Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Hãy trả về cho sản xuất sự vận hành đúng quy luật”

01/07/2020 08:43

(kiemsat.vn)
Từ tổng kết thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc thiết kế đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước... khởi đầu cho công cuộc đổi mới đất nước.

Kiên trung với Đảng, dũng cảm, bất khuất trước kẻ thù.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh (Nguyễn Đức Cúc - tên khai sinh của đồng chí Nguyễn Văn Linh) quê gốc Giai Phạm, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, nơi giao lưu của ba vùng văn hoá: xứ Đông, xứ Bắc và Sơn Nam, nơi sản sinh nhiều danh nhân của đất nước.

Năm 1929, ở tuổi 14, khi đang học lớp Nhì Trường Bônan (Bonnal) Hải Phòng, Nguyễn Đức Cúc bắt đầu tham gia phong trào Học sinh đoàn của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam).

tong bi thu nguyen van linh:
 Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với các đại biểu dự Đại hội Đảng VI - Đại hội "Đổi mới" của Việt Nam, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 15-18/12/1986, với chủ đề: "Hoạch định đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để". Ảnh: TTXVN

Ngày 1/5/1930, Nguyễn Đức Cúc đã cùng các học sinh yêu nước thực hiện nhiệm vụ rải truyền đơn dọc phố Cát Dài. Nhóm rải truyền đơn bị cảnh binh bắt và cầm tù.

Năm 1936, nhờ thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, Nguyễn Đức Cúc được trả tự do, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1939, đồng chí được Trung ương phái vào Nam kỳ,  công tác ở Sài Gòn - Chợ Lớn, xây dựng “Vành đai đỏ” của cơ quan lãnh đạo đầu não Đảng ta ở Nam kỳ.

Đầu năm 1941, đồng chí được Trung ương điều động ra Trung kỳ chắp nối các tổ chức và phong trào cách mạng, chuẩn bị lập lại Xứ ủy, đến Vinh (Nghệ An) đồng chí bị địch bắt, kết án 5 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai.

Sau hơn 10 năm trong tù, đồng chí Nguyễn Văn Linh trở lại địa bàn Sài Gòn hoạt động và được bầu làm Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.

Dám nghĩ, dám làm, cùng toàn Đảng, toàn dân làm nên công cuộc đổi mới vĩ đại.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trên cương vị Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có những trăn trở, tìm tòi để làm sao vừa cải tạo và xây dựng Thành phố theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa mà vẫn tôn trọng quy luật phát triển của một vùng đô thị lớn đã quen sống với kinh tế thị trường, đã đạt tới một nền sản xuất hàng hóa tương đối phát triển; làm sao vừa cải tạo, vừa đẩy mạnh sản xuất, phát huy được sức mạnh của các thành phần kinh tế, góp phần vào việc ổn định cuộc sống của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh chịu khó xuống cơ sở, gặp gỡ cán bộ, nhân dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, kể cả băn khoăn, lo lắng của nhân dân, cùng các đồng chí của mình tìm cách tháo gỡ, mở lối. Từ trăn trở, nghĩ suy nung nấu của bản thân, với kinh nghiệm trong chiến tranh và hòa bình, đồng chí thấy rằng một số chính sách kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế của ta đã lỗi thời, chậm sửa chữa, làm giảm sút nhiệt tình lao động của quần chúng, tạo khe hở phát sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, làm cho tình hình sản xuất bị sa sút, đình trệ.

Từ Nghị quyết Trung ương 6 (khóa IV, tháng 9-1979), tình hình sản xuất công nghiệp có bước chuyển tốt hơn. Tuy nhiên, do chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm nên trong lãnh đạo kinh tế có lúc, có nơi xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, gây thiệt hại đáng tiếc. Khi được Trung ương phân công trở lại làm Bí thư Thành ủy Tp Hồ Chí Minh lần thứ hai, tháng 12-1981, đồng chí Nguyễn Văn Linh và tập thể lãnh đạo thành phố tập trung tổng kết thực tiễn, tìm tòi, đúc kết bài học, kiên quyết sửa đổi những sai sót, bất cập. Đồng chí nhấn mạnh: “Trả về cho sản xuất sự vận hành đúng quy luật của nó”.

Qua nghiên cứu và khảo sát thực tế, đồng chí Nguyễn Văn Linh khẳng định: “Thực tế đã chứng minh rằng trong cuộc đấu tranh giằng co giữa cái mới và cái cũ, giữa cái tiến bộ và lạc hậu, những cái phù hợp quy luật, có sức sống thường xuất hiện ở cơ sở, ở những nơi khó khăn, phức tạp nhất”. Đồng chí đề nghị Thành ủy cho phép nhân rộng các mô hình tốt, mở rộng cơ chế tự chủ cho nhiều xí nghiệp, nhiều loại hình sở hữu khác nhau; liên hợp, liên kết với các xí nghiệp của tỉnh bạn và các xí nghiệp của Trung ương, bước đầu tính đến việc mở rộng quan hệ kinh tế, làm ăn với nước ngoài.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng tán thành việc thành lập Câu lạc bộ giám đốc - một hình thức sinh hoạt nhằm trao đổi kinh nghiệm tổ chức, quản lý, sản xuất kinh doanh. Qua nghe báo cáo và trực tiếp xuống cơ sở ở Tp Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Trung ương có thêm quyết tâm xóa bỏ cơ chế cũ, tìm tòi và dứt khoát thực hiện cơ chế mới. Tháng 12 năm 1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Tổng Bí thư.

Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng Trung ương tiếp tục tìm tòi để thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội VI bằng những cơ chế, chính sách, bước đi, cách làm phù hợp; kịp thời xác định những nguyên tắc cơ bản lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, giữ vững định hướng chính trị, khơi dậy sức mạnh nội sinh của đất nước. Đồng chí hết sức coi trọng phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, xóa bỏ cơ chế hành chính tập trung quan liêu, bao cấp, xóa bỏ tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, khai thác tiềm năng lao động, đất đai để phát triển nông nghiệp; tập trung sức đẩy mạnh ba chương trình kinh tế lớn, lấy sản xuất làm gốc; chấn chỉnh bộ máy hành chính gọn nhẹ, bỏ bớt tầng nấc trung gian; chấn chỉnh khâu lưu thông - phân phối, cung ứng, dịch vụ; tích cực đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh rất coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực kinh tế. Đó là các tổng giám đốc, giám đốc các công ty, xí nghiệp, nhà máy. Coi trọng tổng kết thực tiễn, đi sâu đi sát cơ sở, lắng nghe ý kiến mọi người, cổ vũ những sáng kiến hay, khuyến khích tranh luận để làm sáng tỏ những vấn đề mới, khó; chủ động phát hiện, ngăn ngừa những khuynh hướng lệch lạc, tiêu cực.

Thực hiện dân chủ hóa hoạt động của Đảng, bộ máy Nhà nước, hệ thống chính trị, kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Trong điều kiện đất nước bị bao vây, cấm vận, khó khăn, thiếu thốn trăm bề, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta lúc đó quyết định điều chỉnh chính sách đối ngoại, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới. Quan điểm này được Hội nghị Bộ Chính trị (ngày 20-5-1988) bàn thảo và thống nhất trong Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về điều chỉnh đường lối đối ngoại, tập trung giữ vững môi trường quốc tế hòa bình và phát triển kinh tế.

Đảng ta thống nhất xác định ba ưu tiên hàng đầu trong đối ngoại lúc đó là rút quân tình nguyện Việt Nam khỏi Campuchia; bình thường hóa quan hệ Việt-Trung; cải thiện và đi tới bình thường hóa quan hệ với Mỹ; thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển. Những năm đầu của công cuộc đổi mới, khó khăn chồng chất cả trong nước và bên ngoài; mô hình chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ; với bản lĩnh và trí tuệ của Đảng ta, với tài năng và đức độ của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, con thuyền cách mạng Việt Nam đã vượt qua ghềnh thác, bão giông, vững bước đi về phía trước./.

 

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang