đó, việc thực hiện quyền kiến nghị phải bảo đảm 03 yêu cầu, đó là: (1) Là hoạt động nhằm góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất; (2) Là một trong những nhiệm vụ của VKSND thông qua việc thực hiện quyền kiến nghị được quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật tổ chức VKSND năm 2014: “... nếu phát hiện sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý thì kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm...”. Ngoài ra, còn được quy định tại khoản 7 Điều 15 và khoản 2 Điều 17 Luật tổ chức VKSND năm 2014; khoản 8 Điều 166; điểm b khoản 1 Điều 237 và khoản 7 Điều 267 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; (3) Hoạt động này góp phần quan trọng nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân trước cấp ủy Đảng và các cấp chính quyền ở địa phương, tạo thuận lợi để ngành thực hiện tốt hơn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

1. Kết quả thực hiện quyền kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật của Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Gia Lai trong thời gian qua

Qua thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND hai cấp tỉnh Gia Lai đã ban hành 28 kiến nghị đối với các cơ quan chức năng đề nghị áp dụng các biện pháp phòng ngừa, khắc phục vi phạm trong hoạt động quản lý nhà nước và hơn 107 kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan về các biện pháp phòng ngừa tội phạm. Các kiến nghị trong hoạt động quản lý nhà nước chủ yếu tập trung vào các dạng vi phạm sau:

- Trong công tác quản lý nhà nước về đất đai liên quan đến một số vi phạm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như: Cấp đất sai vị trí theo số thửa đất; cấp đất chồng lên đất của người khác; cấp đất sai vị trí số bản đồ; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy trình, tạo điều kiện cho đối tượng phạm tội chiếm đoạt tài sản của người khác; vi phạm trong công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ và cấp phát giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án.

- Trong hoạt động định giá tài sản trong tố tụng hình sự liên quan đến việc tiến hành định giá tài sản không đúng trình tự, thủ tục theo quy định; không căn cứ yêu cầu định giá tài sản của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã dẫn đến kết luận định giá tài sản không đúng làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết tin báo về tội phạm.

- Trong công tác quản lý hộ khẩu, hộ tịch liên quan đến việc cung cấp bản sao giấy khai sinh của bị hại trong vụ án hình sự không đúng dẫn đến xác định sai ngày sinh của người bị hại, gây khó khăn cho công tác điều tra, giải quyết vụ án; công tác đăng ký và quản lý hộ tịch còn sai sót như: Chỉ 01 đối tượng nhưng xác định được 03 tên, 03 ngày sinh khác nhau; năm sinh của cha, mẹ, tên của cha, mẹ khác nhau gây khó khăn cho việc xác định tên, độ tuổi thực tế của đối tượng phạm tội, gây tốn kém kinh phí cho hoạt động điều tra, kéo dài thời gian giải quyết án.

- Trong cung cấp tài liệu, chứng cứ giải quyết vụ án, vụ việc; thi hành án liên quan đến việc không cung cấp, chậm cung cấp, cung cấp thông tin về thi hành án dân sự không chính xác làm ảnh hưởng đến công tác thi hành án dân sự tại địa phương, ảnh hưởng lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

- Về công tác quản lý, bảo vệ rừng không thực hiện thường xuyên hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xác minh, xác nhận nguồn gốc lâm sản đối với cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản đã dẫn đến tình trạng các cá nhân, tổ chức lợi dụng tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến môi trường rừng; tình trạng buông lỏng quản lý, không có biện pháp kiểm tra, giám sát, chỉ đạo kịp thời để cấp dưới vi phạm kéo dài gây thiệt hại nghiêm trọng về lâm sản.

- Trong việc thực hiện chế độ đối với người có công với cách mạng đã từ trần, quản lý quỹ đền ơn đáp nghĩa liên quan đến công tác thực hiện chế độ đối với người có công với cách mạng đã từ trần, quản lý quỹ đền ơn đáp nghĩa của huyện.

- Việc xử lý tài sản thi hành án do vi phạm về thời hạn lập phương án xử lý đối với tài sản là vật chứng của vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu.

- Trong hoạt động công chứng do thực hiện chưa đúng trình tự, thủ tục công chứng, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

- Trong hoạt động của ngân hàng thương mại do xảy ra trường hợp nhận thế chấp đối với tài sản do hành vi phạm tội mà có, sau đó các đối tượng không trả nợ gây thiệt hại lớn cho tài sản của nhà nước; trình tự thủ tục khi xác lập giao dịch bảo đảm tại ngân hàng.

- Trong công tác trợ giúp pháp lý liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý của trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước: Thiếu sót về trình tự, thủ tục tiến hành lập biên bản xác minh và lập biên bản xác minh không đúng sự thật gây khó khăn cho việc xác định sự thật khách quan của vụ án dẫn đến việc giải quyết vụ án bị kéo dài.

- Trong công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ về việc đưa đối tượng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự vào danh sách tuyển chọn và có lệnh gọi nhập ngũ, gây ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án.

Nói chung, các kiến nghị của Viện kiểm sát trong công tác này đều được các cơ quan, tổ chức hữu quan chấp nhận, tiếp thu, khắc phục sửa chữa và có văn bản trả lời. Qua đó, giúp các cơ quan, tổ chức khắc phục những lỗ hổng trong hoạt động quản lý nhà nước ở địa phương. Đáng chú ý là một số cơ quan đã kiến nghị với các ngành, cấp trên ban hành các văn bản hướng dẫn, sửa đổi hoặc quy định cụ thể hơn để các cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ  thực hiện tốt hoạt động quản lý nhà nước.

Hiệu quả công tác kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước và phòng ngừa tội phạm của VKSND hai cấp tỉnh Gia Lai được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, thể hiện rõ nét tại Nghị quyết số 344/NQ-HĐND ngày 09/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai về công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai khóa XI: “Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; đã tích cực chủ động, phát hiện nhiều sơ hở, thiếu sót, vi phạm trong hoạt động tư pháp cũng như trong lĩnh vực quản lý nhà nước về trật tự - xã hội. Tỉ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, kiểm sát điều tra, truy tố các vụ án hình sự đều đạt và vượt chỉ tiêu ngành đề ra. Công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được quan tâm. Thực hiện tốt công tác phối hợp với cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội”.

2. Một số kinh nghiệm, kỹ năng

Với những kết quả đã thực hiện trên thực tiễn, tác giả rút ra một số kinh nghiệm, kỹ năng về quy trình 03 bước thực hiện quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan về các biện pháp phòng ngừa, khắc phục vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý Nhà nước và phòng ngừa tội phạm, cụ thể như sau:

Bước 1: Xác định nguồn để phát hiện vi phạm, sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý kinh tế và xã hội.

Nguồn tổng quát: Qua thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự cụ thể về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội phạm về chức vụ, tội phạm về trật tự an toàn xã hội..., trọng tâm là những vụ án điển hình tại địa phương, được dư luận quần chúng quan tâm hoặc những vụ án hình sự xâm phạm đến lợi ích chung của cộng đồng dân cư tại địa phương hoặc những tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân...

Nguồn trọng tâm: Qua việc đánh giá khách quan, toàn diện về động cơ, mục đích, phương thức và thủ đoạn phạm tội. Từ đó, xác định nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm hoặc vi phạm pháp luật và những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế, xã hội của cơ quan hữu quan.

Bước 2: Về phạm vi, phương pháp và các thao tác nghiệp vụ trọng tâm để phát hiện, tích lũy nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm.

Phạm vi: Trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Ngoài ra, đối với các lĩnh vực kiểm sát hoạt động tư pháp khác cần lưu ý phát hiện sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, xã hội khi kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự liên quan đến tài chính, ngân hàng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, công chứng, chứng thực; vấn đề kết hôn theo hủ tục lạc hậu; về thi hành án, bán đấu giá tài sản... 

Phương pháp: Kiểm sát viên phải nắm vững và dựa trên các quy định của pháp luật về 02 vấn đề sau: (1) Cơ cấu tổ chức bộ máy, hoạt động của các cơ quan hữu quan; (2) Chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức hữu quan và của những chủ thể được giao thực hiện công vụ, nhiệm vụ để xem xét, phân tích, đánh giá hành vi của cá nhân, tổ chức hữu quan có tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong thực thi công vụ, nhiệm vụ hay không; có hay không có những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước và xã hội hoặc những vấn đề mới phát sinh chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật.

Các thao tác nghiệp vụ trọng tâm để tích lũy kinh nghiệm phát hiện nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm: Trong các giai đoạn tố tụng, khi xây dựng các văn bản tố tụng của Viện kiểm sát, cần lưu ý các thao tác nghiệp vụ trọng tâm sau đây để kịp thời phát hiện, xác định nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm, như: Đánh giá chứng cứ liên quan đến các văn bản, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, người thi hành công vụ có trong hồ sơ vụ án, vụ việc; xây dựng các văn bản đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; văn bản đề ra yêu cầu điều tra; cáo trạng và bản luận tội; đề cương xét hỏi; các văn bản tố tụng khác trong hoạt động kiểm sát giải quyết vụ việc dân sự, hành chính, thi hành án dân sự, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự…

Bước 3: Xây dựng và ban hành văn bản kiến nghị

Kiểm sát viên dự thảo văn bản kiến nghị, báo cáo xin ý kiến Phó Viện trưởng phụ trách, đề xuất Viện trưởng xem xét, quyết định. Trường hợp cần thiết có thể đưa ra tập thể lãnh đạo đơn vị để bàn và quyết định. Nội dung kiến nghị phải chỉ rõ các sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý nhà nước và nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm ở lĩnh vực, đối tượng nào, văn bản, chính sách cụ thể; có dẫn chứng và căn cứ pháp lý. Đồng thời, phải đưa ra hoặc đề nghị áp dụng các biện pháp, giải pháp cụ thể để hạn chế, khắc phục hậu quả, khắc phục vi phạm, thiếu sót trong quản lý nhà nước - xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.

Cần lưu ý, để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của văn bản kiến nghị trong trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát cần trao đổi, thống nhất nhận thức về pháp luật với cơ quan, tổ chức hữu quan gắn với việc thực hiện chủ trương của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiến nghị và tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, Hội đồng nhân dân đối với văn bản kiến nghị của VKSND các huyện, thị xã, thành phố trong kiểm sát hoạt động tư pháp phải được gửi tới huyện ủy, thị ủy, thành ủy địa phương (qua đơn vị được giao phụ trách công tác nội chính của cấp ủy địa phương) và Hội đồng nhân dân cùng cấp (qua Ban pháp chế); đối với các văn bản kiến nghị của VKSND tỉnh phải được gửi tới Ban Nội chính Tỉnh ủy và Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh.

3. Một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị

Thực tiễn thực hiện quyền kiến nghị phòng ngừa, khắc phục vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý Nhà nước của VKSND còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đó là:

- Về nội dung kiến nghị: Nội dung kiến nghị là những quy định của pháp luật trong quản lý nhà nước - xã hội phát sinh sơ hở, thiếu sót rất khó phát hiện và đòi hỏi cán bộ, Kiểm sát viên phải có trình độ chuyên môn sâu, kinh nghiệm thực tiễn và phải đảm bảo nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

- Về chủ thể bị kiến nghị: Chủ thể bị kiến nghị là những cơ quan quản lý nhà nước, xã hội thuộc các cấp chính quyền địa phương nên việc kiến nghị liên quan đến những chủ thể này cần chặt chẽ, đảm bảo các yếu tố như: Sự ủng hộ của cấp uỷ, cơ quan dân cử (Hội đồng nhân dân), cơ quan giám sát (Mặt trận, đoàn thể) và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp để tránh những phản hồi không tích cực trong công tác phối hợp từ phía cơ quan bị kiến nghị. Nếu không làm tốt nội dung này có thể ảnh hưởng đến uy tín, vai trò, vị trí của VKSND tại địa phương.

Để nâng cao hiệu quả việc thực hiện quyền kiến nghị của VKSND trong hoạt động quản lý nhà nước trong thời gian tới, tác giả đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như sau:

Một là, đề nghị VKSND tối cao nghiên cứu xây dựng chuyên đề kỹ năng phát hiện vi phạm, thiếu sót trong quản lý nhà nước, xã hội; kỹ năng xây dựng kiến nghị để tổ chức tập huấn về công tác kiến nghị khắc phục vi phạm trong hoạt động quản lý nhà nước đối với VKSND các cấp.

Hai là, tăng cường sự phối hợp với các cơ quan hữu quan và VKSND các cấp trong việc thực hiện quyền kiến nghị.

Ba là, tích cực phát huy trách nhiệm, đổi mới phương pháp tư duy và tác phong, lề lối làm việc, nâng cao hơn nữa sự nỗ lực, quyết tâm từ lãnh đạo đơn vị đến từng cán bộ, Kiểm sát viên trong quá trình tổng hợp, xác định nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật để ban hành kiến nghị hiệu quả và chất lượng.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang