Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa: Nhiều sai phạm trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo

01/02/2021 09:17

(kiemsat.vn)
Tổ chức tuyển sinh, đào tạo khi chưa được giao chỉ tiêu; đối tượng tuyển sinh không đúng quy định; liên thông, liên kết đào tạo trái quy định… hàng loạt sai phạm tại Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa đã được thanh tra Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) chỉ ra trong Kết luận thanh tra số 1360/KL-TCGDNN ngày 18/7/2019.

Tổ chức tuyển sinh trái phép, vượt chỉ tiêu; sai đối tượng trong nhiều năm 

Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa được thành lập theo Quyết định số 125/QĐ-BGD&ĐT-TCCB ngày 11/5/2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trên cơ sở tách Khoa Y của Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Tổ chức, hoạt động theo Quyết định số 214/QĐ-UBND ngày 18/01/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động của Trường Cao đảng Y tế Thanh Hóa.

Trường Cao đảng Y tế Thanh Hóa được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp số 05/2019/GCNĐKHĐ-TCGDNN ngày 14/02/2019 để tuyển sinh và tổ chức đào tạo đối với 08 ngành, nghề đào tạo cao đẳng và 03 ngành, nghề đào tạo trung cấp.

Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa có trụ sở tại địa chỉ số 177 Đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã để xảy ra nhiều vi phạm pháp luật trong thời gian dài

Tại thời điểm thanh tra, Nhà trường không đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa thành lập Hội đồng trường theo quy định của Bộ GD&ĐT (trước ngày 1/1/2017) và Bộ LĐ-TB&XH (từ ngày 1/1/2017); chưa rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy chế tổ chức, hoạt động của Nhà trường theo quy định tại Thông tư số 46/2016/TT-BLĐTBXH.

Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra, trong nhiều năm các ngành, nghề của Nhà trường tuyển sinh vượt quá quy mô tuyển sinh năm được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể:

Năm 2017, Nhà trường chỉ được giao tuyển sinh 530 sinh viên ngành Điều dưỡng trình độ cao đẳng, nhưng đã tổ chức tuyển sinh tới 1.483 sinh viên, vượt quá 953 sinh viên so với cho phép (vượt 179,8%), ngành Dược trường được tuyển sinh 220 chỉ tiêu, nhưng tuyển lên tới 553 sinh viên, vượt quá 333 sinh viên (tỷ lệ vượt 151,4%).

Năm 2018, Nhà trường tổ chức tuyển sinh 809/480 sinh viên ngành Điều dưỡng trình độ cao đẳng đã vượt chỉ tiêu tuyển sinh 329 sinh viên; ngành nghề Dược đào tạo trình độ cao đẳng vượt 145 sinh viên…

Cùng với đó Nhà trường đã tuyển sinh và tổ chức đào tạo cho 24 học sinh ngành Y sỹ trình độ trung cấp mà không được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp phép, không lập hồ sơ đăng ký bổ sung hoạt động Giáo dục nghề nghiệp theo quy định. Ngày 24/8/2018, nhà trường đã cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp (theo mẫu quy định của Bộ GD&ĐT) cho 24 học sinh trên là không đúng quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và Thông tư số 10/2017/TT-BLĐTBXH.

Kết luận thanh tra chỉ ra rằng, trong 2 năm (2017 – 2018), nhà trường đã tổ chức đào tạo cho 301 học sinh học chuyển đổi từ ngành Y sỹ sang ngành Điều dưỡng để học ngành Điều dưỡng liên thông lên trình độ cao đẳng là không đúng hướng dẫn tại Công văn số 5828/BYT-K2ĐTcủa Bộ Y tế. 

Chương trình đào tạo được Nhà trường xây dựng, Hiệu trưởng Nhà trường quyết định ban hành năm 2015 theo quy định của Bộ Y tế để tổ chức giảng dạy cho 301 học sinh học chuyển đổi từ ngành Y sỹ sang ngành Điều dưỡng là không đúng quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Cũng theo kết luận thanh tra này, trong 2 năm (2018 - 2019), Nhà trường đăng thông báo tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ cao đẳng để được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng thứ 2, đối tượng tuyển sinh là người học đã có bằng tốt nghiệp đại học khối ngành sức khỏe là không đúng đối tượng tuyển sinh theo quy định tại Thông tư số 27/2017/TT-BLĐTBXH. 

Bên cạnh đó, có 1.225/2.618 hồ sơ tuyển sinh của người học ngành, nghề  Điều dưỡng liên thông từ trình độ trung cấp lên cao đẳng theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học, có bản sao bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp không cùng ngành Điều dưỡng, đã học liên thông từ trình độ trung cấp lên cao đẳng.  Kết luận thanh tra của TCGDNN khẳng định việc này là không đúng đối tượng tuyển sinh đào tạo theo quy định tại Thông tư số 27/2017/TT-BLĐTBXH và Công văn số 5828/BYT-K2ĐTcủa Bộ Y tế …

Vi phạm về liên thông, liên kết trong tổ chức đào tạo

Kết luận thanh tra số 1360/KL-TCGDNN ngày 18/7/2019 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chỉ ra hàng loạt sai phạm của Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa 

Từ ngày 01/01/2017 đến 31/5/2021, Nhà trường đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo cho 1.493 sinh viên liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học đối với 03 ngành, nghề không bảo đảm theo quy định tại Thông tư số 27/2017/TT-BLĐTBXH, cụ thể:

Nhà trường không xây dựng chương trình đào tạo tổng quát, chương trình đào tạo chi tiết từng môn học đối với 03 ngành, nghề: Dược, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học; không thực hiện báo cáo hoạt động đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học đối với 04 ngành, nghề: Dược, Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật xét nghiệm y học; không báo cáo đăng ký đào tạo theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư 31/2017/TT-BLĐTBXH.

Mặt khác, tại thời điểm thanh tra, Nhà trường không ban hành quy định về tuyển sinh, đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học; không quy định về tiêu chí, quy trình công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập và khối lượng kiến thức, kỹ năng đã tích lũy của người học được miễn trừ khi học chương trình đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đảng theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học theo quy định. 

Tại báo cáo của Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa, Nhà trường đã không báo cáo với Đoàn thanh tra về việc liên kết đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học tại bất kỳ địa điểm đào tạo nào ngoài trụ sở chính của Nhà trường.

Tuy nhiên qua kiểm tra, Đoàn thanh tra đã phát hiện trong 03 năm (2017-2019), Nhà trường đã ký hợp đồng đào tạo, hợp đồng giảng dạy lâm sàng với 16 bệnh viện, trung tâm y tế thuộc tỉnh Thanh Hóa để tuyển sinh, tổ chức đào tạo cho 1.087 sinh viên học 02 ngành, nghề: Điều dưỡng, Hộ sinh.

Như vậy Nhà trường đã báo cáo không đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo quy định tại Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra.

Bên cạnh đó, việc Nhà trường tổ chức đào tạo cho 1.087 sinh viên này tại 16 bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngoài trụ sở chính của Nhà trường đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt hoạt động là không đúng với quy định của pháp luật.

Mặt khác, nhà trường tổ chức đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên cao đẳng theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học đối với 2 ngành Điều dưỡng và Hộ sinh tại 16 bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nêu trên nhưng không đảm bảo điều kiện để tổ chức đào tạo. Các yêu cầu nhà trường không đảm bảo được thanh tra liệt kê gồm trụ sở chính, yêu cầu về giảng viên, giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành. Đồng thời thực hiện không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bệnh viện, trung tâm y tế theo quy định của Bộ Y tế…

(Còn nữa…)

Mới đây, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can số 447, 448, 449/CSKT-P9, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam số 134, 135, 136/CSKT-P9, Lệnh khám xét số 174, 175, 176/CSKT-P9 đối với 03 bị can: Phan Thị Thùy Trang, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ; Nguyễn Như Việt, nguyên Trưởng khoa Sư phạm Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 3; Nguyễn Đăng Thuần, giáo viên Trung tâm Đào tạo lái xe quận 12 thuộc Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 3 về tội “Giả mạo trong công tác” theo Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Trước đó, ngày 01/8/2019, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đối với 04 bị can Dương Văn Hòa, Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô; Trần Ngọc Quang, Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên; Phạm Vân Thùy và Lê Thị Lương là nhân viên của trường Đại học Đông Đô về tội “Giả mạo trong công tác” quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015.

PV

Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông: Các vi phạm pháp luật được xử lý ra sao?

(Kiemsat.vn) - Đình chỉ các hoạt động đào tạo, tuyển sinh không đúng quy định; thu hồi, hủy bỏ văn bằng cấp không đúng quy định; kiểm điểm trách nhiệm đối với tổ chưc, cá nhân có liên quan…là những biện pháp xử lý được nêu tại Kết luận thanh tra của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đối với những vi phạm tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông. 

Bằng giả tại Đại học Đông Đô: Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định pháp luật

(Kiemsat.vn) - Liên quan đến vụ án bằng giả tại Đại học Đông Đô, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an sớm đưa các đối tượng phạm tội ra xét xử nghiêm minh theo quy định pháp luật.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang