Số lượng xét xử án tham nhũng tăng so với năm 2021
(kiemsat.vn) Trong năm 2022, các tòa án đã xét xử 2.626 vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ với 5.586 bị cáo; tăng 213 vụ so với năm 2021; Đã xử lý nghiêm các vụ án, nhất là những vụ án gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 8/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) năm 2022.
Đã xét xử 2.626 vụ án tham nhũng, kinh tế
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, năm 2022, các Tòa án triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước bên cạnh những thuận lợi, cũng phát sinh nhiều khó khăn mới. Đặc biệt trong những tháng đầu của kỳ báo cáo, tình hình dịch COVID-19 lây lan nhanh, với số ca lây nhiễm trong cộng đồng rất cao ở một số địa phương đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải quyết các loại vụ việc thuộc thẩm quyền.
Theo đó, từ ngày 01/10/2021 đến ngày 30/9/2022, các Tòa án đã giải quyết được 504.681 vụ việc (đạt tỷ lệ 88,9%; cao hơn năm trước 7,7%). Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,9%, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra (không quá 1,5%).
Trong đó, các vụ án hình sự, các Tòa án đã giải quyết là 91.312 vụ với 171.924 bị cáo; đạt tỷ lệ 97,71% về số vụ và 96,14% về số bị cáo, vượt 9,71% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: TH |
Đáng chú ý, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong năm 2022, các tòa án đã xét xử 2.626 c vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ với 5.586 bị cáo; tăng 213 vụ so với năm 2021.
Chánh án TANDTC cũng cho biết, đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; các vụ án dư luận xã hội quan tâm, TANDTC đã tập trung chỉ đạo các Tòa án tổ chức xét xử nghiêm túc, đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ, đúng pháp luật. Các Tòa án đã xét xử sơ thẩm 16 vụ án hình sự; xét xử phúc thẩm 13 vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Đã xử lý nghiêm các vụ án, nhất là những vụ án gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm.
Về các vụ án hành chính, các Tòa án đã thụ lý 11.746 vụ, đã giải quyết, xét xử được 8.524 vụ, vượt 12,6% so với chỉ Quốc hội đề ra.
Bên cạnh đó, các Tòa án cũng đã đưa ra xét xử kịp thời và tuyên án nghiêm khắc các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, trong năm qua (các Tòa án đã thụ lý 206 vụ với 341 bị cáo, xét xử 188 vụ với 297 bị cáo liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19; thụ lý 04 vụ với 09 bị cáo liên quan đến COVID-19 có hành vi trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước).
Ngoài ra, các Tòa án đã thụ lý 139 vụ án với 333 bị cáo phạm tội cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê có tính chất “xã hội đen”; xét xử 104 vụ với 235 bị cáo; đồng thời, đã thụ lý 64 vụ án với 834 bị cáo phạm tội có tính chất băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen, xét xử 53 vụ với 594 bị cáo.
Tỷ lệ hòa giải thành không phải xét xử cao
Một trong những kết quả nổi bật nữa mà các Tòa án thực hiện rất tốt là công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Trước đó, Chánh án TANDTC đã ban hành Chỉ thị số 02/2022/CT-CA ngày 14/3/2022 về việc tăng cường công tác hòa giải đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; xây dựng Đề án trang bị cơ sở vật chất phục vụ thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Các Tòa án đã chủ động bố trí phòng làm việc cũng như trang thiết bị phục vụ công tác hòa giải phù hợp điều kiện thực tiễn của đơn vị; tăng cường phổ biến, tuyên truyền trực tiếp cho nhân dân, đương sự về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
TANDTC đã tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại đối với 515 học viên là các Hòa giải viên tại 03 miền Bắc, Trung, Nam nhằm nâng cao chất lượng hòa giải, đối thoại. Đến nay, các Tòa án đã bổ nhiệm được hơn 3.000 Hòa giải viên. Với sự nỗ lực đó, các Tòa án đã giải quyết 117.443 vụ việc (hòa giải, đối thoại thành 72.955 vụ việc, đạt tỷ lệ 62,11%).
Việc xem xét áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được các Tòa án giải quyết khẩn trương, kịp thời, đúng pháp luật. Các TAND cấp huyện đã thụ lý 17.432 hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã giải quyết 17.416 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,9%.
Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm cũng được TANDTC triển khai quyết liệt. Theo đó, năm 2022 đã giải quyết được 8.403 đơn/vụ; đạt tỷ lệ 62,4%. Trong tổng số 8.403 đơn/vụ đã giải quyết, Tòa án trả lời cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị 7.954 đơn/vụ; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 449 đơn/vụ.
Về nhiệm vụ công tác Toà án trong thời gian tới, Chánh án TANDTC cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao. Xây dựng chương trình hành động và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” nhất là nội dung về cải cách tư pháp. Tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử. Làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, phát triển án lệ và giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ.../.
-
1VKSND quận Liên Chiểu phối hợp với Tòa án tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử vụ án ma túy
-
2VKSND TP. Hải Dương kiểm sát việc tiêu hủy pháo nổ trong vụ án hình sự
-
3VKSND huyện Vân Canh ban hành kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn
-
4VKSND quận Cầu Giấy: Kiến nghị phòng ngừa tội phạm gây rối trật tự công cộng do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn
-
5VKSND tối cao tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
-
6Những trường hợp áp dụng Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024
-
7VKSND TP. Quy Nhơn phối hợp với TAND cùng cấp xét xử lưu động vụ án mua bán trái phép chất ma túy
Bài viết chưa có bình luận nào.