
Tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh sẽ kịp thời phát hiện tham nhũng
(kiemsat.vn) Nếu tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, kịp thời phát hiện những trường hợp đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và đấu tranh quyết liệt thì sẽ ngăn chặn được ngay từ đầu, không để phát triển phức tạp thêm.
Trong thời gian qua, Đảng ta đã rất kiên trì, bền bỉ và kiên quyết tiến hành cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đến nay, công tác này đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhận định: Công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và đạt được những kết quả bước đầu trên một số lĩnh vực.
Tham nhũng đã từng bước được kiềm chế, nhưng nhìn chung, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra; tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành.
Nghị quyết của Đảng cũng đã chỉ ra các nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó nguyên nhân đầu tiên được xác định là không ít cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực hiện tốt trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, vai trò của nhiều chi bộ, tổ chức cơ sở đảng còn mờ nhạt.
Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh là vấn đề cấp bách, là khâu đột phá trong phòng, chống tham nhũng thời gian tới.

Ông Nguyễn Thái Học - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng, để đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn, cần quyết tâm làm trong sạch nội bộ tổ chức đảng. Đây cũng là yêu cầu của nhân dân đối với Đảng.
“Người dân đòi hỏi Đảng cần phải quan tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên hơn nữa, nhất là đội ngũ cán bộ giữ cương vị lãnh đạo quản lý. Chính vì yêu cầu, sự thôi thúc của người dân, cho nên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quyết tâm đấu tranh để làm trong sạch nội bộ Đảng” - ông Nguyễn Thái Học cho biết.
Theo ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, phòng chống tham nhũng có hiệu quả khi nội bộ trong sạch, vững mạnh, mọi đảng viên, tổ chức Đảng, từ bí thư cấp ủy đến những đảng viên không giữ chức vụ đều phải liêm chính và có quyết tâm mạnh mẽ trong phòng, chống tham nhũng.
“Các cấp ủy phải rất nghiêm khắc và bản thân những người có chức, có quyền trong cấp ủy phải thật sự trong sạch, phải thấm nhuần, giác ngộ được vấn đề tham nhũng sẽ làm tổn thương, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và chính quyền” - ông Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh.

Tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, nơi trực tiếp giáo dục, rèn luyện và quản lý đảng viên. Do đó, tổ chức cơ sở đảng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, phần lớn các vụ tham nhũng không phải do tổ chức cơ sở đảng phát hiện. Thậm chí có đơn vị xảy ra các sai phạm lớn và kéo dài khá lâu, thế nhưng tổ chức cơ sở đảng ở đó không biết. Vì vậy, việc nâng cao vai trò, vị trí, tính chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng đang là yêu cầu bức thiết đặt ra trong công tác xây dựng Đảng nói chung, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng.
Ông Nguyễn Đức Văn (Câu Lạc bộ Thăng Long) cho rằng, ở đâu cũng có tổ chức Đảng, có chi bộ, các đảng viên trong tổ chức Đảng đều nắm rất rõ, hiểu rất sâu về các đồng chí của mình. Nếu ngay tại chi bộ thực hiện tốt nguyên tắc sinh hoạt Đảng, phát huy tốt phê bình và tự phê bình thì sẽ phát hiện, ngăn chặn kịp thời mầm mống của tham nhũng.
“Chi bộ là nơi sâu sát nhất với đảng viên. Mọi việc làm của đảng viên đều không thể tránh được sự giám sát của từng đảng viên trong chi bộ. Nếu tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, kịp thời phát hiện những trường hợp đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và đấu tranh quyết liệt thì sẽ ngăn chặn được ngay từ đầu những hành vi tham nhũng, không để cho nó phát triển phức tạp thêm; đồng thời qua đó cũng hạn chế được những thiệt hại” – ông Nguyễn Đức Văn nêu ý kiến./.
-
1Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: "Vươn mình trong hội nhập quốc tế"
-
2Nghị quyết phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2025
-
3Cần tiếp tục tăng cường cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao - thiết chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp
-
4Công bố Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
5Đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
-
6Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội thẩm tra các dự án luật trong lĩnh vực tương trợ tư pháp
-
7Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp
-
8Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Cho ý kiến đối với 15 nội dung, tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính
-
9Thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về tổ chức thi hành án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Bài viết chưa có bình luận nào.