TAND TP. HCM: Tuyên y án vụ vay 3,5 tỷ đồng sau hai năm phải trả gần 10 tỷ đồng

12/12/2020 11:10

(kiemsat.vn)
TAND TP. HCM vừa xét xử phúc thẩm vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa ông Trần Thanh Nông (bị đơn) và ông Nguyễn Hồng Huy (nguyên đơn). Mặc dù vẫn còn một số tình tiết chưa được làm rõ nhưng cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm, buộc bị đơn trả gần 10 tỷ đồng sau 2 năm vay 3,5 tỷ đồng của nguyên đơn.

Ngày 10/12/2020, TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”. Tại phiên xét xử phúc thẩm này TAND TP. HCM giữ nguyên y án của TAND quận Thủ Đức đã xét xử sơ thẩm trước đó, buộc ông Trần Thanh Nông (bị đơn) phải thanh toán cho ông Nguyễn Hồng Huy (nguyên đơn) tổng số tiền cả gốc lẫn lãi là gần 10 tỷ đồng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tại Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án

Theo hồ sơ vụ án, ngày 01/01/2017, ông Nông có viết giấy vay ông Phạm Văn Luận (SN 1963) số tiền 1,5 tỷ đồng, trong giấy ghi nợ không ghi rõ lãi suất. Đến ngày 12/01/2017, ông Nông có viết giấy nhằm mục đích bảo lãnh cho ông T. Q. H. mượn ông Luận số tiền 2,2 tỷ đồng (thực tế là ông H. mượn 1,5 tỷ đồng từ ngày 20/11/2016 và cộng với tiền lãi từ ngày 20/11/2016 đến 12/01/2017 là 700 triệu đồng). Ông Luận yêu cầu ông Nông viết giấy vay tiền chung với khoản vay ngày 01/01/2017 và đồng thời xé bỏ giấy vay tiền của ông Nông ngày 01/01/2017.

Ngày 28/4/2017, ông Nông tiếp tục viết giấy mượn của ông Luận số tiền 150 triệu đồng, không tính lãi, không ghi rõ thời hạn vay. Đến ngày 13/6/2018, ông Nông đã  trả cho ông Luận số tiền 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khoản vay của ông Huy không được trả lãi đầy đủ nên ông Luận tính lãi mẹ đẻ lãi con, đến kỳ ép ông Nông viết nhiều giấy vay (thực chất là hợp thức hóa tiền lãi mà trên thực tế ông Nông không nhận tiền). Cụ thể giấy vay tiền ngày 05/3/2017 với số tiền 3.000 USD và 130 triệu đồng; giấy vay tiền ngày 14/4/2017 với số tiền 01 tỷ đồng.

Đến ngày 01/01/2018, ông Luận dẫn ông Nông đến gặp ông Nguyễn Hồng Huy để ông Nông viết Giấy vay tiền ông Huy với số tiền 4 tỷ đồng, nhằm mục đích cấn trừ vào số tiền lãi mà ông Nông đã mượn trước đó của ông Luận. Như vậy, tổng số tiền ông Luận tính toán buộc ông Nông phải trả lên đến gần 10 tỷ đồng.

Ngày 05/4/2019, ông Nguyễn Hồng Huy nộp Đơn khởi kiện tại TAND quận Thủ Đức yêu cầu ông Nông phải trả số tiền 4,8 tỷ đồng. Sau khi đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, TAND quận Thủ Đức chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông Nông phải trả cho ông Huy số tiền 4.962.680.000 đồng.

 Tham gia tranh tụng trong vụ án này, Luật sư Lâm Hiền Phước (Đoàn luật sư TP. HCM) cho rằng bản án sơ thẩm của TAND quận Thủ Đức chưa thực sự thuyết phục khi những tình tiết khách quan của vụ án chưa được xem xét đầy đủ toàn diện. Rất nhiều lời khai của nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và người làm chứng còn mâu thuẫn, thậm chí là đối lập nhau, nên phía bị đơn đã nộp đơn lên TAND TP. HCM. Tuy nhiên, taih phiên phúc thẩm, Tòa án vẫn y án sơ thẩm mà chưa làm rõ các tình tiết quan trọng là chưa thực sự thuyết phục.

Luật sư Lâm Hiền Phước cho rằng, toàn bộ hồ sơ vụ án không có chứng cứ nào cho thấy việc ông Nông đã nhận số tiền 4 tỷ đồng từ ông Huy. Đối với lời khai của ông Luận, khi thì ông Luận khai nhận lại số tiền 4 tỷ từ ông Nông (do ông Nông trước đó có nợ ông Luận) ngày 01/01/2018 để đi trả nợ ngân hàng, khi thì ông Luận khai nhận ngày 02/01/2018 tại quán cà phê.

Đối với chứng cứ là file ghi âm mà ông Nông đưa ra tại phiên toà, nội dung ghi âm nhiều đoạn thể hiện rất rõ, ông Luận thừa nhận ông Luận là người nhận số tiền 4 tỷ từ ông Huy chứ không phải ông Nông. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 10/12/2020, ông Luận thừa nhận nội dung trong file ghi âm là giọng nói của ông Luận và những nội dung đó đều được ông Luận nói. Nhưng các vấn đề đó đều chưa được làm rõ tại Toà.

Sau khi TAND TP.HCM  tuyên y án với bản án sơ thẩm, bị đơn là ông Trần Thanh Nông đã có Đơn kêu cứu gửi đến Ban nội chính TP.HCM, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM, Giám đốc Công an TP.HCM yêu cầu xử lý đối với hành vi cho vay nặng lãi, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản của ông Phạm Văn Luận.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang