TP. HCM: Người dân hoang mang vì công trình xây dựng đã tồn tại nhiều năm bỗng dưng bị ra quyết định cưỡng chế

02/12/2020 15:44

(kiemsat.vn)
Một số hộ dân tại quận 8, TP. HCM kêu cứu vì công trình của hộ gia đình mình xây dựng được chính quyền địa phương cho phép tồn tại trong nhiều năm, tuy nhiên thời gian gần đây bỗng dưng có quyết định cưỡng chế. Sự việc này khiến nhiều hộ dân tại quận 8 hoang mang, cuộc sống gia đình bị đảo lộn.

Công trình xây dựng của người dân tại quận 8 được phép tồn tại trong nhiều năm bỗng dưng bị cưỡng chế

Theo đơn thư cầu cứu của chị Nguyễn Thị Ánh Hương, thường trú tại đường Lưu Hữu Phước, quận 8, TP. HCM cho biết, vào năm 2017 gia đình chị có xây dựng 13 phòng trọ tại vị trí tại đường Hoàng Đạo Thúy, phường 7, quận 8 trên thửa đất số 13, tờ bản đồ 165 bản đồ địa chính phường 7 với diện tích 243m2. Trong đơn, chị Hương cho biết, công trình xây dựng này đã được chính quyền địa phương chấp thuận.

Tuy nhiên sau khi công trình được xây dựng xong, đến ngày 29/08/2019, Quản lý đô thị quận 8 tiến hành kiểm tra trật tự đô thị, xây dựng trên địa bàn và ra quyết định xử phạm với công trình xây dựng này của gia đình chị với mức phạt 25 triệu đồng, kèm với đó là yêu cầu khắc phục hậu quả trả lại hiện trạng ban đầu. Gia đình chị Hương sau đó đồng ý đóng phạt hành chính nhưng không đồng tình với việc thực hiện phá bỏ công trình vì cho rằng việc xây dựng nêu trên đã được chính quyền địa phương chấp thuận và cho phép tồn tại.

Gia đình chị Hương sau đó đã nộp đơn cầu cứu cơ quan chức năng. Sau khi xem xét, vào ngày 21/03/2019, UBND quận 8 ra quyết định số 133/QĐ-HBXDVPHC hủy bỏ toàn bộ quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trả lại hiện trạng ban đầu đối với trường hợp của gia đình chị Hương.

Sau khi tiếp nhận được văn bản hủy bỏ quyết định xử phạt nêu trên, gia đình chị Hương yên tâm ổn định cuộc sống vì công trình được cho phép tồn tại đến nay. Tuy nhiên, đến ngày 2/03/2020 UBND quận 8 lại ra một quyết định khác (quyết định số 62/QĐCCXD) cưỡng chế công trình nêu trên. Sự việc này đã khiến gia đình chị hoang mang vì không hiểu lí do gì lại bị cưỡng chế, trong khí trước đó đã có văn bản hủy bỏ quyết định xử phạt, cưỡng chế cũng do quận 8 ban hành.

Không chỉ đối với trường hợp của gia đình chị Hương, hộ gia đình ông Trần Văn Kiệt và một số hộ gia đình khác tại quận 8 cũng rơi vào tình cảnh tương tự, điều này khiến cho cuộc sống của người dân trên địa bàn bị đảo lộn.

Liên quan đến sự việc nêu trên, theo tìm hiểu của Phóng viên, khoản 1 Điều 74, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện thuộc loại cấm lưu hành, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông, xây dựng và an ninh trật tự, an toàn xã hội”.

Đối với việc thi hành biện pháp khắc phục hậu quả, theo khoản 1 Điều 85, Luật xử phạt hành chính cho biết: “Thời hạn thi hành biện pháp khắc phục hậu quả được thực hiện theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc trong quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 28 của Luật này”.

Như vậy, thực hiện quyết định cưỡng chế phải đi kèm và căn cứ trên văn bản xử phạt hành chính đang có hiệu lực thi hành. Trong vụ việc này, Việc UBND Quận 8 cần phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật; đồng thời có giải thích rõ đối với những người dân có liên quan đối với quyết định cưỡng chế; tránh gây bất ổn đối với cuộc sống của người dân, có thể dẫn đến khiếu kiện kéo dài, gây mất trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang