Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật

30/03/2022 10:20

(kiemsat.vn)
Bộ Tư pháp vừa ban hành Công văn số 745/BTP-PBGDPL ngày 14/03/2022 hướng dẫn thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022 gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Bộ Tư pháp nhấn mạnh việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiên chuyển đổi số trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương.

Bộ Tư pháp đề nghị các địa phương căn cứ quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), đặc biệt là các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và các chương trình, đề án về PBGDPL đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thời gian qua; đồng thời, căn cứ điều kiện, yêu cầu thực tiễn của từng địa phương để chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, ưu tiên các nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế, địa bàn vùng sâu, vùng xa, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án phát triển kinh tế - xã hội, địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh; có các giải pháp đẩy mạnh việc huy động nguồn lực xã hội tham gia, hỗ trợ công tác PBGDPL.

Cùng với đó, UBND các địa phương cần xây dựng kế hoạch và tổ chức thông tin tuyên truyền, phổ biến đầy đủ quy định pháp luật đến mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Chú trọng thực hiện truyền thông chính sách pháp luật ngay từ quá trình xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, bám sát các vấn đề nóng, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau cần định hướng dư luận xã hội; các nội dung về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gắn PBGDPL với xây dựng, hoàn thiện thể chế và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành pháp luật. Mặt khác, chú trọng vào việc tiếp tục phổ biến, thông tin các nội dung chính sách, pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có các vấn đề an sinh như y tế, giáo dục, việc làm cho người dân.

Bên cạnh các hình thức, biện pháp PBGDPL truyền thống, Bộ Tư pháp yêu cầu các địa phương tăng cường việc sử dụng công nghệ thông tin, tập trung xây dựng, vận hành Cổng/Trang Thông tin điện tử PBGDPL gắn với thực hiện chuyển đổi số; khai thác triệt để các ứng dụng, phần mềm có tính năng trực tuyến, mạng xã hội... để PBGDPL; chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp kết nối, chia sẻ thông tin PBGDPL trên cổng thông tin điện tử PBGDPL quốc gia sau khi đưa vào vận hành. Đồng thời, tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông, PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng; đối thoại, giải đáp vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành pháp luật; chủ động, linh hoạt áp dụng các cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả và nhân rộng việc thực hiện.

Năm 2022 là năm thứ 10 cả nước tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Vì vậy, để Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 thực sự là điểm nhấn của cả giai đoạn 10 năm thực hiện, Bộ Tư pháp đề nghị các địa phương căn cứ điều kiện chủ động, linh hoạt tổ chức hoạt động hưởng ứng. Các hoạt động hưởng ứng cần tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, tập trung trong 02 tháng cao điểm (tháng 10, 11) và tập trung tuyên truyền, triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trên phương tiện thông tin đại chúng, Cổng/Trang thông tin điện tử, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, mạng viễn thông, mạng xã hội; cũng như thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tọa đàm giao lưu, đối thoại chính sách, pháp luật; lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hoặc hình thức khác phù hợp với địa phương.

Đối với công tác hòa giải ở cơ sở, Bộ Tư pháp yêu cầu UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tập trung nguồn lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022" của Thủ tướng Chính phủ; nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng mô hình, cách làm có hiệu quả về hòa giải ở cơ sở; chỉ đạo UBND cấp huyện phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp ở địa phương phổ biến, hướng dẫn kỹ năng hòa giải; việc thực hiện thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án theo quy định tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đã có hướng dẫn đối với công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác này; rà soát, đánh giá mức độ thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu theo quy định mới để có kế hoạch triển khai các giải pháp duy trì kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đồng thời, hỗ trợ cấp xã khắc phục các tiêu chí còn hạn chế hoặc chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tập huấn, hướng dẫn chấm điểm, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bằng hình thức phù hợp; bố trí nguồn lực, kinh phí triển khai các nhiệm vụ./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang