Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị xem xét bản án phúc thẩm vụ tranh chấp trường Pascal - Newton

24/01/2022 13:49

(kiemsat.vn)
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra văn bản đề nghị Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao xem xét Bản án phúc thẩm số 215/2020/KDTM-PT ngày 30/11/2020 của TAND TP. Hà Nội trong vụ tranh chấp trường Newton - Pascal do nhận thấy có nhiều điểm mâu thuẫn.

Văn bản của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án số 215/2020/KDTM-PT ngày 30/11/2020 của TAND TP. Hà Nội

Bản án phúc thẩm có nhiều mâu thuẫn

Ngày 21/01/2022, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Văn bản số 3531/MTTW-BTT ngày 21/01/2022 gửi Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao, đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án số 215/2020/KDTM-PT ngày 30/11/2020 của TAND TP. Hà Nội.

Công văn số 3531/MTTW-BTT cho biết, thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhiều lần nhận được đơn của bà Trần Kim Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục - TDS Việt Nam về việc đề nghị kiến nghị xem xét lại Bản án số 215/2020/KDTM-PT, ngày 30/11/2020 của TAND TP. Hà Nội theo thủ tục giám đốc thẩm. Vụ việc đã được nhiều cơ quan báo chí đưa tin và nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội.

Trước đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Công văn số 703/XLĐ-MTTQ ngày 16/8/2021 “V/v chuyển đơn kiến nghị của công dân” kèm theo đơn và tài liệu có liên quan gửi các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương. Tuy nhiên, đến nay vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm.

Do đó, sau khi nghiên cứu các văn bản tài liệu liên quan, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nêu ra nhiều điểm bất cập, mâu thuẫn trong bản án nêu trên.

Cụ thể, đối với các bản án sơ thẩm và phúc thẩm, Hội đồng xét xử (HĐXX) hai cấp đều căn cứ Điều 168 “Thời điểm được thực hiện các quyền của người sử dụng đất” của Luật đất đai năm 2013 để xác định thẩm quyền thực hiện chuyển nhượng một phần diện tích của thửa đất TH1 (thửa đất được chuyển nhượng ghi nhận trong hợp đồng ngày 23/01/2017) do bà Phương sở hữu, quản lý sử dụng theo quy định.

Tuy nhiên, Ủy ban Trung ương Mặt trân Tổ quốc Việt Nam cho rằng, Hội đồng xét xử hai cấp chưa xem xét cụ thể đến nội dung thửa đất TH1 là đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm (theo các Quyết định số 6141/QĐ-UBND và Quyết định số 3846/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội), theo quy định pháp luật việc chuyển nhượng, góp vốn của bà Phương cần phải đảm bảo các điều kiện theo Điều 177 (Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế khi giải thể, phá sản) Luật đất đai năm 2013.

Chính vì thế, theo quy định này, bà Phương chưa đảm bảo yêu cầu của pháp luật để thực hiện việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại thửa đất TH1 thuộc mình quản lý.

Mặt khác, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định hợp đồng ngày 23/01/2017 có bản chất là "việc góp vốn bằng giá trị hạ tầng kỹ thuật trên đất để xây dựng trường học của các bên trong hợp đồng..." nhưng khi tính các giá trị lại tính giá trị phần diện tích đất theo hợp đồng, chấp nhận việc sở hữu, quản lý của Công ty Newton trên phần diện tích đất trong lô TH1 theo hiện trạng. Như vậy, Tòa án đã không thống nhất các nhận định của mình.

Bên cạnh đó, đối với hợp đồng ngày 23/01/2017: Bản Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần trong Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục - TDS Việt Nam (Công ty TDS) giữa bà Trần Kim Phương và Trường THCS & THPT Newton (Trường Newton) ngày 23/01/2017: Theo bản án phúc thẩm, HĐXX nhận định bản chất là “việc góp vốn bằng giá trị hạ tầng kỹ thuật trên đất để xây dựng trường học của các bên trong hợp đồng..." giữa bà Phương và Trường Newton (theo hình thức của hợp đồng).

Bởi vậy, việc cá nhân bà Phương đứng ra giao kết hợp đồng chuyển nhượng một phần thửa đất TH1 với tư cách cá nhân là chưa chính xác, do thửa đất TH1 được giao cho Công ty TDS thuê và bà Phương là người được giao trách nhiệm quản lý, sử dụng (theo cuộc họp Đại hội cổ đông Công ty TDS ngày 14/11/2012); việc bà Phương ký và đóng dấu của Công ty TDS cũng chưa đúng với hình thức và nội dung của hợp đồng. Nội dung này cũng chưa được HĐXX hai cấp xem xét đánh giá cụ thể.

Ngoài ra, hợp đồng là văn bản các bên tham gia thể hiện sự tự do ý chí trong giao kết, thể hiện ý chí thống nhất bằng các điều khoản; các bên trong hợp đồng sẽ thực hiện đến cùng, để đảm bảo tính toàn vẹn của ý chí đó khi tham gia giao kết hợp đồng. Đối với bản hợp đồng ngày 23/01/2017 nêu trên, HĐXX cấp phúc thẩm xác định có hiệu lực pháp luật, nhưng tại phần quyết định của bản án mới chỉ nêu yêu cầu thực hiện một phần hợp đồng này, còn các nội dung khác liên quan chưa được đề cập đến.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng nêu ra Kết luận số 37/KL-CTHADS ngày 05/5/2021 của Cục THADS TP. Hà Nội đã xác định phần quyết định của các bản án sơ thẩm, phúc thẩm có những nội dung chưa rõ ràng, dẫn đến việc khó hoặc không thi hành được bản án, khi chưa được Tòa án giải thích rõ ràng việc này là có căn cứ khi HĐXX sử dụng cụm từ "các trang thiết bị..." trong phần quyết định của các bản án sơ thẩm, phúc thẩm, những vấn đề chưa rõ của các bản án dẫn đến hệ quả vi phạm quy định của cơ quan Thi hành án dân sự quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Vì vậy, để đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền và và lợi ích hợp pháp chính đáng của tổ chức và cá nhân, cũng như ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao xem xét kháng nghị Bản án phúc thẩm số 215/2020/KDTM-PT ngày 30/11/2020 của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội về việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại đối với Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục - TDS Việt Nam theo thủ tục giám đốc thẩm, và thông báo kết quả để Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện chức năng giám sát theo quy định của pháp luật.

Hệ quả của việc cưỡng chế thi hành án phạm luật

Trước đó, dư luận báo chí đã có nhiều bài viết về việc cưỡng chế thi hành án có dấu hiệu vi phạm pháp luật đối với Trường Tiểu học và THCS Pascal khi cưỡng chế giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại lô TH1 khu đô thị mới Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm của Công ty Khai Phát và Công ty TDS cho Trường THCS và THPT Newton vào ngày 4/11/2021.

Theo đó, Cục thi hành án TP. Hà Nội đã khẳng định Bản án số 215/2020/KDTM-PT không có căn cứ để thi hành án. Bên cạnh đó, lãnh đạo cũng như một số Chấp hành viên của Chi cục Thi hành án dân sự quận Bắc Từ Liêm đang bị xem xét kỷ luật vì những sai phạm khi thi hành bản án trên.

Ngoài ra, trước khi Chi cục Thi hành án dân sự quận Bắc Từ Liêm tổ chức việc cưỡng chế nêu trên, ngày 02/11/2021, Cục THADS TP. Hà Nội đã ra Công văn số 401 với nội dung: “Cục THADS TP. Hà Nội nhận được văn bản số 86 ngày 01/11/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự Bắc Từ Liêm báo cáo nội dung Ban chỉ đạo THADS quận Bắc Từ Liêm đã họp và thống nhất thời gian tổ chức cưỡng chế đối với Trường Tiểu học và THCS Pascal để giao tài sản cho Trường THCS và THPT Newton theo Quyết định thi hành án theo yêu cầu số 511 ngày 28/12/2020 của Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội, vào hồi 08 giờ ngày 04/11/2021.

Về vụ việc này, để có căn cứ, cơ sở thống nhất chỉ đạo Chi cục, Cục THADS TP. Hà Nội đã tổ chức họp liên ngành và đã có Công văn số 01 ngày 13/10/2021, Công văn số 187 và Công văn số 03 ngày 27/10/2021 báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục THADS, đến nay chưa nhận được phúc đáp…”.

Tuy nhiên, thay vì chờ ý kiến chỉ đạo của cơ quan cấp trên, không hiểu vì lý do gì, Chi cục THADS quận Bắc Từ Liêm vẫn tiến hành tổ chức cưỡng chế tại tòa nhà TH1. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, lực lượng cưỡng chế đã có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật như không tiến hành gặp đại diện các đối tượng chấp hành lệnh cưỡng chế như Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Giáo dục TDS Việt Nam, Công ty TNHH Khai Phát cũng như Ban quản lý tòa nhà TH1 để đọc quyết định cưỡng chế, thực hiện kiểm kê tài sản, ký biên bản bàn giao,..

Những sai phạm của Chi cục THADS quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội, trong việc thi hành bản án phúc thẩm 215/2020, về tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư, giữa Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Giáo dục TDS Việt Nam, với Trường THCS và THPT Newton, đã được Bộ Tư Pháp chỉ rõ trong buổi họp báo thường kỳ ngày 22/10/2021.

Ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp đã nêu rõ: Những vi phạm, thiếu sót của Chi cục THADS quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) trong việc tổ chức thi hành án gây bức xúc trong dư luận thời gian qua đã được Cục THADS TP. Hà Nội kiểm tra và kết luận. Hiện nay, cơ quan chức năng cũng đã có biện pháp xử lý trách nhiệm với chấp hành viên và những người liên quan.

Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã chỉ đạo rà soát lại toàn bộ nội dung vụ việc tổ chức thi hành án, để chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, Cục THADS Hà Nội đã giao Trưởng phòng Tổ chức cán bộ tham mưu tổ chức kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với ông Nguyễn Quốc Hùng, Chi cục trưởng Chi cục THADS quận Bắc Từ Liêm.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang