Sau 14 năm đi kiện do bị sa thải, một thầy giáo đã “giải được nỗi oan”

11/07/2020 10:07

(kiemsat.vn)
Sau 14 năm đi kiện với 3 lần xét xử sơ thẩm, 3 lần phúc thẩm và hai lần giám đốc thẩm, cuối cùng một thầy giáo từng bị sa thải đã đòi lại công bằng, trở lại trường dạy học.

Sáng 10/7/2020, trao đổi với Phóng viên, ông Lê Cao Tánh, cựu giáo viên tại Trường THPT Bán công Nguyễn Du, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, cầm bản án trên tay, ông cảm thấy rất vui mừng. Cuối cùng những nỗ lực không ngừng đã giúp ông giải được nỗi oan khiên, phục hồi danh dự.

Trường THPT Bán công Nguyễn Du, TP Đà Lạt (nay là Trường THCS Nguyễn Du)

Trước đó, ngày 9/7, TAND tỉnh Lâm Đồng xác nhận đã gửi bản án kiện quyết định xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải giữa nguyên đơn là ông Lê Cao Tánh, bị đơn là Trường THPT Bán công Nguyễn Du, TP. Đà Lạt (nay là Trường THCS Nguyễn Du) tới các đương sự.

Trước đó, ngày 12/12/2006, ông Lê Cao Tánh đang là giáo viên dạy môn Giáo dục Công dân và Văn học tại Trường THPT Bán công Nguyễn Du, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng). Tuy nhiên, cùng thời điểm trên, một sự việc đáng tiếc đã xảy ra khiến ông bị sa thải.

Trong lúc đi ở sân trường, ông Lê Cao Tánh bị một “học sinh cá biệt” vô cớ chửi tục. Do không dữ được bình tỉnh, ông Tánh đã tát học sinh này.

Sau đó, ông Tánh đã bị Hiệu trưởng nhà trường ra Quyết định số 03/QĐ-KL ngày 6/2/2007, kỷ luật sa thải.

“Bức xúc trước vấn đề này từ thời điểm đó, tôi đã quyết tâm theo đuổi vụ kiện, yêu cầu hủy quyết định sa thải trên, đồng thời nhận ông trở lại công việc dạy học, chi trả toàn bộ tiền lương, thưởng, bảo hiểm…”, ông Tánh nói.

Về vụ kiện, hành trình đấu tranh của ông Tánh không hề đơn giản. Sau 14 năm đi kiện với 3 lần xét xử sơ thẩm, 3 lần phúc thẩm và 2 lần giám đốc thẩm mới đến hồi kết.

Tại bản án sơ thẩm số 03/2008/LĐ-TS ngày 28/4/2008, TAND TP. Đà Lạt xử: “Không chấp nhận yêu cầu kiện quyết định sa thải trái pháp luật của ông Lê Cao Tánh đối với bị đơn là Trường THPT Bán công Nguyễn Du”.

Bản án phúc thẩm số 01/2008/LĐ-PT ngày 16/9/2008 của TAND tỉnh Lâm Đồng cũng xử: “Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Lê Cao Tánh, giữ nguyên bản án lao động sơ thẩm…”. Trước bản án này, ông Tánh đã khiếu nại theo trình tự Giám đốc thẩm.

Đến ngày 27/9/2011, Tòa Lao động TANDTC có Quyết định Giám đốc thẩm số 05/2011/LĐ-GĐT, tuyên hủy cả hai bản án trên, giao hồ sơ cho TAND TP. Đà Lạt xét xử lại. Trong các ngày 17/9/2013 và 10/1/2014, TAND TP. Đà Lạt và TAND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và phúc thẩm.

Thời điểm này, ông Tánh tiếp tục khiếu nại theo trình tự Giám đốc thẩm do không đồng ý với quyết định của hai cấp tòa trên. Ngay sau đó, VKSND Cấp cao tại TP. HCM đã có quyết định kháng nghị. Quyết định Giám đốc thẩm của VKSND Cấp cao đã hủy bản án lao động sơ thẩm của TAND TP.Đà Lạt và bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng, yêu cầu xét xử lại.

Ngày 14/1/2020, TAND TP. Đà Lạt mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, sau đó Trường THCS Nguyễn Du và ông Lê Cao Tánh cùng có kháng cáo. Ngày 21/2/2020, VKSND TP. Đà Lạt cũng có Quyết định kháng nghị một phần bản án sơ thẩm của TAND TP. Đà Lạt.

Ngày 22/6/2020 tại phiên tòa phúc thẩm, VKSND tỉnh Lâm Đồng đã rút toàn bộ nội dung Quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSND TP. Đà Lạt. HĐXX nhận định: “Đối chiếu với quy định tại Điều 85, Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2002, 2006 về áp dụng hình thức xử lý kỷ luật “sa thải” thì hành vi của ông Lê Cao Tánh không thuộc trường hợp bị xử lý sa thải, cũng không thuộc trường hợp quy định khác tại nội quy, quy chế của nhà trường hoặc của ngành giáo dục. Do đó, quyết định sa thải ông Tánh của Hiệu trưởng Trường THPT Bán công Nguyễn Du là trái pháp luật.

Theo đó, HĐXX phúc thẩm xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Cao Tánh; Hủy quyết định sa thải của Hiệu trưởng Trường THPT Bán công Nguyễn Du; Buộc nhà trường (nay là Trường THCS Nguyễn Du) phải nhận ông Tánh trở lại làm việc; Trường THCS Nguyễn Du còn phải thanh toán cho ông Tánh trên 614 triệu đồng và khôi phục lại chế độ bảo hiểm cho ông Tánh, tiếp tục trả lương cho ông Tánh hơn 5,9 triệu đồng/tháng, tính từ tháng 1/2020…

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang