Trao đổi bài viết “Cần hướng dẫn về miễn trách nhiệm hình sự tại khoản 3 Điều 29 BLHS 2015”

23/02/2018 08:59

(kiemsat.vn)
Theo tác giả, trước khi miễn trách nhiệm hình sự thì phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành điều tra rồi sau đó mới ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra.

Ảnh minh họa

Trong bài viết “Cần hướng dẫn về miễn trách nhiệm hình sự tại khoản 3 Điều 29 BLHS 2015” của Tác giả Hồ Ngọc Thảo -VKSND tỉnh Phú Yên đăng trên Kiemsat online ngày 23/01/2018, có nêu một ví dụ:

A điều khiển xe mô tô lấn phần đường bên trái, tung vào xe mô tô do B điều khiển đi ngược chiều làm B chết. Xét hành vi của A đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS 2015. Do A đã kịp thời bồi thường thiệt hại cho gia đình B 150 triệu đồng; được người đại diện hợp pháp của B tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự nên A có đủ điều kiện để miễn trách nhiệm hình sự. Đối chiếu quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) thì có hai quan điểm:

- Quan điểm 1: Trước khi miễn trách nhiệm hình sự đối với A thì phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành điều tra rồi sau đó mới ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra đối với A. 

- Quan điểm 2: đối với trường hợp của A không cần thiết phải khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can rồi mới ra quyết định đình chỉ để miễn trách nhiệm hình sự

Trước hết, trách nhiệm hình sự được hiểu là một dạng của trách nhiệm pháp lý, là hậu quả pháp lý của việc phạm tội thể hiện ở trách nhiệm của người phạm tội trước Nhà nước phải chịu những tác động pháp lý bất lợi được quy định trong luật hình sự do Tòa án áp dụng theo một trình tự tố tụng nhất định.

Cơ sở của trách nhiệm pháp lý của cá nhận được quy định tại khoản 1 Điều 2 BLHS năm 2015 như sau: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.”. Trách nhiệm hình sự đặt ra đối với người thực hiện hành vi trái pháp luật và hành vi trái pháp luật của họ theo Bộ luật hình sự là phạm tội. Miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội không phải vì họ không thực hiện hành vi phạm tội mà phải hiểu là họ đã thực hiện hành vi phạm tội và theo lẽ thông thường họ phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng vì có căn cứ theo quy định của Bộ luật hình sự mà họ được miễn trách nhiệm hình sự. Như vậy, một người được miễn trách nhiệm hình sự phải thỏa mãn các yếu tố sau: Người đó phải thực hiện hành vi phạm tội theo quy định của Bộ luật hình sự (người phạm tội); việc miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội phải có căn cứ theo quy định của Bộ luật hình sự.

Việc miễn trách nhiệm hình sự là do cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) quyết định tùy thuộc vào từng giai đoạn tiến hành tố tụng. Quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 là trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự chứ không phải đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự. Không phải vì người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự. Cơ quan tiến hành tố tụng phải căn nhắc, đánh giá toàn diện nhiều yếu tố mới có thể quyết định miễn hay không miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Để làm được điều này thì cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành hoạt động điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ … nhưng trước hết là phải chứng minh có hành vi phạm tội theo quy định của Bộ luật hình sự. Do đó, không phải vì lý do Cơ quan điều tra phải lập hồ sơ; gửi tài liệu, hồ sơ cho VKSND cùng cấp để xem xét phê chuẩn; tống đạt các quyết định; hỏi cung bị can và tiến hành điều tra vụ án… Đối với VKSND phải nghiên cứu hồ sơ; xem xét, ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát việc điều tra… mà không cần thiết phải khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can rồi mới ra quyết định đình chỉ để miễn trách nhiệm hình sự như quan điểm thứ hai.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất cho rằng phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành điều tra rồi sau đó mới ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra đối với A. Điều này nhằm hạn chề sự tùy tiện của cơ quan tiến hành tố tụng khi xem xét miễn trách nhiệm hình sự.

(1) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang